| Hotline: 0983.970.780

Giải pháp công nghệ cấp nước sinh hoạt hộ gia đình, cụm dân cư nhỏ lẻ

Thứ Ba 17/10/2023 , 16:27 (GMT+7)

KIÊN GIANG Hứng dòng nước sạch từ vòi chảy ra, anh Ký uống ực rồi bảo: 'Năm nay hết lo bị khô khát rồi, mùa hạn, mặn bà con cứ đến đây lấy nước về uống'.

Hộ anh Nguyễn Tài Ký, ấp Minh Cơ, xã Vân Khánh Đông, được lắp đặt mô hình cụm, có khả năng cung cấp nước cho 3-5 hộ gia đình lân cận, đây là hệ thống lọc đạt chuẩn nước sạch, uống trực tiếp được, nhưng việc lắp đặt khá đơn giản, dễ dàng vận hành. Ảnh: Trung Chánh.

Hộ anh Nguyễn Tài Ký, ấp Minh Cơ, xã Vân Khánh Đông, được lắp đặt mô hình cụm, có khả năng cung cấp nước cho 3-5 hộ gia đình lân cận, đây là hệ thống lọc đạt chuẩn nước sạch, uống trực tiếp được, nhưng việc lắp đặt khá đơn giản, dễ dàng vận hành. Ảnh: Trung Chánh.

Anh Ký là hộ dân được chọn tham gia đề tài khoa học “Nghiên cứu đề xuất giải pháp và công nghệ cấp nước sinh hoạt quy mô hộ gia đình và cụm dân cư nhỏ lẻ trong điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL”, do Trung tâm Tư vấn và Chuyển giao công nghệ cấp nước và Vệ sinh môi trường (thuộc Trung tâm Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, Bộ NN-PTNT) thực hiện tại Kiên Giang.

Giải cơn khát nơi hạn, mặn

Trưa nắng, chúng tôi theo đoàn công tác gồm cán bộ của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến xã Vân Khánh Đông, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang, nhằm đánh giá hiệu quả mô hình cấp nước quy mô hộ gia đình và cụm dân cư nhỏ lẻ trong điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL.

Xe ô tô chỉ di chuyển được đến trung tâm xã, sau đó phải di chuyển bằng vỏ máy hướng ra cửa biển để đến với hộ dân lắp đặt mô hình. Dù đang là mùa mưa nhưng dấu ấn xâm nhập mặn vẫn còn in hằn trên các công trình, vách tôn bị han rỉ loang lổ.

Đề tài nhằm tìm ra các giải pháp và công nghệ khai thác, xử lý nguồn nước mưa, nước mặt với chi phí thấp, chủ động cấp nước sinh hoạt quy mô hộ gia đình, cụm dân cư nhỏ lẻ ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL. Ảnh: Trung Chánh.

Đề tài nhằm tìm ra các giải pháp và công nghệ khai thác, xử lý nguồn nước mưa, nước mặt với chi phí thấp, chủ động cấp nước sinh hoạt quy mô hộ gia đình, cụm dân cư nhỏ lẻ ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL. Ảnh: Trung Chánh.

Đón tiếp đoàn, anh Nguyễn Tài Ký, ấp Minh Cơ, xã Vân Khánh Đông, mở van nước để mọi người rửa mặt cho mát và hứng luôn nước từ vòi để uống. Nhà anh Ký có khoan giếng nước ngầm nhưng không thể sử dụng do nhiễm mặn. Còn nguồn nước mặt ở sông rạch thì đục ngàu, mùa khô thì mặn chát do chỉ cách cửa biển hơn 1 km. Cũng như nhiều hộ gia đình ở đây, nhà anh Ký mua sắm hàng chục chiếc lu xi măng đặt quanh nhà để chứa nước mưa phục vụ sinh hoạt.

Theo anh Ký, mùa khô hạn hàng năm, gia đình anh phải đổi thêm nước ngọt do các ghe chở từ nơi khác tới, với giá 40 ngàn đồng/lu, tương đương 1 m3.

“Dù hết sức tiết kiệm thì 4 người trong gia đình 1 tuần cũng sử dụng hết hơn 1 lu. Một tháng riêng tiền đổi nước hết khoảng 200 ngàn đồng. Đây chỉ là nước sông lấy ở vùng ngọt chở đến, biết là không phải nước sạch nhưng nếu không sử dụng thì chẳng còn nguồn nào khác”, anh Ký nói về nỗi lo thiếu ngọt ngọt mỗi khi mùa khô đến.

