| Hotline: 0983.970.780

Thanh Hóa

Xã giao đất trái luật, dân 'gánh' hậu quả!

Thứ Hai 10/10/2022 , 19:04 (GMT+7)

UBND xã Hoằng Phượng giao hàng nghìn m2 đất có thu tiền sử dụng đất nhưng trái thẩm quyền, khiến nhiều hộ dân lao đao đi tìm quyền lợi....

Hơn 14 năm trôi qua kể từ khi UBND xã Hoằng Phượng (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) giao 2.491m2 đất trái thẩm quyền, nhiều hộ dân sinh sống tại địa phương vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 

Bán đất khi chưa có quy hoạch

Theo phản ánh của nhiều hộ dân xã Hoằng Phượng, năm 2008, địa phương này phát đi thông báo về việc thanh lý tài sản đất đai tại khu vực trường mầm non cũ với diện tích 2.491m2.

Căn cứ nhu cầu sử dụng, 16 hộ dân tại thôn 2 (nay là thôn Vĩnh Gia 1) và thôn 4 (nay là thôn Vĩnh Gia 3) xã Hoằng Phượng đã gửi đơn xin mua đất làm nhà. Các hộ dân đã nộp đủ tiền theo quy định sau khi mua đất (có phiếu thu kèm theo). Giá các lô đất dao động từ 20 đến hơn 50 triệu đồng, tùy theo diện tích. Hiện tại, người dân đã làm nhà kiên cố trên những phần đất đã mua.

Sau khi mua đất, các hộ dân đã nhiều lần đã đề nghị UBND xã Hoằng Phượng hoàn thiện hồ sơ, trình cấp Giấy chứng nhận quyền sử đất nhưng không được giải quyết thỏa đáng.

Empty

Nhiều hộ dân tại xã Hoằng Phượng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi đã nộp tiền mua đất. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Nguyễn Bá Hượng (thôn Vĩnh Gia 3), hộ dân mua mảnh đất 200m2 với giá hơn 35 triệu đồng năm 2008, cho biết: “Khi người dân đề nghị chính quyền hoàn tất thủ tục để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì cán bộ xã nói, đang tìm kinh phí để hoàn thiện thủ tục, trình cấp trên cấp giấy. Có lúc họ lại nói, xã đã trình lên huyện để cấp "sổ đỏ" cho dân nhưng cấp trên không đồng ý vì cho rằng đất bán trái thẩm quyền nên không giải quyết được”.

Năm 2014, Thanh tra huyện Hoằng Hóa thực hiện kiểm tra công tác quản lý sử dụng đất tại xã Hoằng Phương. Kết luận chỉ rõ: Việc UBND xã Hoằng Phượng giao đất có thu tiền của 16 hộ dân xã Hoằng Phượng trên đất trường mầm non cũ, diện tích 2.491m2 là trái thẩm quyền. Số tiền thu về từ hành vi trên là 492.252.000 đồng, được nộp vào ngân sách nhà nước. Thời điểm kiểm tra, UBND xã không thực hiện quy hoạch, đấu giá quyền sử dụng đất và xét giao đất ở theo quy định của pháp luật.

Từ kết luận trên, UBND huyện Hoằng Hóa cũng yêu cầu địa phương có biện pháp, giải pháp báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân theo quy định. Sau khi có kết luận, người dân tiếp tục đề UBND nghị xã làm hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không được đáp ứng nguyện vọng.

Cũng theo phản ánh của các hộ dân, để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, UBND xã Hoằng Phương yêu cầu mỗi hộ dân đóng thêm 500 nghìn đồng/m2 để bù giá theo khung giá đất mới. Tuy nhiên, yêu cầu này chưa được các hộ dân chấp thuận.

Ông Nguyễn Xuân Vân (thôn Vĩnh Gia 1), một hộ dân mua đất bức xúc: “Chúng tôi là người thật, việc thật. Người dân mua đất có giấy tờ đầy đủ, hợp lệ không vi phạm pháp luật. Do vậy, việc đề nghị gia đình nộp thêm 500 nghìn đồng/m2 để bù giá, mới được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là hoàn toàn vô lý”.

Cán bộ làm sai, hậu quả dân chịu!

HP2

Sau khi mua đất nhiều hộ dân tại thôn Vĩnh Gia 1 đã xây dựng nhà kiên cố. Ảnh: Quốc Toản.

Trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam về việc đảm bảo quyền lợi trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân, bà Lê Thị Hiền, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoằng Hóaviện dẫn: “Theo quy định pháp luật về đất đai, gia đình, cá nhân sử dụng đất có nguồn gốc do lấn, chiếm hoặc đất được giao, được cho thuê không đúng thẩm quyền kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2004 đến trước ngày 01 tháng 07 năm 2014 nhưng nay phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, thì phải nộp 100% tiền sử dụng đất theo giá đất tại thời điểm có quyết định công nhận quyền sử dụng đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Theo quy định này, người dân phải nộp thêm tiền khi áp dụng khung giá đất tại thời điểm họ được đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sau khi đã trừ đi số tiền đã nộp để mua đất năm 2008”.

Hiện tại, các vị trí đất được kết luận là bán đất trái luật đã được cấp có thẩm quyền ký quyết định phê duyệt quy hoạch mặt bằng hiện trạng điểm dân cư Hoằng Phượng.

Ông Khương Bá Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Phượng cho biết: “Trong số 16 hộ dân nói trên, đã có 7 hộ dân đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định. 9 hộ dân còn lại chính quyền địa phương đang vận động nộp đủ số tiền theo quy định để hoàn tất thủ tục hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.

Ông Sơn nhẩm tính, nếu áp dụng khung giá hiện tại để thu tiền sử dụng đất, 9 hộ dân còn lại sẽ phải nộp thêm hơn 440 triệu đồng sau khi đã trừ khoản tiền mua đất mà các hộ dân đã nộp năm 2008.

HP3

Ông Nguyễn Đăng Thảo (thôn Vĩnh Gia 1). Ảnh: Quốc Toản.

Trong khi đó, các hộ dân cho rằng, việc họ nộp thêm tiền để được làm sổ đỏ là điều bất hợp lý.

Ông Nguyễn Đăng Thảo (thôn Vĩnh Gia 1), một hộ dân mua đất cho hay: “Chúng tôi mua đất là hoàn toàn hợp pháp. Việc bán đất trái thẩm quyền là trách nhiệm của chính quyền chứ không phải lỗi của người dân. Cán bộ tiền nhiệm làm sai thì chính quyền đương nhiệm phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả và đảm bảo quyền lợi của người dân. Nếu không giải quyết được, thì huyện yêu cầu lãnh đạo xã thời kỳ bán đất cho dân phải chịu trách nhiệm, chứ không thể để người dân phải gánh hậu quả”.

Do không đồng ý với phương án xử lý của chính quyền địa phương, tháng 9/2022, nhiều công dân tại thôn Vĩnh Gia 1, Vĩnh Gia 3 đã có đơn gửi UBND tỉnh Thanh Hóa, đề nghị giải quyết việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ đã mua đất.

Sau khi xem xét đơn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa chỉ đạo giải quyết theo quy định của pháp luật, có văn bản trả lời công dân và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.