| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát chặt giết mổ

Thứ Hai 11/12/2023 , 10:01 (GMT+7)

Thanh Hóa đang thực hiện nhiều giải pháp để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh dịp Tết, thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững.

Nuôi gà an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh giúp nông dân có đầu ra bền vững. Ảnh: QT.

Nuôi gà an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh giúp nông dân có đầu ra bền vững. Ảnh: QT.

Chăn nuôi an toàn sinh học giúp đầu ra bền vững

Anh Lê Xuân Thịnh (thôn 4, xã Thọ Sơn, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) hiện nuôi 7.000 gà thịt. Trại gà của anh Thịnh áp dụng mô hình nuôi an toàn sinh học. Theo đó tất cả các khâu từ chọn giống, chăm sóc, vệ sinh tiêu độc, khử trùng đều được thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt.

“Để gà phát triển khỏe mạnh, cần lưu ý chọn con giống có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng. Gà phải được được tiêm phòng vacxin ngay từ đầu với phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh. Bên cạnh đó, để phòng dịch cho gà, chuồng trại phải đảm bảo thoáng mát, sạch sẽ. Nên sử dụng đệm lót sinh học và phun thuốc khử trùng định kỳ tuần 2 lần/tuần để đảm bảo môi trường sạch sẽ. Chất thải trong quá trình chăn nuôi cũng được kiểm soát chặt chẽ từ khâu thu gom, đến khâu đóng bao bì và vận chuyển", anh Thịnh chia sẻ.

Theo anh Thịnh, việc chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, giúp đàn gà của trang trại khỏe mạnh, thịt thơm ngon, ít bệnh, giảm chi phí chăn nuôi. Nhờ đó, hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi của gia đình anh được nâng lên rõ rệt. Hiện nay, trại gà của gia đình anh Thịnh mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 30 tấn gà thịt, đem lại cho gia đình thu nhập khoảng 500 triệu đồng/năm.

Theo Chi Cục chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa, trong bối cảnh dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến phức tạp, thì chăn nuôi an toàn sinh học là giải pháp hữu hiệu nhất giúp người chăn nuôi chủ động khống chế hiệu quả dịch bệnh, hạn chế rủi ro.

Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, không đòi hỏi khắt khe như tiêu chuẩn VietGAP, nhưng người dân phải thực hiện các giải pháp có tính đồng bộ, nhất là công tác bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh.

Bên cạnh đó, chất thải chăn nuôi phải được thu gom và xử lý bằng các biện pháp thích hợp, cung cấp đầy đủ thức ăn chất lượng tốt, nước uống sạch cho vật nuôi; chuồng nuôi đảm bảo đúng quy cách, mật độ nuôi hợp lý và vật nuôi được tiêm phòng định kỳ.

Khi có gia súc, gia cầm chết, người dân phải báo ngay cho chính quyền địa phương, cán bộ thú y để xử lý kịp thời; không bán chạy gia súc, gia cầm ốm, không vứt xác bừa bãi.

Mặt khác, các địa phương cần tăng cường kiểm tra hoạt động vận chuyển, buôn bán, giết mổ và sản phẩm gia súc, gia cầm, nhất là trong những tháng cuối năm. Thực hiện nghiêm túc công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi.

Nhờ chứng minh được hiệu quả về kinh tế và phòng, chống dịch bệnh nên phương pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học ngày càng được nhiều hộ chăn nuôi áp dụng. Hiện, trên địa bàn tỉnh, có khoảng hơn 90.000 hộ đang thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.

Bên cạnh đó, Chi Cục chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa đã tăng cường tập huấn, chuyển giao kỹ thuật phục vụ chăn nuôi an toàn sinh học cho người sản xuất, khuyến cáo người chăn nuôi xây dựng hệ thống xả thải, áp dụng chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học... Bên cạnh đó, chú trọng phát triển chăn nuôi theo chuỗi an toàn, bền vững, hạn chế rủi ro trong quá trình sản xuất.

Kiên quyết không cho vào chợ nếu thực phẩm không rõ nguồn gốc

Chợ đầu mối Đông Hương (phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa) là chợ lớn nhất tỉnh Thanh Hóa và khu vực Bắc Trung Bộ.

Đây là nơi giao thương, buôn bán của 480 hộ tiểu thương trong tỉnh, chia làm 7 ngành hàng (hoa quả, rau củ, thực phẩm tươi sống…). Mỗi ngày, lượng hàng hóa đưa vào chợ khoảng 40-70 tấn, trong đó sản phẩm thịt khoảng 1,5 tấn.

Để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh và an toàn thực phẩm, Ban quản lý chợ đầu mối Đông Hương đã thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm đối với các xe vận chuyển gia cầm (gà vịt) và thực phẩm tươi sống (thịt lợn, thịt bò).

