| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng chiến lược quốc gia quản lý sức khỏe đất nông nghiệp

Thứ Sáu 14/06/2024 , 17:33 (GMT+7)

Sức khỏe đất nông nghiệp, nhất là đất trồng trọt, đang bị suy giảm ngày càng nghiêm trọng. Vì vậy, cần có chiến lược quốc gia để quản lý sức khỏe đất.

Thứ trưởng Hoàng Trung phát biểu tại Hội nghị 'Hiện trạng và định hướng quản lý sức khỏe đất hướng tới sản xuất trồng trọt bền vững'. Ảnh: Thanh Sơn.

Thứ trưởng Hoàng Trung phát biểu tại Hội nghị “Hiện trạng và định hướng quản lý sức khỏe đất hướng tới sản xuất trồng trọt bền vững”. Ảnh: Thanh Sơn.

Sức khỏe đất suy giảm nghiêm trọng

Dù đang bận nhiều công việc, đường sá lại xa xôi, nhưng bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Dương vẫn quyết tâm dành thời gian vào TP.HCM để dự Hội nghị “Hiện trạng và định hướng quản lý sức khỏe đất hướng tới sản xuất trồng trọt bền vững”, do Bộ NN-PTNT tổ chức. Bởi sức khỏe đất đang là vấn đề nóng ở Hải Dương hiện nay và ngành nông nghiệp tỉnh đã mong chờ Hội nghị này từ rất lâu.

Theo bà Kiểm, Hải Dương hiện có 104,5 nghìn ha đất nông nghiệp, trong đó có 58 nghìn ha đất lúa, 10 nghìn ha đất rau màu, 20 nghìn ha đất trồng cây ăn quả… Trong nhiều năm qua, Hải Dương đã hình thành các vùng chuyên canh nông sản, qua đó mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng đang dẫn tới nhiều vấn đề về sức khỏe đất mà ngành nông nghiệp tỉnh lúng túng, chưa biết giải quyết như thế nào.

Chẳng hạn, trong 20 năm qua, cây ổi hàng hóa được phát triển mạnh ở Hải Dương, với diện tích hiện tại gần 2.000ha. Trong thời gian đầu tiên, chu kỳ kinh doanh của cây ổi từ 5-10 năm, nhưng hiện nay chỉ còn 3 năm. Điều này khiến hiệu quả kinh tế của người trồng ổi ở Hải Dương bị ảnh hưởng đáng kể do cứ 3 năm là phải trồng lại vườn ổi.

Người trồng ổi Hải Dương vẫn đang nghĩ rằng nguyên nhân là do cây ổi bị sâu bệnh nhiều. Trong khi đó, thực tế là do nông dân trồng ổi lạm dụng phân bón hóa học khiến cho đất trồng ổi bị suy thoái tương đối mạnh, độ pH đất trồng ổi hiện ở mức rất thấp.

Nhiều diện tích đất trồng trọt ở Hải Dương, trong đó có đất trồng ổi, đang suy thoái nghiêm trọng. Ảnh: Thanh Sơn.

Nhiều diện tích đất trồng trọt ở Hải Dương, trong đó có đất trồng ổi, đang suy thoái nghiêm trọng. Ảnh: Thanh Sơn.

Không chỉ đất trồng ổi, những diện tích trồng rau màu chuyên canh ở Hải Dương cũng đang bị suy thoái nghiêm trọng. Kết quả đo pH đất nông nghiệp ở Hải Dương cho thấy, nhiều diện tích độ pH chỉ còn ở mức 3,5-4,5, thậm chí có những hiện tích mà độ pH hiện chỉ còn 2,5.

Không chỉ ở Hải Dương, sức khỏe đất đang là vấn đề đáng lo ngại ở tất cả các địa phương, các vùng miền trên cả nước.

Ông Võ Văn Men, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Tiền Giang, cho biết, các diện tích trồng lúa, cây ăn trái… của tỉnh đều có mức độ thâm canh rất cao, trong khi phù sa về Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng giảm, cùng với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đang làm cho đất nông nghiệp ở Tiền Giang ngày càng suy kiệt.

Còn theo TS Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, các kết quả khảo sát cho thất đất trồng trọt ở khu vực này đang suy thoái nghiêm trọng, có nhiều diện tích độ pH đất hiện đã ở dưới 4,0.

Phải có chiến lược quản lý sức khỏe đất

Theo Bộ NN-PTNT, sức khỏe đất đang là vấn đề được nhiều tổ chức quốc tế và các quốc gia quan tâm. Thông tin từ FAO, cho thấy, có tới 95% sản lượng lương thực toàn cầu phụ thuộc vào đất. Tuy nhiên, ước tính một phần ba diện tích đất đai trên thế giới đã bị suy thoái. Các chuyên gia ước tính, xói mòn đất có thể dẫn đến thiệt hại 10% sản lượng cây trồng vào năm 2050.

Ở Việt Nam, 70% diện tích đất nằm trên địa hình đồi núi dốc, nên dễ bị xói mòn, rửa trôi dẫn đến mất các chất dinh dưỡng, đất thường chua, nghèo mùn và các chất dinh dưỡng. Ngoài ra, do chủ yếu canh tác lúa nước nên xảy ra hiện tượng rửa trôi dinh dưỡng theo cả chiều ngang và chiều sâu. Với những vùng thâm canh, hiện tượng canh tác quá nhiều thường gây ra suy thoái và kiệt quệ dinh dưỡng.