May mắn thay, gia đình anh Ký đã được ngành chức năng khảo sát, chọn để lắp đặt hệ thống thu gom, tích trữ nước mưa và công nghệ lọc để phục vụ sinh hoạt, ăn uống. Đây là mô hình cụm, có khả năng cung cấp nước cho 3-5 hộ gia đình lân cận. Theo anh Ký, mặc dù đây là hệ thống lọc đạt chuẩn nước sạch, uống trực tiếp được, nhưng việc lắp đặt khá đơn giản, khi mang xuống chỉ lắp ráp trong 1 ngày là xong. Qua hướng dẫn, hộ gia đình tự vận hành dễ dàng, thời gian qua cũng không gặp khó khăn, trục trặc gì.

Ông Nguyễn Văn Til, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Khánh Đông cho biết, trên địa bàn xã được lắp đặt 5 mô hình, gồm 1 mô hình cụm và 4 mô hình hộ gia đình riêng lẻ, trong tổng số 31 mô hình được lắp đặt tại tỉnh Kiên Giang.

Qua thời gian lắp đặt, theo dõi đánh giá, các mô hình được bà con nắm bắt và sử dụng dễ dàng, thiết bị lọc hoạt động ổn định, kịp thời trữ một lượng nước lớn vào mùa mưa (mô hình hộ gia đình dung tích trữ là 15m3, cụm hộ gia đình là 25m3). Việc tích hợp xử lý, lưu trữ nước mưa và nước mặt, giúp cho người dân có thể chủ động đảm bảo được dung tích nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt quanh năm.

Theo ông Phạm Quốc Hưng, Phó Trưởng phòng Quản lý nước sạch nông thôn - Cục Thủy lợi, để đảm bảo tính nhân rộng vào thực tiễn, đề tài cần xem xét các nội dung như: Tính đủ các chi phí gồm bơm, van, ống… của mô hình thí điểm để đảm bảo chi phí khi địa phương tham khảo làm cơ chế hỗ trợ lắp đặt. Đồng thời nên chia thiết bị lọc thành các hạng mục đơn nguyên thu, trữ, xử lý để người dân có thể lựa chọn đầu tư theo các đơn nguyên cho phù hợp với nhu cầu thực tế mà không nhất thiết phải lắp đặt mới toàn bộ.  

Cần phổ biến nhân rộng mô hình

Sáng 14/10, tại TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang đã diễn ra Hội thảo giới thiệu kết quả và phổ biến nhân rộng kết quả thực hiện đề tài “Nghiên cứu đề xuất giải pháp và công nghệ cấp nước sinh hoạt quy mô hộ gia đình và cụm dân cư nhỏ lẻ trong điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL”.

Đây là đề tài độc lập cấp quốc gia do Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước và Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành Kinh tế - Kỹ thuật thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý nhiệm vụ. Đề tài được giao cho Trung tâm Tư vấn và Chuyển giao công nghệ cấp nước và Vệ sinh môi trường triển khai thực hiện, do GS.TS Nguyễn Văn Tỉnh làm Chủ nhiệm đề tài.

GS.TS Nguyễn Văn Tỉnh, Chủ nhiệm đề tài báo cáo tại Hội thảo giới thiệu kết quả và phổ biến nhân rộng kết quả thực hiện đề tài 'Nghiên cứu đề xuất giải pháp và công nghệ cấp nước sinh hoạt quy mô hộ gia đình và cụm dân cư nhỏ lẻ trong điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL'. Ảnh: Trung Chánh.

GS.TS Nguyễn Văn Tỉnh, Chủ nhiệm đề tài báo cáo tại Hội thảo giới thiệu kết quả và phổ biến nhân rộng kết quả thực hiện đề tài “Nghiên cứu đề xuất giải pháp và công nghệ cấp nước sinh hoạt quy mô hộ gia đình và cụm dân cư nhỏ lẻ trong điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL”. Ảnh: Trung Chánh.

Theo báo cáo kết quả triển khai, đề tài được thực hiện trong thời gian 24 tháng, từ tháng 12/2021 – 11/2023. Để thực hiện đề tài, đơn vị chủ trì phối hợp cùng Trung tâm Nước sạch và VSMT nông thôn các tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu cùng phòng NN-PTNT cấp huyện, chính quyền địa phương các xã đã khảo sát lựa chọn địa điểm và lắp đặt được 62 mô hình thu, trữ và lọc nước tại các hộ dân, trong đó có 2 mô hình cụm hộ phục vụ chung từ 3-5 hộ gia đình.

Tại Bạc Liêu, thực hiện 31 mô hình trên địa bàn thị trấn Phước Long, huyện Phước Long và xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân. Địa bàn tỉnh Kiên Giang thực hiện 31 mô hình tại 7 xã, gồm 6 xã ven biển huyện An Minh và xã biên giới Phú Mỹ, huyện Giang Thành.

