Chủ đề Đại hội đồng cổ đông năm nay là “Consumer of Things - Kết nối vạn nhu cầu”.
Đại hội được tổ chức không chỉ bao gồm chương trình nghị sự tiêu chuẩn theo yêu cầu quy định mà còn mang đến cho các bên liên quan của mỗi công ty niêm yết cái nhìn toàn diện về các cột mốc quan trọng cùng tiến độ thực hiện nền tảng tiêu dùng của Masan.
Đồng thời, đây cũng là dịp để nắm rõ những kế hoạch của Công ty giúp mang lại giá trị cho các cổ đông.
Chia sẻ thông điệp: “Kiên định hiện thực hóa tầm nhìn”, ông Danny Le, Tổng Giám đốc Masan Group nhấn mạnh cam kết của Masan về vận hành Công ty một cách hiệu quả và không ngừng tập trung vào tăng trưởng lợi nhuận kể từ khi đặt cược vào mạng lưới bán lẻ hiện đại vào năm 2019. Đây cũng là thời điểm khởi đầu hành trình xây dựng nền tảng tiêu dùng - công nghệ của Masan, The CrownX (TCX).
“Chúng tôi đã nắm trong tay kế hoạch rõ ràng để khai mở giá trị cổ đông cho Masan Consumer trong ngắn hạn và WinCommerce trong trung hạn. Ở vị thế Tập đoàn, chúng tôi không chỉ tập trung vào tăng trưởng mà còn đặt trọng tâm vào gia tăng lợi nhuận trong 18 - 24 tháng tới”, ông Danny Le chia sẻ.
Trong năm 2023, Masan vẫn duy trì sự tập trung vào các công thức tăng trưởng, các năng lực cốt lõi và đạt được một số cột mốc quan trọng bất chấp môi trường vĩ mô đầy thách thức.
Về hiệu quả hoạt động của siêu thị mini, WCM dự kiến sẽ đạt tổng cộng 4.000 cửa hàng, biên EBIT đạt 1% và 90% số siêu thị mini đạt mức hòa vốn EBITDA của cửa hàng vào năm 2024.
Trong suốt hành trình này, đổi mới sáng tạo chính là chìa khóa trong việc thí điểm các mô hình cửa hàng mới WIN và WinMart+ Rural, giúp mở rộng thị trường trong mạng lưới sẵn có của Masan, giúp nâng cao tốc độ tăng trưởng cũng như lợi nhuận LFL.
Masan tự hào về khả năng xây dựng danh mục mạnh mẽ, gồm các thương hiệu mạnh được người tiêu dùng tin yêu: CHIN-SU, Omachi, Kokomi, WakeUp 247, Heo Cao Bồi và Chanté. Những thương hiệu này không chỉ mang lại sự tăng trưởng vượt trội mà còn có thể mở rộng thị trường mục tiêu từ 2 đến 20x bằng cách định nghĩa lại phạm vi sản phẩm của thương hiệu.
Ra mắt trên toàn quốc vào năm 2023, Chương trình Hội viên WIN sẵn sàng trở thành chương trình thành viên lớn nhất Việt Nam với số lượng thành viên đăng ký đạt 8,5 triệu trong quý I/2024 và dự kiến sẽ đạt 30 triệu vào năm 2025 bằng cách tích hợp thêm nhiều thương hiệu và phân phối bán lẻ truyền thống (GT).
Masan tiếp tục thực thi chiến lược số hóa bằng cách triển khai hệ thống ERP, tự động hóa toàn bộ chuỗi giá trị kinh doanh và áp dụng AI và Machine learning (máy học).
Kết quả thu về ban đầu khả quan: cải thiện về lượng hàng tồn kho, giảm số ngày tồn kho, độ chính xác dự báo cao hơn và cải thiện chi phí logistics cho các cửa hàng WCM được thí điểm.
Tại sự kiện, ông Trương Công Thắng, Tổng Giám đốc Masan Consumer Holdings (MCH) đã đưa ra chiến lược của Masan Consumer tập trung vào hiện thực hóa tầm nhìn: “MỖI GIA ĐÌNH VIỆT NAM, MỌI SẢN PHẨM MASAN; MỖI GIA ĐÌNH THẾ GIỚI, ÍT NHẤT MỘT SẢN PHẨM MASAN”.
