| Hotline: 0983.970.780

Xâm nhập mặn đến sớm

Thứ Năm 07/12/2023 , 10:08 (GMT+7)

El Nino đang trở lại, xâm nhập mặn có khả năng đến sớm và tiến sâu vào đất liền vùng ĐBSCL thêm lần nữa vào năm 2024.

Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 sẽ xuất hiện sớm và sâu hơn, một số thời điểm tương đương năm 2015-2016 và năm 2019-2020. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 sẽ xuất hiện sớm và sâu hơn, một số thời điểm tương đương năm 2015-2016 và năm 2019-2020. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

El Nino đang trở lại vào năm 2024

Theo nhận định của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 có thể xuất hiện sớm và sâu tại ĐBSCL, một số thời điểm tương đương năm 2015-2016 và năm 2019-2020.

Ths. Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL cho rằng, khi nói về rủi ro hạn mặn tại ĐBSCL, cần phải xét 2 vùng riêng biệt là vùng cửa sông Cửu Long và vùng bán đảo Cà Mau vì 2 vùng này rất khác nhau. Vùng cửa sông Cửu Long, do vị trí nằm ở phía cuối của lưu vực Mê Kông nên chịu ảnh hưởng của biến động lượng nước phía thượng nguồn (gồm biến đổi khí hậu ở thượng nguồn và sự vận hành của các hồ thủy điện).

Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10 đang đẩy nhanh tiến độ thi công cống ngăn mặn, điều tiết nguồn nước Nguyễn Tấn Thành. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10 đang đẩy nhanh tiến độ thi công cống ngăn mặn, điều tiết nguồn nước Nguyễn Tấn Thành. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Năm nào có El Nino mưa ít thì mùa lũ sông Mê Kông thấp và sang đến mùa khô dòng chảy yếu. Khi mực nước dòng sông Mê Kông thấp thì các đập thủy điện không đủ độ sâu để chạy turbine phát điện, phải đóng đập để tích nước cho đủ độ sâu. Đập trên đóng thì đập dưới phải chờ, và đập kế tiếp phải chờ. Nước đi qua một chuỗi đập sẽ rất lâu, khi đó tình hình hạn mặn tại ĐBSCL sẽ rất gay gắt. Gặp những năm El Nino cực đoan, các công trình ngăn mặn ven biển chỉ phát huy tác dụng vào đầu mùa khô. Đến giữa mùa khô thì dù có ngăn mặn từ biển vào, bên trong vẫn không có nước. 

Chủ động sớm đề phòng chống hạn mặn

Là địa phương thường xuyên chịu tác động của hạn, mặn về sớm khiến hàng chục ngàn ha lúa và cây ăn trái bị ảnh hưởng, năm nay tỉnh Tiền Giang đã chủ động nhiều giải pháp thích ứng phù hợp. Theo đó, 44.760 ha lúa đông xuân sẽ được xuống giống đồng loạt từ đầu tháng 11 đến cuối tháng 12. Tỉnh khuyến cáo nông dân đẩy mạnh sử dụng giống lúa thơm và lúa chất lượng cao, có khả năng chịu hạn, mặn tốt.

Bên cạnh đó, chuyển đổi gần 830 ha lúa ở nơi thiếu nước tưới sang trồng các loại cây khác phù hợp hơn. Ngành nông nghiệp cũng sẽ tập huấn cho người dân các biện pháp chăm sóc cây trồng vào mùa hạn, mặn; khuyến cáo tăng cường sử dụng phân hữu cơ, trung vi lượng để tăng khả năng chống chịu của cây trồng; áp dụng biện pháp tưới nước tiết kiệm vào mùa khô…

Ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN-PTNT Tiền Giang cho hay, bắt đầu từ tháng 10 và kéo dài sang tháng 4/2024, ngành nông nghiệp cho kiểm tra các công trình ngăn mặn, củng cố hệ thống đê bao, đắp thêm các đập ngăn mặn, trữ ngọt trong mùa khô vừa bảo vệ sản xuất nông nghiệp cho nông dân vừa chủ động phòng, chống xâm nhập mặn có thể xảy ra.

Đồng thời, tỉnh còn phối hợp với Long An vận hành công trình kiểm soát mặn triệt để từ hướng sông Vàm Cỏ Tây. Ngoài ra, nhiều kỹ sư và công nhân của Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10 đang đẩy nhanh tiến độ thi công cống Nguyễn Tấn Thành - dự án ngăn mặn và điều tiết nguồn nước quan trọng, với kinh phí đầu tư khoảng 500 tỷ đồng. Đây là công trình căn cơ, lâu dài. Dự kiến cống này sẽ lắp đặt cửa vận hành tạm thời vào tháng 2 năm sau.

Người dân vùng ĐBSCL trữ nước ngọt trong vườn cây ăn trái để đảm bảo nước tưới trong mùa khô. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Người dân vùng ĐBSCL trữ nước ngọt trong vườn cây ăn trái để đảm bảo nước tưới trong mùa khô. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Sở NN-PTNT Kiên Giang đã chỉ đạo Chi cục Thủy lợi tỉnh chủ động vận hành sớm 55 cống ven biển Rạch Giá - Kiên Lương và ven sông Cái Bé, cùng 35 cống của dự án thủy lợi Ô Môn - Xà No, 17 cống ở vùng U Minh Thượng; đồng thời chủ động đắp 37 đập đất ở các nơi chưa hoàn thiện cống ngăn mặn thuộc các huyện An Biên, An Minh và Giang Thành nhằm kiểm soát tốt nguồn nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và nước sinh hoạt cho người dân.

Kết quả vận hành cống Cái Lớn - Cái Bé đã giúp các mô hình sản xuất trước đó vẫn ổn định và phát huy hiệu quả so với sản xuất độc canh. Trong đó một số mô hình tiêu biểu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn từ 6,8 triệu đồng đến 71 triệu đồng/ha so với sản xuất thông thường.

Trong mùa khô năm 2015 - 2016, có 10 tỉnh, thành ở  vùng ĐBSCL phải công bố thiên tai do hạn, mặn gây ra với tổng mức thiệt hại tới 7.900 tỷ đồng. Đến mùa khô năm 2019 - 2020, dù hạn, mặn được nhận định phức tạp, nhưng nhờ dự báo sớm nên các địa phương triển khai tốt nhiều giải pháp công trình chủ động phòng chống thiên tai. Vì vậy chỉ có 58.400 ha lúa thiệt hại, bằng 14% so năm 2015 - 2016, còn diện tích cây ăn trái bị thiệt hại và số hộ dân thiếu nước sinh hoạt cũng giảm nhiều so với năm 2015 - 2016.

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Uông Bí tiếp nhận gần 4.000 đơn đề nghị hỗ trợ sản xuất nông nghiệp

QUẢNG NINH Sau cơn bão số 3, các hộ dân và các công ty lâm nghiệp đang tích cực thực hiện tận thu, dọn dẹp phòng chống cháy rừng, chuẩn bị hiện trường trồng rừng vụ mới.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.