Chốt kiểm soát dịch bệnh tại chợ đầu mối Đông Hương luôn thường trực bảo vệ. Ảnh: Quốc Toản.

Chốt kiểm soát dịch bệnh tại chợ đầu mối Đông Hương luôn thường trực bảo vệ. Ảnh: Quốc Toản.

“Các sản phẩm thịt được vận chuyển tới chợ phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng (có đóng dấu thú y, dán tem đối với thịt lợn và thịt trâu, bò) và được cán bộ Ban quản lý chợ ghi chép cẩn thận trong sổ theo dõi. Đối với xe vận chuyển gia cầm (gà vịt), Ban quản lý chợ thực hiện phun khử trùng khi xe ra vào chợ. Việc phun phòng dịch bệnh tổng thể tại chợ được thực hiện 2 lần/tuần. Nếu xe vận chuyển gà vịt, thực phẩm gia súc không có giấy tờ nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, Ban quản lý chợ kiên quyết không cho vào chợ.

Ngoài ra, Ban quản lý chợ thực hiện tuyên truyền vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh đến các tiểu thương; tổ chức thực hiện ký cam kết với đối với các hộ nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của bà con đối với công tác phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm” ông Lê Ngọc Thắng, Giám đốc Ban quản lý chợ đầu mối Đông Hương chia sẻ.

Đối với mặt hàng gia cầm sống (gà vịt), để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, Ban quản lý chợ đã quy hoạch khu vực giết mổ tập trung và đầu tư hệ thống xử lý nước thải hơn 1,8 tỷ đồng để đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh.

“Chợ có 10 hộ giết mổ gà, vịt trong chợ, được bố trí ở khu riêng biệt. Các hộ giết mổ đều phải nhốt gia cầm vào lồng, có bàn inox để bày biện sản phẩm, có che đậy. Nếu không đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, Ban quản lý chợ kiên quyết không cho giết mổ gia cầm sống tại chợ”, ông Thắng nói thêm.

Liên quan tới vấn đề này, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 124/KH-UBND, ngày 25/5/2021 về quản lý vận chuyển, giết mổ, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025; ngày 16/6/2021, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục ban hành Kế hoạch số 145/KH-UBND nhằm quản lý chặt chẽ các hoạt động vận chuyển, giết mổ, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2021.

Đồng thời, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố củng cố kiện toàn ban chỉ đạo quản lý vận chuyển, giết mổ, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm. Làm rõ trách nhiệm của các thành viên trong ban chỉ đạo (nếu) để xảy ra các vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến công tác thú y, an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý, công khai danh sách, địa chỉ các cơ sở giết mổ, chế biến, kinh doanh vi phạm trên các phương tiện thông tin để người tiêu dùng biết và tránh mua phải thịt từ động vật chết, mắc bệnh.

Từ chỉ đạo trên, Sở NN-PTNT Thanh Hóa cũng ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện các nội dung về quản lý vận chuyển, giết mổ, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm, tăng cường công tác kiểm soát giết mổ, yêu cầu các cơ sở giết mổ ký cam kết bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm...

UBND các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền sâu rộng đến các tổ chức, cá nhân không được giết mổ động vật bị chết, bị bệnh để chế biến làm thực phẩm hoặc liên kết với người buôn bán thịt gia súc, gia cầm để gian lận thương mại, biến động vật chết mắc bệnh thành thực phẩm, đặc sản... 

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa, toàn tỉnh hiện có 1.422 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó có 7 cơ sở giết mổ tập trung, chiếm 0,5%, 1.415 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, chiếm 99%, 100% số cơ sở giết mổ thực hiện ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm, 72% số cơ sở giết mổ được thực hiện kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y.

Xem thêm
Nuôi heo Japfa là muốn nuôi tiếp

Tỷ lệ hao hụt thấp, tiêu tốn thức ăn thấp, vật nuôi tăng trưởng nhanh là những yếu tố giúp nhiều trang trại yên tâm khi chăn nuôi heo gia công cho Japfa.

Giống lúa thuần TBR97 vững vàng sau 'phép thử' bão số 3

BẮC GIANG Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi mưa to, gió lớn do bão số 3 đúng vào giai đoạn trỗ bông nhưng giống lúa thuần TBR97 vẫn đứng vững, cho năng suất khoảng 61 tạ/ha.

Bước ngoặt công nghệ chế biến giống lúa của Vinaseed Quảng Nam

Với hệ thống máy móc, dây chuyền hiện đại, những sản phẩm của Vinaseed Quảng Nam đảm bảo đạt tiêu chuẩn tốt nhất, đáp ứng được nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.