| Hotline: 0983.970.780

Khát vọng ATK [Bài 2]: Điểm sáng về giảm nghèo

Thứ Sáu 22/12/2023 , 06:00 (GMT+7)

Bắc Kạn Huyện Chợ Đồn phấn đấu đến năm 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 8,8%, thay đổi căn bản mức sống người dân, xây dựng quê hương cách mạng ngày càng giàu đẹp.

Chuyện ở xã đặc biệt khó khăn

Tân Lập là xã đặc biệt khó khăn của huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn), chỉ có duy nhất tuyến đường độc đạo đến trung tâm. Giao thông là điểm nghẽn lớn nhất đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của Tân Lập suốt nhiều năm qua.

Nhưng với tôi, trở lại Tân Lập lần này, nhiều thứ đã đổi thay bất ngờ, bất ngờ bởi đường làng, ngõ xóm đã mở mang, sạch đẹp, những ngôi nhà cao tầng khang trang ngày càng nhiều.

Dù là xã đặc biệt khó khăn nhưng Tân Lập phấn đấu về đích nông thôn mới vào năm 2024. Ảnh: Ngọc Tú.

Dù là xã đặc biệt khó khăn nhưng Tân Lập phấn đấu về đích nông thôn mới vào năm 2024. Ảnh: Ngọc Tú.

“Muốn tìm hiểu về giảm nghèo thì đến thôn Nà Ngần, đấy là điểm sáng trong bức tranh phát triển kinh tế của xã, Nà Ngần là thôn không hộ nghèo ở xã nghèo đấy”, anh Lành Văn Hiệu, Chủ tịch UBND xã Tân Lập thông tin với chúng tôi.

Từ UBND xã Tân Lập chỉ đi vài phút đã đến thôn Nà Ngần, con đường bê tông dẫn vào thôn vừa làm xong, ngay đầu làng, nhà văn hóa thôn vẫn còn mùi sơn mới. Đón chúng tôi, trưởng thôn Nà Ngần Triệu Văn Thắng hồ hởi dẫn chúng tôi đi một vòng quanh thôn.

Bài liên quan

Lòng vòng trong bản, đường làng vắng lặng, thi thoảng chúng tôi mới gặp một vài người già và trẻ con ở nhà. Nhưng với ông Thắng, không khí vắng lặng ấy là một sự thay đổi lớn của người dân nơi đây.

Dường như biết chúng tôi tò mò vì sao bản lại vắng vẻ thế, ông Thắng chia sẻ, ban ngày vào bản không gặp ai vì thanh niên đi làm thuê hết, phụ nữ ra đồng, lên rừng trồng cây.

Ngày trước Nà Ngần nghèo lắm, ruộng đất ít, người dân chưa biết cách làm ăn, đời sống bấp bênh. Khi ấy, mùa vụ xong, nông nhàn, bản làng ngày nào cũng nhộn nhịp, thanh niên không có việc làm nên ở nhà.

Mấy năm gần đây, Nà Ngần mới vươn lên, giờ thôn không còn hộ nghèo, ông Thắng nói với giọng tự hào. Để mục sở thị đổi thay ở Nà Ngần, ông Thắng giới thiệu chúng tôi đến thăm gia đình anh Triệu Văn Thi, hộ mới nhất của thôn thoát nghèo. Nhà anh Thi ở ngay mặt đường bê tông vừa mới làm xong.

Trong tâm trạng phấn khởi, anh Thi cho biết, nhà có 4 nhân khẩu, trước đây quanh quẩn làm ruộng, làm vườn cuộc sống chỉ đủ ăn. Năm 2022, được hỗ trợ 10 con lợn giống nên gia đình tập trung chăn nuôi. Để có thức ăn cho lợn, anh trồng ngô, vợ làm đậu phụ bán ở chợ. Ngoài chăn nuôi, gia đình trồng gần 1ha rừng, chủ yếu là cây mỡ, cây quế.

“Tích cóp nhiều năm, vừa rồi đã xây được nhà kiên cố, mua được xe máy mới, có tiền chăm lo con cái học hành. Trong thôn bây giờ cũng phát triển hơn trước nhiều, hơn nửa số hộ đã có nhà xây, đường làng ngõ xóm khang trang, so với chục năm trước đã thay đổi rõ rệt”, anh Thi chia sẻ.

Trở lại câu chuyện của người trưởng thôn Triệu Văn Thắng, điều ông tâm đắc nhất là tuyến đường đi qua thôn đã được đổ bê tông rộng rãi, ô tô đến tận nhà.

Thôn Nà Ngần là điểm sáng về phát triển kinh tế ở xã Tân Lập. Ảnh: Ngọc Tú. 

Thôn Nà Ngần là điểm sáng về phát triển kinh tế ở xã Tân Lập. Ảnh: Ngọc Tú. 

Cuộc sống bà con ngày càng khấm khá nên vận động người dân làm đường cũng dễ dàng hơn. Nhiều hộ hiến đất, gia đình ông Thắng cũng hiến gần 2.000m2 đất làm đường. Đến nay, 3 tuyến đường nhánh vào các xóm cũng đã làm xong.