Mùa khô năm 2019-2020, có khoảng 3,3% dân số trong vùng rơi vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt, với khoảng trên 75.000 hộ dân ở các vùng nông thôn chưa tiếp cập được các công trình cấp nước bị ảnh hưởng. Nếu đề tài này được triển khai nhân rộng, sẽ giúp hàng chục ngàn hộ dân được “giải cơn khát”, thiếu nước ngọt vào mùa hạn, mặn hàng năm.  

Là tỉnh được thụ hưởng, ông Vũ Thành Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bạc Liêu đánh giá mô hình cấp nước cho hộ dân nhỏ lẻ của đề tài rất thiết thực, mang lại hiệu quả cao. Nguồn nước mưa khá dồi dào và không bị ô nhiễm, nếu được thu gom, dự trữ sẽ phục vụ tốt nhu cầu nước sinh hoạt cho những vùng bị khô hạn, xâm nhập mặn. Hiện tại, Bạc Liêu vẫn còn nhiều hộ dân nông thôn chưa có điều kiện tiếp cận nguồn nước sạch nên rất cần nhân rộng mô hình này trong thời gian tới.

Đoàn cán bộ của Bộ KH-CN và Bộ NN-PTNT khảo sát, đánh giá hiệu quả mô hình cấp nước quy mô hộ gia đình và cụm dân cư nhỏ lẻ trong điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL được thực hiện tại tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Trung Chánh.  

Đoàn cán bộ của Bộ KH-CN và Bộ NN-PTNT khảo sát, đánh giá hiệu quả mô hình cấp nước quy mô hộ gia đình và cụm dân cư nhỏ lẻ trong điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL được thực hiện tại tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Trung Chánh.  

Tương tự, ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết, tỉnh Kiên Giang có địa bàn rộng, dân cư nông thôn thưa thớt, nhất là ở tuyến ven biển và hải đảo, nhiều nơi chưa thể đầu tư công trình cấp nước tập trung. Hiện nay, toàn tỉnh mới chỉ có 37% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch. Nên mô hình này rất phù hợp với các hộ sống đơn lẻ ở các đảo, ven biển, biên giới… do chi phí mô hình phù hợp với thu nhập người dân, dễ vận hành sử dụng.

TS Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang cho rằng, đối với vùng sâu, vùng xa, dân cư thưa thớt, nếu kéo điện, nước hàng km chỉ để phục vụ vài hộ dân là không khả thi và cũng không đủ kinh phí thực hiện. Nên giải pháp thực hiện các mô hình nhỏ, chi phí thấp sẽ mang lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng được mong mỏi của người dân, góp phần thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Ông Nguyễn Tiến Tài, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành Kinh tế - Kỹ thuật – Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá đề tài có tính cấp thiết, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của các hộ dân sống ở các vùng ven biển ĐBSCL thường phải đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt trầm trọng vào mùa khô. Với mong muốn kết quả các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học sẽ đi vào thực tiễn cuộc sống, thiết thực với nhu cầu của người dân và có khả năng nhân rộng tại các địa bàn tương tự.

Theo GS.TS Nguyễn Văn Tỉnh, đề tài hướng đến đối tượng là hộ dân cư sống nhỏ lẻ ở các vùng ven biển, giáp biên giới, dễ bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn nhưng lại chưa có hệ thống cấp nước tập trung. Tìm ra các giải pháp và công nghệ khai thác, xử lý nguồn nước mưa, nước mặt với chi phí thấp, chủ động cấp nước sinh hoạt quy mô hộ gia đình, cụm dân cư nhỏ lẻ ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL. Đề tài ưu tiên sử dụng vật liệu ở địa phương thân thiện môi trường, ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ đơn giản, người dân dễ tiếp cận và có giá thành phù hợp với các hộ ở vùng nông thôn khó khăn, thu nhập thấp. Qua thực tế đánh giá, đề tài có tính thực tiễn cao, đáp ứng được nhu cầu mong mỏi của người dân nên hoàn toàn có khả năng nhân rộng.

Xem thêm
Nuôi bò 3B thâm canh, tăng trọng gần 1kg/ngày

QUẢNG TRỊ Qua theo dõi, bò lai BBB nuôi theo hình thức thâm canh tăng trọng trung bình 0,9kg/con/ngày, tương ứng 27kg/con/tháng.

Cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc

HÀ NỘI Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2024 về kháng thuốc đặt mục tiêu đến 2030, các quốc gia cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc.

Độc đáo trồng dâu tây treo tường

GIA LAI Đam mê làm nông nghiệp sạch, chàng kỹ sư máy tính Nguyễn Văn Quý đã mạnh dạn chuyển hướng, thành công với mô hình trồng dâu treo tường độc đáo đầu tiên ở Gia Lai.