Phát biểu, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nêu bật ý nghĩa của Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên về "Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á" (AZEC). Thủ tướng Kishida khẳng định, AZEC đóng vai trò quan trọng nhằm thúc đẩy đổi mới, hỗ trợ triển khai, xây dựng chuỗi cung ứng minh bạch, linh hoạt, mạnh mẽ và đáng tin cậy.
Với sự tham dự đông đảo của lãnh đạo cấp cao các nước khu vực ASEAN, Nhật Bản và Australia, AZEC mở ra cơ hội cho thị trường năng lượng sạch, công nghệ tiên tiến, thúc đẩy phát triển và phối hợp chính sách về chuyển đổi năng lượng. Đây cũng là nền tảng để các nước tăng cường ngoại giao, hợp tác công - tư giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng ở khu vực.
Các nước ASEAN và Australia đều đánh giá cao sáng kiến của Nhật Bản và vai trò quốc gia đầu tiên đăng cai Hội nghị cấp cao AZEC. Sự tiên phong của Nhật Bản tạo điều kiện cho mỗi nước thành viên chia sẻ kinh nghiệm, nỗ lực, qua đó khai thác tối đa các tiềm năng hợp tác khu vực, phù hợp với hoàn cảnh từng quốc gia. Qua đó, các nước cam kết phối hợp chặt chẽ nhằm đạt được cả ba mục tiêu là giảm phát thải cacbon, bảo đảm an ninh năng lượng và tăng trưởng kinh tế tại châu Á.
Tham gia Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ về những tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu, do đó đòi hỏi cộng đồng quốc tế cần có quyết tâm và hành động thực tiễn để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng "0" - Net Zero. Chính phủ Việt Nam gây ấn tượng mạnh mẽ với chủ đề Chung ý chí, quyết tâm cao và hành động quyết liệt hướng tới một châu Á phát triển phát thải ròng bằng 0.
Thủ tướng khẳng định, với trách nhiệm với toàn cầu và toàn dân, Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt. Qua các chương trình cụ thể, Việt Nam đã bước đầu thay đổi nhận thức, tư duy, cách tiếp cận để thực hiện các cam kết tại COP26. Một số chương trình nổi bật gồm có Chiến lược quốc gia biến đổi khí hậu, Chiến lược tăng trưởng xanh, Quy hoạch điện VIII tiến đến năng lượng tái tạo là chủ đạo, phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp; xây dựng và thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), ban hành Kế hoạch thực hiện JETP và công bố Kế hoạch huy động nguồn lực triển khai JETP.
Tới nay, Việt Nam đang tiếp tục xây dựng thể chế, hoàn thiện khung pháp lý bao gồm các Luật Dầu khí, Luật Điện lực, Luật Đất đai theo hướng thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo theo cơ chế thị trường, phát triển điện sinh khối và bán tín chỉ cacbon.
Để góp phần hiện thực hoá mục tiêu của AZEC, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất các lĩnh vực thúc đẩy hợp tác thời gian tới cần tập trung vào nghiên cứu, phát triển, đa dạng hóa các nguồn năng lượng sạch và công nghệ mới, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ nhằm bảo đảm nguồn năng lượng sạch được tiếp cận rộng rãi, đáp ứng được khả năng chi trả tại khu vực châu Á; bảo đảm chuyển đổi năng lượng sạch phù hợp với điều kiện của mỗi nước.
Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cho rằng, cần đẩy mạnh hơn nữa các cơ chế tài chính khí hậu mới, hợp tác công - tư và hợp tác trong khu vực tư nhân. Những đối thoại toàn diện, đa ngành sẽ tạo điều kiện cho các nước đang phát triển tiếp cận nguồn vốn ưu đãi; tăng cường hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, quản trị thông minh và hoàn thiện thể chế thị trường hiện đại, phù hợp, hiệu quả với từng quốc gia.
Thủ tướng khẳng định với quyết tâm cao và hành động mạnh mẽ, sự giúp đỡ tích cực hiệu quả của các nước phát triển đối với các nước đang phát triển, một châu Á phát thải ròng bằng "0" sẽ trở thành hiện thực, mang lại sự phồn vinh cho cộng đồng các quốc gia châu Á và một tương lai bền vững trên toàn cầu.