MCH đã gầy dựng thành công 5 thương hiệu mạnh có doanh thu hàng năm từ 150 triệu đến 250 triệu USD: Kokomi, Omachi, CHIN-SU, Nam Ngư và Wakeup 247, đóng góp 80% tổng tăng trưởng doanh thu.
Sự phát triển thành công của các thương hiệu này là kết quả của chiến lược nhất quán kéo dài hàng thập kỷ theo sát hành trình của người tiêu dùng để giải quyết những nhu cầu lớn chưa được đáp ứng.
Mục tiêu chiến lược của Masan Consumer là sở hữu 6 thương hiệu tỷ đô, thực hiện chiến lược “Go Global” và trở thành Công ty hàng đầu Đông Nam Á về tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận nhờ mô hình FMCG mới. Masan Consumer đặt mục tiêu đạt 10 - 20% doanh thu từ thị trường toàn cầu, đưa thương hiệu Việt ra thế giới.
Bà Nguyễn Trương Kim Phượng - Giám đốc Marketing Cấp cao - Ngành hàng Thực phẩm Tiện lợi (Công ty Masan Consumer) chia sẻ lộ trình để Omachi trở thành thương hiệu tỷ đô bằng cách cao cấp hóa thương hiệu và mở rộng sang thị trường thay thế bữa ăn tại nhà hàng (Restaurant meal replacement hay RMR).
Omachi đặt mục tiêu mở rộng thị trường mục tiêu từ 1 tỷ USD của ngành hàng mì ăn liền lên 17 tỷ USD của ngành hàng thay thế bữa ăn tại nhà hàng (RMR) với việc ra mắt lẩu tự sôi, cơm tự chín Omachi tại sự kiện.
Bà Đinh Hồng Vân, Giám đốc cấp cao ngành hàng gia vị (Công ty Masan Consumer) đưa ra kế hoạch chi tiết để CHIN-SU trở thành thương hiệu tỷ đô bằng cách cao cấp hóa thương hiệu, mở rộng phạm vi danh mục sản phẩm và thực hiện chiến lược “Go Global”.
Với trên 30 triệu chén nước mắm mỗi ngày, Masan Consumer phục vụ hơn 65% lượng tiêu thụ nước mắm của Việt Nam. Kể từ năm 2007, CHIN-SU tiếp tục nâng cao chất lượng nước mắm bằng cách cải tiến hương vị và bao bì, đồng thời tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng.
Năm 2023, CHIN-SU giành vị trí top 1 trên sàn thương mại điện tử Coupang của Hàn Quốc, vị trí top 10 trên Amazon và mở rộng sang thị trường các nước phát triển. Ngành hàng gia vị xuất khẩu sang Hoa Kỳ và Hàn Quốc tăng lần lượt ~150% và ~125% vào năm 2023 so với cùng kỳ…
Năm 2024, Masan dự kiến doanh thu thuần hợp nhất nằm trong khoảng từ 84.000 - 90.000 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 7% đến 15% so với cùng kỳ năm trước.
Các mảng kinh doanh tiêu dùng cốt lõi vẫn được kỳ vọng là động lực chính cho tăng trưởng doanh thu. Chương trình Hội viên WIN sẽ tiếp tục tập trung vào việc gia tăng giá trị cho các doanh nghiệp và đối tác của Masan. LNST thuần cốt lõi trước phân bổ cho cổ đông thiểu số (Core NPAT Pre – MI) dự kiến sẽ nằm trong khoảng 2.290 đến 4.020 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh so với 1.950 tỷ đồng trong năm 2023.
+TCX: Dự kiến đạt doanh thu thuần trong khoảng 63.000 đến 68.000 tỷ đồng, tương ứng mức tăng từ 9% đến 18% so với năm 2023.
+PLH: Dự kiến đạt 1.790 đến 2.170 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng 17% đến 41% so với cùng kỳ.
+ MML: Dự kiến đạt doanh thu thuần trong khoảng 7.100 và 7.800 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 2% đến 12% so với cùng kỳ nhờ tập trung đầu tư vào mảng kinh doanh thịt chế biến và giảm quy mô trang trại chăn nuôi gà.
+ MHT: dự kiến đạt doanh thu thuần từ 15.000 đến 15.800 tỷ đồng, tương ứng tăng lần lượt 6% đến 12% so với cùng kỳ.