| Hotline: 0983.970.780

Xăng dầu hạ 'nốc ao' ngư dân

Chủ Nhật 27/03/2022 , 09:20 (GMT+7)

Khi giá dầu tăng đến hơn 26.000đ/lít, nhiều tàu cá xa bờ của ngư dân Bình Định không dám ra khơi bởi sợ đánh bắt không đủ sản lượng bù vào tiền dầu.

Ngư dân không dám ra khơi

Từ đầu năm đến nay, giá nhiên liệu trong nước đã tăng 7 lần liên tiếp, và mới giảm nhỏ giọt chỉ mấy trăm đồng. Đây là gánh nặng đối với ngư dân, bởi chi phí tiền dầu đối với tàu cá đánh bắt xa bờ chiếm đến hơn 2/3 trong tổng chi phí chuyến biển. Từ ngày 11/3, khi giá xăng dầu tăng mức cao nhất từ trước đến nay, nhiều tàu cá của ngư dân Bình Định không dám ra khơi, bởi sợ sản lượng đánh bắt không đủ bù vào phí tổn.

Tàu đánh bắt xa bờ, nhất là tàu hành nghề lưới vây rút chỉ sử dụng rất nhiều lao động, nếu tàu nằm bờ là hàng chục lao động thất nghiệp. Ảnh: V.Đ.T.

Tàu đánh bắt xa bờ, nhất là tàu hành nghề lưới vây rút chỉ sử dụng rất nhiều lao động, nếu tàu nằm bờ là hàng chục lao động thất nghiệp. Ảnh: V.Đ.T.

Theo Chi cục Thủy sản Bình Định, trong quý I/2022, giá nhiên liệu và các mặt hàng nhu yếu phẩm cũng như đá lạnh đều tăng theo giá xăng dầu đã ảnh hưởng đến ngành đánh bắt thủy sản của ngư dân.

Tuy nhiên, đang vào chính vụ cá Nam nên Bình Định vẫn có 5.000 tàu cá vươn khơi đánh bắt, chiếm 84% số tàu cá Bình Định đang có. Trong đó, có khoảng 2.360 tàu đánh bắt vùng lộng và gần bờ đi về trong ngày, và có khoảng 2.640 tàu đánh bắt xa bờ. Sản lượng thủy sản khai thác trong quý I/2022 ước đạt  gần 47.270 tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ.

Thế nhưng từ ngày 11/3, khi giá dầu lập đỉnh hơn 26.000đ/lít, tăng hơn 4.000đ/lít so với ngày 21/2 thì những tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân Bình Định không còn dám ra khơi. Bởi, với chuyến biển dài ngày phải hao tốn nhiều nhiên liệu, mỗi chuyến biển phải cần đến 3-4 ngàn lít dầu.

Ông Đào Xuân Thiện, Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Bình Định, minh họa: "Trong nửa đầu tháng 3/2022, tại Cảng cá Quy Nhơn có 123 tàu cá nhập bến và 81 tàu cá xuất bến, số lượng tàu cá nhập bến tăng 45 tàu và số lượng tàu cá xuất bến giảm 175 tàu so với cùng kỳ năm trước".

Ra khơi mang theo nỗi lo… lỗ tổn

Tàu đánh bắt xa bờ thu hút rất nhiều lao động nghề biển, nhất là những tàu hành nghề lưới vây rút chì chuyên đánh bắt cá ngừ sọc dưa, mỗi tàu thường cần đến trên 10 thuyền viên. Khi tàu lưới vây rút chì nằm bờ, đồng nghĩa có hơn 10 lao động nghề biển thất nghiệp, trong khi đó là những lao động chính làm ra tiền để nuôi sống cả gia đình.

Với mục đích “nuôi quân”, tàu cá mang số hiệu BĐ 96791-TS (480 CV) hành nghề câu cá ngừ đại dương của ngư dân Lê Anh Đổi ở phường Hoài Hương (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) vẫn bám biển trong bối cảnh giá dầu tăng cao ngất.

Sau chuyến biển hơn 20 ngày, mùa trăng tháng 2 âm lịch, tàu của ông Đổi cập bờ mang về hơn 1 tấn cá ngừ đại dương. Chuyến biển ấy 6 thuyền viên đi bạn trên tàu cá của ông Đổi chia được mỗi người 5 triệu đồng. Sau khi nghỉ trăng, tàu cá BĐ 96791-TS của ông Đổi tiếp 4.000 lít dầu để tiếp tục vươn khơi.

“Riêng tiền dầu chuyến này tôi phải mất thêm 20 triệu đồng so với chuyến biển trước. Nếu chuyến biển này đánh bắt không đạt sản lượng thì chủ tàu bị lỗ tổn đã đành, thuyền viên cũng không có thu nhập”, ông Đổi lo lắng.

Nhiều tàu cá đành nằm bờ vì giá nhiên liệu tăng liên tục trong thời gian qua. Ảnh: VĐT.

Nhiều tàu cá đành nằm bờ vì giá nhiên liệu tăng liên tục trong thời gian qua. Ảnh: VĐT.

Theo Ban Quản lý cảng cá và Dịch vụ đô thị thị xã Hoài Nhơn, nơi được mệnh danh là “thủ phủ” nghề câu cá ngừ đại dương của tỉnh Bình Định cũng đang rất “uể oải” dù giá cá ngừ đại dương đang ở mức khá cao, nhưng hàng trăm tàu cá buộc phải neo bờ do giá dầu tăng.

Trong nửa đầu tháng 3/2022, Cảng cá Tam Quan đã tiếp nhận đến hơn 1.300 chiếc tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Hoài Nhơn cập cảng, nhưng qua rằm tháng 2 âm lịch (19/3), mới chỉ có 270 tàu xuất bến vươn khơi đánh bắt, số còn lại không dám ra khơi.

Đến cả đội tàu đánh bắt xa bờ 8 chiếc của lão ngư Bùi Thanh Ninh ở phường Tam Quan Bắc (thị xã Hoài Nhơn) hiện cũng “tê liệt” vì giá dầu tăng. Từ khi giá dầu tăng, đội tàu 8 chiếc của lão ngư Bùi Thanh Ninh chỉ có 3 chiếc vươn khơi, những chiếc còn lại đành phải nằm bờ. Theo lão ngư Ninh, giá xăng dầu tăng cao kéo theo giá vật tư, nhu yếu phẩm, đá lạnh tăng thêm khoảng 10%, tàu có công suất càng lớn càng tốn thêm chi phí

"Tính từ ngày 11/3, thời điểm giá dầu lập đỉnh, mỗi chuyến biển, tàu hành nghề lưới vây tốn thêm khoảng 40-50 triệu tiền nhiên liệu. Với giá nhiên liệu kiểu này, tàu hành nghề lưới vây rút chì đánh bắt cá ngừ sọc dưa cần khai thác được hơn 10 tấn cá thì chủ tàu mới có lời, theo đó, thuyền viên mới có thu nhập. Còn tàu câu cá ngừ đại dương tốn thêm khoảng 25-30 triệu đồng/chuyến, cần phải khai thác được hơn 1 tấn cá thì chuyến biển ấy ngư dân mới có ăn. Thế nhưng biển giả lúc no lúc đói, không ai biết trước chuyến biển ấy đánh bắt có đạt sản lượng hay không. Thế nên ra khơi trong lúc này chủ tàu nào cũng lo ngay ngáy”, lão ngư Bùi Thanh Ninh chia sẻ.

Xem thêm
Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chiều 2/5, Quốc hội thống nhất miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV với ông Vương Đình Huệ.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.