Đầu tư hạ tầng đồng bộ
Huyện Chợ Đồn ở phía tây của tỉnh Bắc Kạn, diện tích tự nhiên 91.115ha, dân số hơn 51.000 người. Đây là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, trong đó đáng kể là tài nguyên rừng, tiềm năng du lịch, địa phương này cũng là nơi tập trung nhiều mỏ khoáng sản nhất của tỉnh.
Những năm qua, kinh tế, xã hội của huyện Chợ Đồn có sự phát triển vượt bậc, là huyện duy nhất của tỉnh có số thu ngân sách vượt 100 tỷ đồng/năm, kết cấu hạ tầng tương đối hoàn chỉnh.
Về giao thông, tuyến Quốc lộ 3B từ thành phố Bắc Kạn đến trung tâm huyện, tuyến Quốc lộ 3C kết nối với huyện Định Hóa (Thái Nguyên) đã được cải tạo mới, tuyến đường đến hồ Ba Bể cũng đã được đầu tư hoàn thiện. Trong những năm gần đây, hệ thống đường liên xã cũng đã được đầu tư khá bài bản, người dân đi lại, giao thương thuận lợi.
Hiện nay, tuyến đường thành phố Bắc Kạn - hồ Ba Bể kết nối sang huyện Nà Hang (Tuyên Quang) đang được xây dựng. Tuyến đường này sẽ đi qua một số xã của huyện Chợ Đồn, kỳ vọng sẽ tạo động lực mới để phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là du lịch. Những năm gần đây, Chợ Đồn cũng là điểm sáng về đầu tư hoàn thiện hạ tầng y tế, giáo dục, mạng lưới thủy lợi và hạ tầng công nghiệp.
Năm 2024, tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản của huyện đạt hơn 188 tỷ đồng, nguồn vốn này dùng để đầu tư hệ thống giao thông, thủy lợi, trường học, y tế và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Phát huy tiềm năng công nghiệp
Trong định hướng phát triển, lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản có đóng góp lớn trong cơ cấu kinh tế của huyện. Huyện Chợ Đồn tập trung số lượng lớn các mỏ khoáng sản, trong đó đáng chú ý là quặng chì kẽm, đá vôi, trên địa bàn hiện có 17 doanh nghiệp hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản. Năm 2024, giá trị sản xuất công nghiệp của huyện ước đạt 460 tỷ đồng, lĩnh vực này có đóng góp đáng kể trong tổng thu ngân sách, tạo việc làm cho người lao động.
Bên cạnh khoáng sản, huyện Chợ Đồn cũng có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp chế biến gỗ. Chợ Đồn có tổng diện tích đất có rừng trên 76.000ha, diện tích rừng trồng trên 14.000ha, chủ yếu là cây mỡ, keo, quế.
Các xã phía nam của huyện như Bình Trung, Nghĩa Tá, Lương Bằng, Yên Phong là vùng trọng điểm về phát triển kinh tế rừng. Toàn huyện hiện có trên 50 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình tham gia chế biến lâm sản. Trong đó có nhà máy chế biến giấy đế xuất khẩu thị trường Đài Loan, nhà máy chế biến đũa xuất khẩu sang Nhật Bản.
Ông Hoàng Văn Hỷ, Chủ tịch UBND xã Bình Trung, cho biết, hiện nay xã có 5 doanh nghiệp chế biến gỗ quy mô khá lớn và hàng chục cơ sở chế biến quy mô hộ gia đình. Trên địa bàn xã và vùng lân cận có nguồn nguyên liệu dồi dào nên địa phương đang tích cực kêu gọi nhà đầu tư đến địa phương xây dựng cơ sở chế biến gỗ.
Bà Ma Thị Na, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Chợ Đồn, cho biết, huyện có cơ chế thu hút các nhà đầu tư mở nhà máy chế biến sâu sản phẩm từ gỗ rừng trồng để khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
“Để thu hút các nhà đầu tư, huyện Chợ Đồn quan tâm phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn. Hiện nay, huyện đang xây dựng cụm công nghiệp Nam Bằng Lũng (thị trấn Bằng Lũng), cụm công nghiệp này được quy hoạch với diện tích 20ha. Đây là cụm công nghiệp trung tâm của địa phương, sau khi hoàn thành sẽ thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất kim loại, kim loại đúc sẵn, pin, ắc quy, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất, chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ”, bà Na cho biết thêm.