Tình trạng thoái hóa đất cũng đang trở nên đáng báo động cả với loại hình thoái hóa tự nhiên (hoang mạc đá, hoang mạc đất khô cằn, hoang mạc cát, hoang mạc đất nhiễm mặn và hoang mạc đất nhiễm phèn) và thoái hóa do tác động của con người (thâm canh, tăng vụ hoặc cơ giới hóa đồng ruộng trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, phá rừng, đốt rừng hay xây dựng các hồ chứa, các công trình thủy điện).

Không chỉ vậy, ô nhiễm đất do sử dụng quá nhiều thuốc BVTV, phân bón hóa học cũng đã góp phần tiêu diệt hệ sinh vật có ích trong đất, làm giảm độ tơi xốp, giảm khả năng hấp thu dinh dưỡng của cây trồng từ đó làm ảnh hưởng sức khỏe đất và cây trồng.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung cho biết, trong những năm qua, tình trạng đất trồng trọt ở Việt Nam bị thoái hóa đang có xu hướng gia tăng, hiện có gần 2 triệu ha nghèo dinh dưỡng.

Bộ NN-PTNT sẽ xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt chiến lược quốc gia quản lý sức khỏe đất nông nghiệp. Ảnh: Thanh Sơn.

Bộ NN-PTNT sẽ xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt chiến lược quốc gia quản lý sức khỏe đất nông nghiệp. Ảnh: Thanh Sơn.

Trước tình hình đó, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu của Bộ phối hợp với các địa phương, đặc biệt là phối hợp với các doanh nghiệp, tìm cách xác định xem ở từng vùng, từng địa phương, đất nào đang bị nghèo dinh dưỡng, đất nào đang bị ô nhiễm, bị sa mạc hóa … Khi đã đánh giá được hiện trạng, tìm hiểu được nguyên nhân sẽ đưa ra các giải pháp phù hợp để bảo vệ đất trồng và cải thiện sức khỏe đất.

Nhiều doanh nghiệp cũng đang tích cực phối hợp với ngành nông nghiệp trong việc khắc phục, cải thiện sức khỏe đất. Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Giám đốc Phát triển bền vững Yara Việt Nam, cho biết, Yara hiện đang hợp tác với các đối tác chiến lược để triển khai các dự án thiết thực, hỗ trợ nông dân áp dụng các phương thức canh tác bền vững, cải thiện sức khỏe đất và nâng cao năng suất cây trồng. 

Điển hình là dự án theo dõi các chỉ số sức khỏe đất trong 3 năm (2021 - 2023) trên 150ha đất trồng của một đối tác kinh doanh tại tỉnh Gia Lai, nhằm đánh giá hiệu quả của các giải pháp canh tác bền vững, bao gồm việc sử dụng phân bón, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng và sức khỏe đất.

Bên cạnh đó, Yara, đang tập trung phát triển các dòng sản phẩm phân bón thế hệ mới, bao gồm phân bón hữu cơ, phân khoáng hữu cơ và phân bón chứa vi sinh vật có lợi. Các sản phẩm được thiết kế đặc biệt để cung cấp dinh dưỡng cân đối cho cây trồng, cải thiện cấu trúc đất, tăng cường hoạt động của vi sinh vật có lợi trong đất và giảm thiểu tác động đến môi trường.

Thứ trưởng Hoàng Trung nhấn mạnh, để bảo vệ đất trồng và nâng cao sức khỏe đất, trước hết phải nâng cao nhận thức của toàn hệ thống chính trị và nông dân, doanh nghiệp về sự quan trọng của sức khỏe đất đối với an ninh lương thực và phát triển bền vững. Đồng thời, phải rà soát, xây dựng các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến chất lượng đất. Từng vùng, từng loạt đất phải có bộ tiêu chuẩn để đánh giá.

Bên cạnh đó là xây dựng các quy trình canh tác phù hợp với từng loại đất, từng loại cây trồng và có những biện pháp cải tạo độ phì, bổ sung dinh dưỡng cho đất. Xây dựng những quy trình để bảo vệ, cải tạo những diện tích đất đã bị thoái hóa. Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu, chuyển đổi số trong quản lý đất đai, trong đó có đất nông nghiệp.

Thứ trưởng Hoàng Trung cho biết, Bộ NN-PTNT sẽ giao Cục Trồng trọt xây dựng chiến lược để quản lý sức khỏe đất của quốc gia liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là ngành trồng trọt để trình Chính phủ ban hành. Đây là một căn cứ để Bộ NN-PTNT và các địa phương, dựa trên quy hoạch tổng thể đất sử dụng cho nông nghiệp, để có những biện pháp quản lý tốt sức khỏe đất, phục vụ sự phát triển bền vững của ngành trồng trọt.

Xem thêm
Tổng Bí thư Tô Lâm: Quân đội là điểm tựa vững chắc của nhân dân

Tổng Bí thư nhấn mạnh cần xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Nguyên nhân vụ cháy nhà trọ làm 2 người chết

TP.HCM Ngôi nhà 4 tầng, rộng khoảng 60m2, được ngăn thành hơn chục phòng nhỏ cho thuê, tầng trệt để xe máy, thời điểm xảy ra cháy, khu trọ đang có 23 người ở các phòng.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.