Hoàn thiện hạ tầng
Năm nay, huyện Chợ Đồn được giao hơn 100 tỷ đồng thực hiện chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, trong đó vốn sự nghiệp 61 tỷ đồng và vốn đầu tư 39 tỷ đồng. Thời gian qua huyện tập trung phân cấp, trao quyền cho địa phương, nhất là cấp cơ sở nhằm nâng cao tính chủ động, linh hoạt trong quản lý, tổ chức thực hiện chương trình.
Riêng dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi huyện Chợ Đồn được giao nguồn vốn hơn 42 tỷ đồng để đầu tư. Năm 2023 huyện thực hiện 68 công trình (gồm 2 công trình chuẩn bị các thủ tục đầu tư để năm 2024 thi công).
Hiện nay, một số công trình đã thi công xong, số còn lại đang triển khai, các công trình hoàn thành sẽ thuận lợi hơn trong giao thương buôn bán, phát triển kinh tế, nâng cao mức sống cho người dân vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bó Pia là thôn khó khăn của xã Quảng Bạch (huyện Chợ Đồn) chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Thôn Bó Pia có 57 hộ, trước đây người dân phải đi qua con đường mòn đất đỏ, lầy lội vào mùa mưa. Vừa qua, thôn Bó Pia được hỗ trợ 200 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi để bê tông hóa đường nội thôn.
Sự vào cuộc của chính quyền địa phương cùng sự chung tay góp sức của bà con trong thôn, đường nội thôn có chiều dài 300m đã hoàn thành, đáp ứng nhu cầu đi lại, sản xuất của người dân. Đây chỉ là một trong hàng chục công trình mà Chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi triển khai trên địa bàn huyện Chợ Đồn.
Xuân Lạc là xã khó khăn nhất của huyện Chợ Đồn, dân cư chủ yếu là người dân tộc thiểu số sinh sống ở nhiều thôn vùng cao, giao thông đi lại rất khó khăn. Để hỗ trợ người dân thoát nghèo, xây dựng hạ tầng, năm 2023, xã Xuân Lạc được giao gần 7 tỷ đồng nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Để triển khai hiệu quả nguồn vốn, chính quyền địa phương đã lựa chọn những công trình cấp bách phục vụ sát sườn nhu cầu người dân, hỗ trợ các mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện của địa phương. Cụ thể xã đã làm 2 tuyến đường nông thôn, 2 nhà văn hóa thôn, duy tu đường giao thông, hỗ trợ xây dựng 8 nhà ở, hỗ trợ giao khoán bảo vệ rừng đối với 86 hộ.
Ông Nông Minh Hải, Chủ tịch UBND xã Xuân Lạc nhận định, với xuất phát điểm thấp, nhiều thôn vùng cao, giao thông đi lại khó khăn, nguồn lực từ các chương trình đầu tư hạ tầng là rất quan trọng. Hạ tầng tốt sẽ giúp người dân sản xuất, giao thương buôn bán. Ngoài ra nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất cũng mang lại hiểu quả, nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm từ 53% vào năm 2022 xuống còn 49% năm 2023.
Chăm lo đời sống nhân dân
Bên cạnh đầu tư hạ tầng, nhiều hộ gia đình người DTTS đã được vay vốn tín dụng chính sách theo chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi để xây dựng được nhà ở. Có nhà ở mới giúp người dân ổn định sản xuất, lao động, từng bước nâng cao mức sống.
Gia đình ông Hoàng Kim Định là một trong những hộ thuộc diện nghèo ở thôn Nà Liền (xã Nam Cường). Nhà ở nhiều năm qua đã xuống cấp, ông Định đăng ký vay vốn hỗ trợ làm nhà được 40 triệu đồng trong vòng 15 năm. Đến nay, căn nhà cấp 4 rộng hơn 70 mét vuông đã hoàn thành.
Ông Hoàng Kim Định cho biết, gia đình khó khăn, nếu không được vay sẽ khó mà làm nhà vì là hộ nghèo tiền tích cóp không có, được vay vốn với thời gian trả 15 năm sẽ giúp gia đình an cư, yên tâm làm ăn, nỗ lực thoát nghèo.
Năm 2023, toàn huyện Chợ Đồn có 75 hộ vay với tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng, qua kiểm tra đánh giá cho thấy các hộ sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, nhiều hộ gia đình đã xây xong nhà.
Chính sách hỗ trợ hộ nghèo vay vốn làm nhà ở đáp ứng mong mỏi của bà con, thông qua nguồn vốn góp phần xóa nhà tạm, dột nát, bộ mặt nông thôn từng bước đổi thay.
Bên cạnh hỗ trợ cơ sở hạ tầng, huyện Chợ Đồn cũng triển khai đồng bộ dự án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị.
Trong đó tập trung phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân. Năm 2023, với nguồn vốn hơn 15 tỷ đồng, huyện Chợ Đồn đã phân bổ cho 9 xã thuộc khu vực II, III trên địa bàn toàn huyện. Diện tích giao khoán bảo vệ rừng tại 9 xã này là hơn 12.300ha.
Ngoài những dự án nói trên, chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào (DTTS) và miền núi còn hỗ trợ giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em. Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em. Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Ông Ma Doãn Kháng, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn cho rằng, chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào (DTTS) và miền núi hỗ trợ toàn diện tạo động lực quan trọng để đồng bào DTTS có động lực vươn lên phát triển kinh tế, xã hội. Hiện nay, huyện đang lồng ghép nguồn lực từ nhiều chương trình để hỗ trợ hộ nghèo, hộ người dân tộc thiểu số. Mục tiêu mỗi năm giảm trên 3% tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
“Để đạt được mục tiêu này, huyện chú trọng đầu tư các dự án cấp thiết về cơ sở hạ tầng, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị do các tổ chức kinh tế và người dân trong vùng đồng bào DTTS cùng tham gia thực hiện. Tăng cường vận động các nguồn lực ngoài ngân sách tham gia vào các dự án hỗ trợ, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách. Lồng ghép việc thực hiện các Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và các chương trình, dự án, chính sách phát triển kinh tế, xã hội khác để hỗ trợ người nghèo, người dân tộc thiểu số”, ông Kháng cho biết thêm.
Ngoài ra nguồn vốn cũng dành hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đối tượng là các hộ nghèo, cận nghèo; ưu tiên hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ và là lao động duy nhất, hộ sinh sống tại xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn. Các doanh nghiệp (sản xuất, chế biến, kinh doanh), HTX tham gia vào chuỗi giá trị có từ 70% tổng số lao động trở lên là người dân tộc thiểu số. Các xã, thôn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.