Về Nà Ngần hôm nay, những ngôi nhà mới ngày càng nhiều, đường làng sạch đẹp, cuộc sống người dân ngày càng khấm khá. Nhìn xa hơn, những bản làng xung quanh cũng đang đổi mới từng ngày.

Tập trung nguồn lực thúc đẩy phát triển

Bằng Phúc là xã vùng cao của huyện Chợ Đồn, xã có 9 thôn với 623 hộ, 2.675 nhân khẩu. Những năm gần đây, Bằng Phúc cũng đổi thay rõ rệt, giao thương buôn bán tấp nập, đời sống người dân ngày một khấm khá.

Phát triển các sản phẩm OCOP mang lại thu nhập ổn định, giảm nghèo bền vững. Ảnh: CTTĐT Chợ Đồn.

Phát triển các sản phẩm OCOP mang lại thu nhập ổn định, giảm nghèo bền vững. Ảnh: CTTĐT Chợ Đồn.

Ông Hoàng Văn Thái, Chủ tịch UBND xã Bằng Phúc cho biết, năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn hơn 24,7%, đến cuối năm 2022 giảm còn 15,8%, đến hết năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 11%. Hai năm gần đây tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhờ người dân phát huy thế mạnh của địa phương như trồng, chế biến chè shan tuyết, sản xuất rượu men lá thủ công, chăn nuôi…

Những năm qua xã được đầu tư từ chương trình giảm nghèo, chương trình xây dựng nông thôn mới và nhiều nguồn lực khác.

Nhờ triển khai đầy đủ, kịp thời các chương trình, dự án đã tạo động lực giúp người dân có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, tăng thu nhập. Theo kết quả rà soát sơ bộ năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn huyện Chợ Đồn còn 13,54%, giảm hơn 2,5% so với năm 2022, tỷ lệ hộ cận nghèo 6,43%, giảm 1,35%.

Ông Thái cho biết, những năm gần đây xã đã tập trung thực hiện hiệu quả các chương trình đầu tư trên địa bàn, hỗ trợ công cụ sản xuất, cây giống, con giống cho hộ nghèo, gia đình khó khăn. Các hợp tác xã trên địa bàn phát triển tạo thêm việc làm cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, từ đó, công tác giảm nghèo trên địa bàn xã có nhiều chuyển biến đáng kể.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Chợ Đồn lần thứ XXI đề ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của huyện giảm còn 8,86%. Để hiện thực hóa mục tiêu này, thời gian qua, huyện Chợ Đồn được giao trên 25,4 tỷ đồng để thực hiện 7 dự án và 9 tiểu dự án trong Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Riêng năm 2023, huyện Chợ Đồn được giao hơn 10,9 tỷ đồng để hỗ trợ công tác giảm nghèo trên địa bàn. Cụ thể từ nguồn vốn này đã triển khai 18 dự án cộng đồng trên địa bàn 17 xã, thị trấn để thực hiện các mô hình nuôi lợn thịt bản địa, nuôi gà thịt, trâu bò sinh sản, dê sinh sản…

Đối với dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng, huyện thực hiện 7 dự án tại 7 xã với nguồn vốn hơn 1,6 tỷ đồng. Nguồn vốn này thực hiện các mô hình nuôi trâu sinh sản, nuôi lợn, gà, hỗ trợ phát triển sản xuất, liên kết chăn nuôi và tiêu thụ lợn thịt bản địa.

Ngoài hỗ trợ thực hiện các mô hình kinh tế, các chính sách về nhà ở, hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cũng được huyện tích cực triển khai. Năm 2023, huyện lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ xây dựng 116 ngôi nhà cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở, giải quyết việc làm cho hơn 1 nghìn lao động, đưa 217 lao động đi làm việc tại nước ngoài. 

Huyện Chợ Đồn phấn đấu đến năm 2025 đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Ảnh: CTTĐT Chợ Đồn. 

Huyện Chợ Đồn phấn đấu đến năm 2025 đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Ảnh: CTTĐT Chợ Đồn. 

Ông Ma Doãn Kháng, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn cho biết, thời gian tới, để hoàn thành mục tiêu giảm nghèo mà nghị quyết đề ra, huyện Chợ Đồn tiếp tục  huy động, lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án, ưu tiên các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục thực hiện tốt chính sách hỗ trợ hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình chính sách.

Tăng cường tổ chức đào tạo nghề, hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển các sản phẩm OCOP gắn với kinh tế tập thể từ đó giúp hộ nghèo có việc làm, tăng thu nhập, thu hẹp dần chênh lệch về mức sống giữa các khu vực trên địa bàn huyện. Phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành tiêu chí thu nhập, đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Người dân tự nguyện bàn giao mặt bằng thực hiện dự án đường cao tốc Bắc-Nam

Quảng Bình Người dân huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã tự nguyện bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025

Ninh Thuận: Thêm 84 sản phẩm được công nhận OCOP

Mới đây, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành quyết định công nhận 84 sản phẩm của các chủ thể đạt hạng OCOP từ 3 - 4 sao.