| Hotline: 0983.970.780

Vì hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững

Tài nguyên đất nông nghiệp đang bị 'bóc lột'

Thứ Tư 28/12/2022 , 06:05 (GMT+7)

Việt Nam có 4% diện tích đất đang thoái hóa mạnh, 7% có dấu hiệu thoái hóa và 20,4% đang có nguy cơ thoái hóa.

Nguy cơ thoái hóa cao

Bài liên quan

Tại cuộc họp khởi động dự án “Hỗ trợ xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động về sức khỏe đất quốc gia” vừa qua, ông Nguyễn Văn Bộ, đại diện Hội Khoa học đất Việt Nam nêu thực trạng về tình hình về sức khỏe đất tại Việt Nam. Theo đó, có ba yếu tố tác động khiến vấn đề sức khỏe đất dường như bị “lờ” đi và chưa nhận được sự quan tâm tương xứng với giá trị mà nó đem lại cho nền nông nghiệp.

Thứ nhất, ông Bộ cho rằng xã hội vẫn đang coi nhẹ đất, coi đó là nguồn tài nguyên sẵn có để khai thác. Trong khi đó, các khái niệm về suy thoái đất, sa mạc hóa gần đây được đưa ra cũng chưa được cộng đồng công nhận. Thứ hai, hiện vẫn chưa có hệ thống giám sát, theo dõi vấn đề quản lý, sử dụng đất trong khi Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho biết, 95% nguồn lương thực thực phẩm được tạo ra bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp từ đất. Bên cạnh đó, hiện vẫn chưa có hệ thống chính sách liên quan đến sử dụng đất bền vững.

Ông Nguyễn Văn Bộ (áo nâu) đại diện Hội Khoa học đất Việt Nam cùng các chuyên gia trong cuộc họp khởi động dự án “Hỗ trợ xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động về sức khỏe đất quốc gia”. Ảnh: Linh Linh. 

Ông Nguyễn Văn Bộ (thứ ba từ trái sang) đại diện Hội Khoa học đất Việt Nam cùng các chuyên gia trong cuộc họp khởi động dự án “Hỗ trợ xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động về sức khỏe đất quốc gia”. Ảnh: Linh Linh. 

“Đất đang bị bóc lột, có những vùng canh tác đến 5-7 vụ trong hai năm, riêng đối với gần 1 triệu ha lúa được canh tác 3 vụ/năm trong bối cảnh xâm nhập mặn, thiếu nước từ đầu nguồn. Có hàng trăm ngàn ha cà phê ở Tây Nguyên phải tái canh, hàng chục ngàn ha hồ tiêu bị chết, những vấn đề này đều do bệnh từ đất mà tựu chung là do hoạt động canh tác không bền vững gây ra. Nên việc quản lý tài nguyên đất để đảm bảo sức khỏe đất phải mang tính tổng hợp”, ông Bộ nói.

Đánh giá tình hình tổng quan về sức khỏe đất tại Việt Nam, ông Vũ Mạnh Quyết, đại diện Viện Thổ nhưỡng Nông hóa dẫn số liệu từ các nghiên cứu cho thấy đất sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam khá hạn chế.

Tổng diện tích đất nông nghiệp chỉ khoảng hơn 11,5 triệu ha (tương đương 0,11 ha/người) phục vụ canh tác cho gần 17 triệu nông hộ, nằm trong số những quốc gia thấp nhất trên thế giới. Đất nông nghiệp chủ yếu tập trung tại khu vực dốc - rào cản tương đối lớn đối với chất lượng và độ phì nhiêu của đất ở Việt Nam, dẫn đến hiện tượng bị xói mòn cực mạnh. Có nhiều vùng lượng đất mất đi do xói mòn 1 năm lên tới 100 - 300 tấn/ha, kéo theo lượng dinh dưỡng bị nghèo kiệt và mất hàng trăm đến nghìn năm để hình thành lớp đất như vậy.

Ông Quyết cho biết, thống kê của Bộ TN-MT, có 4% diện tích đất Việt Nam đang thoái hóa mạnh, 7% có dấu hiệu thoái hóa và 20,4% đang có nguy cơ thoái hóa. Nguyên nhân chính do ảnh hưởng của hiện tượng sa mạc hóa, khô hạn, xâm nhập mặn ở ĐBSCL, sử dụng đất đai không phù hợp, chưa có biện pháp bảo vệ tài nguyên đất và nước ở các vùng xói mòn mạnh.

Đất nông nghiệp tại Việt Nam được cho là nghèo dưỡng chất, có ít thành phần hữu cơ. Ở một số vùng, ngập lụt gây ảnh hưởng chất lượng đất, có hiện tượng đất bị “ngộ độc” thành đất mặn, đất phèn. Ở nhiều vùng độ dốc cao, do đó tầng đất canh tác mỏng, thành phần cơ giới nhẹ, yếu tố dinh dưỡng trong đất thấp như đạm, lân, kali, cản trở sự sinh trưởng của cây trồng. Có tới 60% đất ở Việt Nam thiếu kali, 70% thiếu lân. Bên cạnh đó, sức khỏe đất cũng bị tác động bởi yếu tố môi trường như tăng hệ số sử dụng đất, thâm canh hay sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu thiếu kiểm soát.

