| Hotline: 0983.970.780

Xã vùng cao làm OCOP từ kinh tế dưới tán rừng

Thứ Hai 18/12/2023 , 06:00 (GMT+7)

Thanh Hóa Yên Nhân là xã thuộc vùng cao, vùng sâu của huyện Thường Xuân. Nhờ phát triển kinh tế dưới tán rừng nhiều hộ dân trong xã từng bước có thu nhập, ổn định đời sống.

Xã vùng cao có 2 sản phẩm OCOP

Tôi bất ngờ vì Cầm Thị Thuyết còn khá trẻ nhưng tương đối chín chắn và già dặn. Thuyết khoe, 4 năm sinh viên, em ít phải nhờ bố mẹ chu cấp. Nhà Thuyết nằm cạnh rừng (xã Yên Nhân, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa) nên sản vật địa phương luôn sẵn có. Ngày còn đi học, đều đặn hàng tháng, bố mẹ Thuyết đều gửi măng rừng, mật ong để em buôn bán, kiếm thêm thu nhập. Số tiền gốc có được từ kinh doanh Thuyết gửi trả bố mẹ, tiền lời em dành chi tiêu, sinh hoạt trong tháng.

Sau khi ra trường, Thuyết quyết định trở về quê hương để thực hiện ý tưởng sản xuất và cung cấp các sản phẩm nông sản sẵn có tại địa phương gồm mật ong và măng. Chưa dừng lại ở đó, cô gái trẻ hướng tới việc tạo ra các sản phẩm có giá trị, mang hương sắc bản địa, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương. 

“Măng rừng và mật ong tự nhiên là sản vật đặc trưng của địa phương, nhưng bà con vẫn lâm vào cảnh nông sản được mùa mất giá. Mật ong, măng sau khi thu hoạch, được bà con đem ra chợ bán hoặc nhập cho thương lái nên giá cả bấp bênh. Trong khi đó em nhận thấy nhu cầu dùng nông sản sạch của người dân ngày càng cao nên mong muốn nâng tầm giá trị các mặt hàng này”, Thuyết chia sẻ.

Năm 2021, 2022, sản phẩm mật ong hoa rừng Yên Nhân và măng khô Yên Nhân của hợp tác xã lần lượt được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Ảnh: Quốc Toản.

Năm 2021, 2022, sản phẩm mật ong hoa rừng Yên Nhân và măng khô Yên Nhân của hợp tác xã lần lượt được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Ảnh: Quốc Toản.

Thuyết chia sẻ, nghề nuôi ong lấy mật ở xã Yên Nhân đã có từ nhiều năm trước, nhưng chủ yếu là tự phát ở các gia đình nên sản xuất còn manh mún, sản phẩm làm ra chủ yếu là để phục vụ nhu cầu của người dân. Những năm gần đây, mô hình nuôi ong lấy mật dưới tán rừng đem lại hiệu quả kinh tế cao, vốn đầu tư ít, rủi ro thấp, nên cô gái nảy ra ý định liên kết sản xuất với bà con, tạo đầu ra cho sản phẩm.

Năm 2021, Thuyết được tập thể tín nhiệm, bầu giữ chức Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông lâm nghiệp Yên Nhân. Cô gái trẻ bắt đầu hành trình khởi nghiệm của mình bằng việc tập hợp các thành viên cùng chí hướng, góp vốn đầu tư để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm măng và mật ong bản địa. Thế nhưng hành trình khởi nghiệp của Thuyết ban đầu không thuận lợi như ý tưởng đưa ra.

Năm đầu tiên khi đầu tư nuôi ong lấy mật, Thuyết và bà con lỗ hơn 100 triệu đồng do ong bị ong rừng tấn công gây thiệt hại hơn 100 đàn. Có năm, Thuyết đi thu mua măng rừng của bà con thì bị thương lái dọa dẫm đến phát khóc.

“Thương lái nghĩ em tranh mối hàng của họ nên buông lời nạt nộ. Tuy nhiên, do bà con biết em là người địa phương nên họ tin tưởng nhập hàng đều đặn cho hợp tác xã. Sau này, để tạo ra nguồn hàng bền vững, em ký kết hợp đồng với các hộ dân, bao tiêu hàng hóa cho bà con. Ban đầu, măng và mật ong thu mua không được sơ chế bảo quản đúng cách nên bị lên nấm, hoặc hỏng. Từ thực tế trên, hợp tác xã quyết định đầu tư hệ thống máy móc chế biến, đóng gói đồng thời bắt tay vào việc xây dựng thương hiệu cho 2 sản phẩm nói trên”, Thuyết chia sẻ.

Nghề nuôi ong tại xã Yên Nhân đang giúp nhiều bà con có thu nhập ổn định. Ảnh: Quốc Toản.

Nghề nuôi ong tại xã Yên Nhân đang giúp nhiều bà con có thu nhập ổn định. Ảnh: Quốc Toản.

Hiện nay, hợp tác xã đã liên kết với gần 100 hộ dân, thu mua hơn 15 tấn măng tươi và 4 tấn mật ong rừng mỗi năm để chế biến, đóng gói và xuất bán ra thị trường. Sau khi trừ chi phí mỗi năm doanh thu của hợp tác xã đạt khoảng 1,5 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hơn 10 lao động thường xuyên với mức thu nhập khoảng 40 - 50 triệu đồng/người/năm.

Sau một vài năm nỗ lực xây dựng thương hiệu và chất lượng sản phẩm, năm 2021, 2022, mật ong hoa rừng và măng khô Yên Nhân của hợp tác xã lần lượt được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. 

