Người dân tham gia làm đường nông thôn mới. |
Cùng với Trung ương, tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) ở 27 xã đặc biệt khó khăn biên giới.
Vùng các xã biên giới nói chung và Nghệ An nói riêng đều có chung đặc thù về địa lý, dân tộc, trình độ dân trí, cuộc sống, tập quán sinh hoạt… Đó là, diện tích đất đai quá rộng, phần lớn là đồi núi cao.
Dân cư thưa thớt và đa số là đồng bào các dân tộc thiểu số. Sông suối vừa nhiều, vừa ngăn cách giữa các làng, bản trong cùng một xã và giữa các xã với nhau trong cùng một vùng. Đường sá đi lại khó khăn, chủ yếu là đường đất quanh co, gập ghềnh đèo dốc, nhỏ hẹp. Điện lưới quốc gia còn nhiều xã chưa có. Trường học, trạm xá có nhưng chưa đủ. Trình độ dân trí thấp, đời sống nghèo nàn. Sản xuất nông nghiệp lạc hậu.
Nếu xây dựng NTM ở những xã biên giới này theo các tiêu chí chung cho cả nước và riêng cho vùng miền núi thì khó mà thực hiện được. Chưa nói đến cả nước, chỉ riêng Nghệ An vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hiện có 252 xã, 1.339 thôn, bản. Trong đó có 106 xã thuộc khu vực III, 100 xã khu vực II và 46 xã khu vực I. Trong số 1.339 thôn, bản có 1.182 thôn, bản thuộc diện đặc biệt khó khăn.
Đây là vùng có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường sinh thái. Đồng thời cũng là vùng có nhiều tiềm năng lớn về tài nguyên đất đai, khoáng sản và phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy điện, thương mại và du lịch... Trong toàn bộ khu vực miền núi Nghệ An có 27 xã giáp ranh với nước bạn Lào trải dài hàng trăm km thuộc 6 huyện gồm Kỳ Sơn 11 xã, Tương Dương 4 xã, Con Cuông 2 xã, Quế Phong 4 xã, Anh Sơn 1 xã và Thanh Chương 5 xã.
Trong 27 xã biên giới nói trên, hiện tại chỉ có 2 xã đã được công nhận về đích NTM, đó là xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương và xã Tam Quang, huyện Tương Dương. Một trong những huyện đang gặp nhiều khó khăn nhất về xây dựng NTM, là huyện Kỳ Sơn. Tất cả 11 xã biên giới của huyện đều cách trung tâm huyện từ 40-50 km, đường xa, đi lại cực kỳ vất vả và đồng bào ở các xã này phần lớn là dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú. Cuộc sống chủ yếu dựa vào gieo trồng lúa, ngô, sắn trên nương rẫy, có trên 60% hộ nghèo.
Bắc Lý là xã vào loại khá nhất trong số 11 xã biên giới của huyện Kỳ Sơn, cách trung tâm huyện 40 km, đa phần người dân ở đây là đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú, người Kinh không đáng kể. Theo ông Cụt Văn Long, Chủ tịch UBND xã cho biết: Toàn xã có 13 bản, cuộc sống chủ yếu nhờ vào gieo trồng lúa nương rẫy, năng suất thấp nên vẫn còn hơn 60% hộ dân thuộc diện hộ nghèo.
Khi hỏi về xây dựng NTM, ông Cụt Văn Long cho biết: Sau 10 năm xây dựng NTM, xã tự đánh giá hoàn thành được 5 tiêu chí, gồm quốc phòng, an ninh trật tự, hệ thống chính trị, giáo dục, lao động việc làm và thủy lợi. Có được 5 tiêu chí đó là nhờ có nguồn vốn của nhà nước đầu tư vào để xây dựng trường học, trạm y tế và một số công trình thủy lợi. Còn lại 14 tiêu chí khác khó khăn lắm, chưa làm được, nhất là tiêu chí giao thông, điện, thu nhập, môi trường…
Bởi địa bàn quá rộng, dốc núi nhiều, đường quanh co, khe suối nhiều, dân cư thưa thớt. Riêng về giao thông từ UBND xã đi về các bản chưa có một ki lô mét nào đường bê tông. Trong số 13 bản, có 7 bản chưa có được một mét đường nào trong nội bản có đường bê tông. Đặc biệt đang có tới 11/13 bản của xã Bắc Lý cho đến bây giờ vẫn chưa có điện lưới quốc gia.
Cũng tại huyện Kỳ Sơn, ông Lương Văn Bảy, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý thuộc nhóm 11 xã biên giới của huyện cho hay: Đến thời điểm này xã đã đạt 10/19 tiêu chí NTM. Cái cần nhất, khó khăn nhất và là ước mơ của bà con nhân dân trong xã là giao thông và điện. Về giao thông, đường sá mùa khô còn đi lại được, mùa mưa có xe máy cũng không đi được. Dân còn nghèo lắm, thiếu thốn trăm bề lấy tiền đâu ra mà đóng góp làm đường, đành phải chờ nhà nước giúp đỡ thôi. Điện, không biết đến bao giờ mới về bản để giúp dân cải thiện đời sống cả tinh thần và vật chất.
Theo ông Lương Thanh Hải, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An cho biết: Hàng năm Trung ương, tỉnh tạo điều kiện giúp đỡ nhiều cho đồng bào các xã miền núi của tỉnh. Nhưng điều kiện tự nhiên khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, thiên tai nhiều, nhất là mưa lũ xảy ra thường xuyên, trình độ dân trí còn hạn chế. Vì vậy đời sống khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo đang chiếm đến 46,3%, thu nhập bình quân chỉ đạt 15,3 triệu đồng/người/năm. Đến bây giờ các xã miền tây Nghệ An đang còn 300 thôn, bản chưa được sử dụng điện lưới quốc gia, 9 xã chưa có đường ô tô vào trung tâm xã. |