Như vậy, với những vấn đề đang gặp phải, việc xây dựng một chiến lược, kế hoạch hành động để tăng cường quản lý và nâng cao sức khỏe đất là điều cần thiết.

Mảnh ghép cho bức tranh tổng thể chiến lược nông nghiệp bền vững

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Viện trưởng Viện Bảo vệ Thực vật dẫn điều tra gần đây của đơn vị cho thấy các đối tượng dịch hại trong đất rất phổ biến, trong khi các thành phần có ích trong đất và vi sinh vật rất ít. Việc sinh vật hại nhiều, người nông dân không thể kiểm soát, phòng trừ dẫn đến tăng liều thuốc sử dụng gây ra hiện tượng tồn đọng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong đất.

“Kết quả điều tra của Viện về tình hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên một vụ sản xuất cho thấy ít nhất trên 50% người dân sử dụng 8 - 10 lần phun/vụ”, bà Ngọc nêu thực trạng.

Theo đó, bà Ngọc cho rằng đối với vấn đề sức khỏe đất cũng cần có thêm nghiên cứu tương tác giữa ảnh hưởng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón đến kết cấu đất, tính vật lý, hóa học, sinh học trong đất. Bênh cạnh đó, cần có chỉ số đánh giá sức khỏe đất ở các mức độ khác nhau, rõ ràng trên phạm vi toàn quốc và cho từng vùng.

markus-spiske-71uUjIt3cIs-unsplash-1024x545

Việc quản lý tài nguyên đất để đảm bảo sức khỏe đất cần mang tính tổng hợp.

Hiện đã có nhiều chính sách ban hành liên quan đến đất và đất đai như Luật Đất đai 2013, Luật Trồng trọt 2018, Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị quyết Chính phủ số 18-NQ/TW về quản lý sử dụng đất...

Tuy nhiên, đại diện Viện Thổ nhưỡng Nông hóa cho biết, hiện vẫn chưa có chính sách, văn bản cụ thể liên quan trực tiếp đến sức khỏe đất. “Chúng ta cần phải tạo ra chính sách, chiến lược, kế hoạch hành động và nhân cao nhận thức toàn bộ cộng đồng trong vấn đề đất”, ông Quyết nhấn mạnh.

Ông Pierre Ferrand, Cán bộ Nông nghiệp, Tư vấn Kỹ thuật, Văn phòng FAO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cho rằng một hệ thống quản lý sức khỏe đất mới sẽ góp phần nâng cao tính cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên trường quốc tế. Cách tiếp cận “sức khỏe đất - sức khỏe cây trồng - sức khỏe con người” là hướng đi phù hợp và bao quát vòng tuần hoàn dinh dưỡng, chất lượng thực phẩm và sự an toàn trong mối liên kết giữa hệ sinh thái và sức khỏe con người.  

“Vấn đề sức khỏe đất như một mảnh ghép trong tổng thể trong chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững và chuyển đổi hệ thống nông nghiệp của Việt Nam. Mảnh ghép này cần song hành cùng các yếu tố khác như trồng trọt, bảo vệ thực vật, khuyến nông, đào tạo...”, ông Ferrand khuyến nghị.

Việt Nam là một trong 13 quốc gia thành viên tham gia phát triển Atlas đất châu Á hay Bản đồ đất châu Á và dự án Hệ thống thông tin đất quốc gia được tài trợ bởi Tổ chức Sáng kiến hợp tác Nông nghiệp và Lương thực châu Á (RDA- AFACI). Ngoài việc xây dựng bản đồ đất giúp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của đất, dự án còn nhằm thu thập các bản đồ sở hữu đất thông qua các dữ liệu có sẵn.

Dữ liệu đất tại Việt Nam đã được thu thập nhiều năm qua không thể hiện tình hình sức khỏe đất. Đây là một trong những hạn chế lớn để lập kế hoạch và thực hiện các cam kết quốc tế.

Xem thêm
Heo hơi tăng giá, người nuôi lãi 2 triệu đồng/tạ

BẾN TRE Heo hơi xuất bán tại chuồng ở huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre đang có giá từ 64 - 67 nghìn đồng/kg, tăng 4 - 7 nghìn đồng/kg so với cách đây 1 tháng.

Dịch tả lợn Châu Phi lan rộng, tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo khẩn

BẮC KẠN Dịch tả lợn Châu Phi lan rộng tại tất cả các huyện, thành phố, UBND tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo khẩn thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch.

Gỡ vướng mắc trong thực hiện phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt

Theo TS. Nguyễn Linh Ngọc, việc phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt mang lại lợi ích lâu dài, nhưng hiện là bài toán khó ở cả thành thị và nông thôn.