Thuyết cho biết thêm, sắp tới hợp tác xã sẽ mở rộng quy mô sản xuất và thị trường nhằm cung ứng các sản phẩm OCOP tới rộng rãi người tiêu dùng; đa dạng hóa các sản phẩm từ mật ong và măng Yên Nhân để chiều lòng khách hàng.

Phát triển kinh tế dưới tán rừng

Yên Nhân là xã thuộc vùng núi cao của huyện Thường Xuân, với 1.200 hộ dân. Xã có diện tích tự nhiên gần 19.000ha, trong đó 98% là dân tộc Thái. Để khai thác hết tiềm năng đất đai, những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Yên Nhân đã chú trọng xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế gắn với tiềm năng từ rừng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Ông Hà Thanh Hắng, Chủ tịch UBND xã Yên Nhân cho biết, việc khai thác lợi thế tự nhiên ở địa phương để phát triển đàn ong mật, khai thác măng rừng, đan lát đang giúp người dân cải thiện đáng kể thu nhập.

"Nghề nuôi ong mật và hái măng rừng là nghề mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo của địa phương. Để khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế từ kinh tế dưới tán rừng, địa phương đã tổ chức cho người dân tham gia nhiều lớp tập huấn, học hỏi kỹ thuật nuôi ong; phổ biến chu kỳ sinh trưởng phát triển của măng rừng, để người dân có kế hoạch khai thác phù hợp. Bên cạnh đó UBND xã tạo mọi điều kiện cho hợp tác xã quảng bá về sản phẩm qua các hội chợ thương mại, các gian hàng trưng bày của các đoàn thể, địa phương, nhằm nâng tầm thương hiệu sản phẩm", ông Hắng chia sẻ.

Măng rừng tự nhiên được thu hoạch và chế biến thành măng khô. Ảnh: Quốc Toản.

Măng rừng tự nhiên được thu hoạch và chế biến thành măng khô. Ảnh: Quốc Toản.

Cũng theo ông Hắng, những năm gần đây, Hợp tác xã dịch vụ nông, lâm nghiệp Yên Nhân đã tổ chức ký kết hợp đồng thu mua mật ong, măng rừng cho bà con nên nên giá cả và thu nhập của người dân khá ổn định. 

"Hiện tại toàn xã có khoảng 500 đàn ong lấy mật với hơn 100 hộ nuôi và 800 hộ dân làm nghề khai thác măng tươi. Riêng nghề khai thác măng tươi, hàng năm đem lại doanh thu cho các hộ dân khoảng 5,7 tỷ đồng. Kinh tế dưới tán rừng giúp bà con trong xã nâng mức thu nhập từ 1,5 triệu đồng/người/tháng lên 2,5 triệu đồng/người/tháng", ông Hắng cho biết.

Theo ông Hắng, việc thực hiện các giải pháp để phát triển kinh tế dưới tán rừng cũng như hiệu quả kinh tế mô hình mang lại, bước đầu đã tạo động lực, sự lan tỏa mạnh mẽ trong hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương; thúc đẩy việc ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản.

“Các sản phẩm OCOP đảm bảo chất lượng, được cung ứng rộng rãi trên thị trường, tạo động lực cho hợp tác xã đẩy mạnh sản xuất, đưa thương hiệu mật ong và măng Yên Nhân đến tay nhiều thực khách. Hiện nay, thị trường tiêu thụ 2 sản phẩm trên chủ yếu ở Thanh Hóa và Hà Nội. Riêng sản phẩm mật ong Yên Nhân có đặc trưng vàng óng, đặc sánh, có vị thơm tự nhiên nên được khách hàng rất ưa chuộng”, ông Hắng chia sẻ.

Hiện nay, xã Yên Nhân đang tập trung xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm OCOP gắn với vùng sản xuất; tổ chức các lớp tập huấn cho các chủ thể về quy trình sản xuất các sản phẩm nông nghiệp như sơ chế, đóng gói, bảo quản nông sản.

Bên cạnh phát triển mô hình nuôi ong dưới tán rừng, khai thác măng, trên địa bàn xã Yên Nhân, nhiều hộ gia đình đã đưa các cây trồng có giá trị kinh tế vào sản xuất như nứa, vầu, keo, luồng, quế, các cây dược liệu... để cải thiện thu nhập. Xã Yên Nhân đã hình thành được vùng nguyên liệu nứa, luồng, vầu phục vụ công nghiệp chế biến. Đồng thời, chính quyền địa phương đã chủ động kết nối với các ngân hàng, tạo điều kiện cho các hộ dân vay vốn đầu tư, phát triển sản xuất... 

Tuy nhiên, theo ông Hắng: “Sản phẩm OCOP được công nhận đã khó, nhưng duy trì và phát triển còn khó hơn. Chúng tôi mong muốn sẽ nhận được sự hỗ trợ tích cực hơn nữa từ cấp có thẩm quyền, doanh nghiệp để sản phẩm OCOP của địa phương có đầu ra bền vững, ổn định về số lượng, giá cả, từ đó tạo ra việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con. Bên cạnh đó, người dân cũng cần được hỗ trợ vốn, tập huấn kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất,

Ông Lê Hoàng Cường trưởng phòng NN-PTNT huyện Thường Xuân cho biết: Với đặc điểm tự nhiên thuận lợi, việc phát triển kinh tế dưới tán rừng tại xã Yên Nhân là hướng đi đúng đắn nhằm giải quyết bài toán thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Tuy nhiên để tận dụng tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên, địa phương cần thực hiện các giải pháp nâng cao kiến thức, kỹ năng tiếp cận công nghệ thông tin, quảng bá, giới thiệu sản phẩm; tập huấn, nâng cao trình độ canh tác, sản xuất của người dân thay vì trông chờ, ỉ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước...

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.