| Hotline: 0983.970.780

Thách thức bảo vệ mùa màng trước hạn mặn

Thứ Ba 31/10/2023 , 08:50 (GMT+7)

SÓC TRĂNG Nông dân Sóc Trăng lo hạn mặn đến sớm. Đã có nhiều công trình thủy lợi và giải pháp thích ứng nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu trước biến đổi khí hậu.

Nạo vét kênh thủy lợi ở Sóc Trăng. Ảnh: Hữu Đức.

Nạo vét kênh thủy lợi ở Sóc Trăng. Ảnh: Hữu Đức.

Những năm qua, Sóc Trăng phát huy thế mạnh sản xuất nông nghiệp và đạt mức tăng trưởng liên tục suốt hơn 30 năm qua. Đến nay, sản lượng lúa hàng năm đã vượt 2 triệu tấn, định hình vùng trái cây đặc sản ven sông Hậu và vùng nuôi tôm nước lợ thâm canh ven biển. Qua đó, tạo nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội ổn định. Trong đó, thủy lợi đóng góp đáng kể vào thành tựu phát triển nông nghiệp của địa phương.

Năm 2023, trong bối cảnh thị trường lúa gạo khởi sắc, cây ăn trái được mùa, nông dân trong tỉnh có thêm động lực chăm sóc ruộng vườn, gia tăng hiệu quả sản xuất. Tuy nhiên dự báo thời tiết ở ĐBSCL năm nay lũ nhỏ, mực nước thấp, mùa mưa kết thúc sớm. Từ sau Tết Nguyên đán 2024, hiện tượng El Nino trở lại khiến hạn mặn gay gắt, ảnh hưởng trực tiếp tới sinh kế người dân trong vùng. Tỉnh Sóc Trăng nằm cuối nguồn sông Hậu và tiếp giáp Biển Đông nên chịu tác động mạnh nhất khi thời tiết thay đổi theo mùa.

Ông Phan Tấn Đạo, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất đối với ĐBSCL. Trong đó, tỉnh Sóc Trăng hiển hiện rõ nhất là diễn biến thời tiết không còn theo quy luật tự nhiên. Nắng mưa thất thường, bão, triều cường, sạt lở bờ sông, bờ biển, xâm nhập mặn, ngập úng ngày càng gay gắt, mức độ nghiêm trọng hơn. Đặc biệt năm 2015 - 2016 và mùa khô năm 2019 - 2020 hạn, mặn đã gây thiệt hại lớn đến tình hình sản xuất nông nghiệp và nguồn cung nước sinh hoạt của người dân.

Được sự hỗ trợ của Trung ương, Sóc Trăng đã cơ bản hoàn thiện, khép kín hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh, góp phần giảm thiểu tác động của xâm nhập mặn. Dù vậy, trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hệ thống công trình thuỷ lợi của tỉnh đã bộc lộ một số nhược điểm trong phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn.

Ông Đạo băn khoăn khi hiện trạng vùng dự án Long Phú – Tiếp Nhật không có nguồn nước ngọt để lấy vào, bổ sung khi mặn xâm nhập sâu và nếu kéo dài sẽ dẫn đến thiếu nước tưới vào cuối vụ đông xuân. Vùng dự án Kế Sách hiện chưa được đầu tư khép kín gồm đê bao, cống nên khi mặn xâm nhập từ cửa Trần Đề theo sông Hậu vào sâu trên 55km, độ mặn >4g/lít và xâm nhập theo các nhánh kênh rạch còn hở dọc theo Quốc lộ Nam sông Hậu thì toàn bộ vùng dự án Kế Sách bị ảnh hưởng.

Thi công đào đắp đê bao bảo vệ vườn cây ăn trái. Ảnh: Hữu Đức.

Thi công đào đắp đê bao bảo vệ vườn cây ăn trái. Ảnh: Hữu Đức.

Trong khi đó, vùng dự án Quản Lộ - Phụng Hiệp được Trung ương đầu tư hệ thống cống phân ranh mặn ngọt Bạc Liêu - Sóc Trăng và cống âu thuyền Ninh Quới nên công tác phòng, chống hạn mặn của các địa phương như thị xã Ngã Năm, huyện Thạnh Trị và huyện Mỹ Tú những năm gần đây đã tương đối ổn định. Sau khi có âu thuyền Ninh Quới, phía Bạc Liêu lấy nước mặn nuôi tôm làm hạn chế việc thoát nước theo hướng kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp ra biển. Tính từ năm 2020 đến nay khu vực này đã 2 lần bị ngập úng gây thiệt hại, gần đây nhất là năm 2022 ngập úng gây thiệt hại gần 5.400 ha lúa và hoa màu ở địa phương.

Để ứng phó trước những dự báo khó lường của thời tiết trong vụ đông xuân 2023 - 2024, cần đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác phòng, chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn nhằm hạn chế thiệt hại trong sản xuất. Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra hệ thống thủy lợi, bờ bao, cống, bọng để nước mặn không xâm nhập vào ruộng, vườn. Vận động nhân dân gia cố bờ bao, kiểm tra, sửa chữa, thay thế các nắp bọng và nạo vét mương vườn nhằm đảm bảo ngăn mặn, trữ ngọt.

Về lâu dài, Sở NN-PTNT kiến nghị tỉnh Sóc Trăng đề nghị Trung ương xem xét, hỗ trợ các công trình cấp bách để khắc phục sạt lở, phòng, chống triều cường, xâm nhập mặn; hỗ trợ tỉnh triển khai dự án phòng chống xâm thực, xói lở bờ biển Vĩnh Châu; đầu tư dự án Chống xâm thực, xói lở bờ biển Vĩnh Châu; dự án xử lý khẩn cấp sạt lở nguy hiểm bờ sông Phụng An; dự án nâng cấp đê sông Tả - Hữu Cù Lao Dung; dự án xây dựng hệ thống thủy lợi lấy nước biển phục vụ nuôi trồng thủy sản; dự án ngăn mặn và phòng, chống ngập úng vùng Quản Lộ - Phụng Hiệp. 

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.