| Hotline: 0983.970.780

Không ít doanh nghiệp được chứng nhận kinh doanh xuất khẩu gạo nhưng vẫn 'nằm im'

Chủ Nhật 15/09/2024 , 14:56 (GMT+7)

ĐBSCL Lãnh đạo Sở Công thương tỉnh An Giang cho biết, trên địa bàn có không ít doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo nhưng không hoạt động.

ĐBSCL là khu vực xuất khẩu gạo trọng điểm của Việt Nam. Ảnh: Kim Anh.

ĐBSCL là khu vực xuất khẩu gạo trọng điểm của Việt Nam. Ảnh: Kim Anh.

An Giang là một trong những địa phương có thế mạnh về xuất khẩu gạo, đồng thời là cầu nối trung chuyển hàng hóa trong nước với thị trường nước bạn Campuchia và khu vực ASEAN.

8 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo của tỉnh đạt 285 ngàn tấn, tăng trên 3% về lượng và tăng gần 7% về kim ngạch so cùng kỳ. Tuy nhiên, việc quản lý các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn của ngành công thương tỉnh lại đang tồn tại khó khăn.

Ông Huỳnh Ngọc Hồ, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh An Giang cho biết, điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo tại Điều 5, Khoản 2, Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ, quy định “Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở NN-PTNT và cơ quan liên quan tổ chức hậu kiểm kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo trên địa bàn của thương nhân sau khi được cấp giấy chứng nhận”.

Thế nhưng thực tế tại An Giang, không ít doanh nghiệp xuất khẩu gạo có cơ sở xay xát, chế biến… được cấp giấy chứng nhận nhưng vẫn “nằm im”, không hoạt động mà có mục đích làm những dự án khác.

Trong khi đó, theo ông Huỳnh Ngọc Hồ, thẩm quyền của Sở Công thương khi hậu kiểm, không được kiểm tra lại những cơ sở này. Do đó, ngành công thương địa phương không có giải pháp, chế tài để xử lý đối với những cơ sở này, gây ảnh hưởng chung đến hoạt động kinh doanh, xuất khẩu gạo của tỉnh An Giang.

Ông Huỳnh Ngọc Hồ đề xuất Bộ Công Thương có văn bản giao Sở Công Thương các địa phương kiểm tra, báo cáo, đề xuất đến Bộ hướng giải quyết với những doanh nghiệp không đủ năng lực trên. Tạo điều kiện cho những doanh nghiệp khác, có tiềm lực thực chất tham gia xuất khẩu, góp phần tiêu thụ lượng lúa hàng hóa lớn ở tỉnh An Giang (trên 4 triệu tấn lúa/năm).

Liên quan vấn đề này, ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng, tại điểm d, Điều 1, Khoản 2, Nghị định số 107/2018/NĐ-CP đã quy định về việc thu hồi giấy chứng nhận, nếu thương nhận không đáp ứng hoặc không duy trì được các điều kiện kinh doanh, xuất khẩu gạo. Do đó, các sở ngành liên quan ở địa phương cần tăng cường phối hợp thực hiện công tác hậu kiểm.

Bên cạnh đó, hiện Bộ Công thương đang phối hợp với Bộ NN-PTNT trình Chính phủ Đề án thành lập Hội đồng lúa gạo Quốc gia. Nếu được thông qua, đây sẽ là tiền đề quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành hàng lúa gạo từ sản xuất đến xuất khẩu.

Bộ Công Thương ước tính, năm 2024, tổng lượng gạo xuất khẩu cả nước duy trì trên 8 triệu tấn, trong đó, khoảng 7,6 triệu tấn được xuất từ vùng ĐBSCL. Ảnh: Kim Anh.

Bộ Công Thương ước tính, năm 2024, tổng lượng gạo xuất khẩu cả nước duy trì trên 8 triệu tấn, trong đó, khoảng 7,6 triệu tấn được xuất từ vùng ĐBSCL. Ảnh: Kim Anh.

Tại TP Cần Thơ, mặc dù diện tích trồng lúa không lớn (khoảng 77 ngàn ha), tuy nhiên, thành phố tập trung nhiều các cơ sở chế biến, xuất khẩu lúa gạo của vùng ĐBSCL.

Thống kê của Sở Công thương TP Cần Thơ, hiện địa phương có 35/158 doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia xuất khẩu gạo trực tiếp, chiếm 22% doanh nghiệp xuất khẩu gạo cả nước. 8 tháng đầu năm 2024, sản lượng gạo xuất khẩu của TP Cần Thơ đạt trên 580 ngàn tấn.

Để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo, TP Cần Thơ đang triển khai xây dựng và hoàn chỉnh “Chợ gạo thương mại điện tử cấp vùng”. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu gạo xây dựng vùng nguyên liệu, kết nối chuỗi sản xuất, chế biến và phân phối sản phẩm. Đẩy mạnh xây dựng và phát triển thương hiệu gạo Cần Thơ.

Tại Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28/2/2022 về phê duyệt quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ, đồng bằng được định hướng, cần đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại từ khu thương mại – dịch vụ, trung tâm logistics đến hệ thống chợ dân sinh, hỗ trợ hiệu quả cho các trung tâm đầu mối về nông nghiệp.

Đồng thời, chú trọng xây dựng hệ thống kho chứa, bảo quản nông sản, đảm bảo đủ tiêu chuẩn. Phát triển thương mại điện tử, thương mại biên giới để mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hoá và thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm nông sản có thế mạnh.

Xem thêm
Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương làm Phó Bí thư Tỉnh ủy
Cà Mau

Ông Nguyễn Đức Hiển được điều động, chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau, nhiệm kỳ 2020-2025.

Vì sao đây là thời điểm tốt nhất để mua VinFast VF 7?

Loạt chính sách mới được công bố dành cho khách hàng mua VinFast VF 7 đang khiến nhiều người có ý định chốt cọc VF 7 hồ hởi.

Hải Phòng thiệt hại gần 11.000 tỷ đồng do bão số 3

HẢI PHÒNG UBND thành phố Hải Phòng vừa báo cáo Bộ NN-PTNT tình hình thiệt hại và công tác khắc phục hậu quả bão số 3 và hoàn lưu do bão trên địa bàn.

Hậu phương vùng lũ quét Làng Nủ

Người phụ nữ nhanh nhẹn như con thoi chạy qua chạy lại giữa hai điểm trường Làng Nủ; chiếc điện thoại lúc nào cũng nóng ran bởi các cuộc điện thoại liên tục đổ về.