| Hotline: 0983.970.780

Xã Tông Lạnh thoát nghèo nhờ nông thôn mới

Thứ Bảy 30/11/2024 , 15:41 (GMT+7)

SƠN LA Người dân tại xã Tông Lạnh lấy nông nghiệp làm gốc, thoát nghèo bền vững nhờ những chính sách hợp lý trong duy trì và phát triển nông thôn mới.

Toàn bộ trẻ em trong xã đều phổ cập giáo dục tiểu học, xóa mù chữ. Ảnh: Đức Bình

Toàn bộ trẻ em trong xã đều phổ cập giáo dục tiểu học, xóa mù chữ. Ảnh: Đức Bình

Thuận Châu là một trong những huyện còn khó khăn của tỉnh Sơn La, nhiều xã vẫn phải chật vật thoát nghèo, mong ngóng ngày đạt đủ tiêu chí nông thôn mới (NTM), nhưng người dân nơi đây vẫn luôn nỗ lực, chịu khó thay đổi để gia tăng kinh tế hướng tới những sự đổi thay trong cuộc sống.

Trong đó, xã Tông Lạnh đang là mô hình tiêu biểu cho sự phát triển vượt bậc trong thời gian qua, thuộc xã vùng I với tổng diện tích tự nhiên 2.356 ha. Nơi đây có 16 thôn, bản với 2.534 hộ dân, trong đó đồng bào dân tộc Thái chiếm 76% và dân tộc Kinh chiếm 24%. Trước đây, xã có xuất phát điểm thấp, người dân chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông nghiệp tự phát với năng suất và hiệu quả chưa cao.

Chương trình Nông thôn mới được triển khai tại xã từ năm 2022 đã tạo nên những bước chuyển tích cực trong đời sống và kinh tế. Nhiều bản làng đã thay đổi nhờ các mô hình phát triển cây ăn quả và cây trồng mùa vụ hiệu quả.

Các loại cây trồng như cà phê, cam ruột đỏ được nhân rộng ở các bản như bản Lạnh, Hua Nà, Nà Lạn. Cơ cấu cây trồng và vật nuôi cũng chuyển đổi phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Những cây chủ lực như nhãn ghép, xoài ghép, bơ, cùng với chăn nuôi bò và trâu, đã tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

Trồng rau vụ đông đem lại lợi nhuận cao cho bà con trong xã. Ảnh: Đức Bình

Trồng rau vụ đông đem lại lợi nhuận cao cho bà con trong xã. Ảnh: Đức Bình

Mùa đông, bà con còn trồng thêm các loại rau củ như ngô, khoai lang, su su, bắp cải, không chỉ để cải thiện bữa ăn hàng ngày mà còn tăng thêm nguồn thu nhập. Anh Trịnh Văn Hiến, một nông dân ở bản Thẳm, chia sẻ: “Gia đình tôi có 5 ha đất canh tác. Vụ đông năm nay, tôi đầu tư 20 triệu đồng vào trồng ngô, su su, bắp cải và lá lốt. Nếu thời tiết thuận lợi, tôi dự kiến thu về gần 100 triệu đồng". Để đảm bảo nguồn nước tưới cho rau màu trong mùa khô, anh Hiến cùng bà con đã khoan giếng từ khe núi và xây dựng hệ thống dẫn nước để cung cấp cho việc tưới tiêu mỗi ngày.

Nhờ sự chuyển đổi hợp lý, đến tháng 10/2024, thu nhập bình quân đầu người tại xã Tông Lạnh đạt 46 triệu đồng/năm. Nguồn kinh phí xã hội hóa để xây dựng nông thôn mới đạt 242 triệu đồng. Xã hiện đạt 17/19 tiêu chí NTM, chỉ còn hai tiêu chí chưa hoàn thành: giảm tỷ lệ hộ nghèo và phát triển sản phẩm OCOP mang thương hiệu địa phương.

Những cây cầu xuống cấp, xã đang lên kế hoạch tu sửa để đảm bảo an toàn cho bà con. Ảnh: Đức Bình

Những cây cầu xuống cấp, xã đang lên kế hoạch tu sửa để đảm bảo an toàn cho bà con. Ảnh: Đức Bình

Sau cơn bão số 3 vừa qua, nhiều công trình giao thông, thủy lợi bị xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng đến công tác vệ sinh môi trường và sinh kế của người dân. Bên cạnh đó, giá cả nông sản chưa ổn định và chi phí đầu vào như điện, xăng dầu tăng cao cũng gây áp lực lớn lên đời sống bà con.

Ông Lường Văn Hạnh, Quyền Chủ tịch UBND xã Tông Lạnh, cho biết: “Để tiếp tục phát triển NTM, chúng tôi tập trung vào đào tạo đội ngũ cán bộ cơ sở có năng lực, tâm huyết, nhằm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ tuyên truyền và vận động người dân. Xã khuyến khích các mô hình kinh tế sáng tạo, phù hợp với điều kiện địa phương, tránh máy móc và rập khuôn.”

Các phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư cũng được triển khai mạnh mẽ. Những hoạt động như phong trào "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi", "5 không, 3 sạch" hay xây dựng gia đình hạnh phúc đã thu hút đông đảo người dân tham gia, tạo không khí sôi động, đoàn kết ở địa phương.

Xã đang nỗ lực giữ vững và phát triển ba tiêu chí quan trọng: bảo hiểm xã hội, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Các mô hình sản xuất chú trọng sử dụng nguyên liệu tự nhiên và thân thiện với môi trường nhằm đảm bảo phát triển bền vững.

Dù còn nhiều thách thức, Tông Lạnh đang vững bước trên hành trình duy trì nông thôn mới. Thành công của xã là minh chứng rõ ràng cho tinh thần đoàn kết và nỗ lực không ngừng của chính quyền và người dân.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Đưa sản phẩm trà ‘made in Việt Nam’ ra thị trường quốc tế

YÊN BÁI Chương trình OCOP giúp HTX hoàn thiện các khâu của chuỗi sản xuất một cách khoa học, hiệu quả, từng bước đưa sản phẩm Tuyết Sơn Trà đến người dùng trong nước và quốc tế.