Trong đó có ý kiến cho rằng cần phải cấp chứng chỉ hành nghề cho những nhà giáo đang làm công tác giảng dạy, để quản lý tốt hơn loại nghề nghiệp rất đặc thù này.
Ảnh minh họa |
Ý kiến trên lập tức gây nên những phản ứng trong xã hội, đặc biệt là của những nhà giáo. Là những người đang đứng lớp, tất cả các nhà giáo đều đã tốt nghiệp các trường cao đẳng sư phạm hay đại học sư phạm. Còn những người làm công tác quản lý thì ngoài những bằng cấp đó ra, còn phải tốt nghiệp một lớp đào tạo về quản lý giáo dục nữa. Những bằng cấp đó, chính là những chứng chỉ cao nhất, quan trọng nhất rồi còn gì nữa? Cấp chứng chỉ hành nghề cho nhà giáo? Thế thì lại phát sinh ra một hệ tiêu chuẩn để soi vào đó mà cấp cho người này, không cấp cho người kia. Căn cứ nào để xác lập hệ tiêu chuẩn đó? Những người được cấp chứng chỉ mới được quyền đứng lớp. Thế còn những người không được cấp chứng chỉ, thì sao? Có buộc họ thôi việc được không? Trong một xã hội đầy dẫy tiêu cực này, làm như thế, sẽ ngay lập tức phát sinh ra nạn “chạy chứng chỉ”, và thế là những kẻ có quyền ký cấp chứng chỉ cho các nhà giáo sẽ vơ đầy túi.
Nói rằng cấp chứng chỉ để quản lý giáo viên được tốt hơn ư? Hoang đường. Các nhà giáo hiện nay vẫn đang chịu sự quản lý vô cùng chặt chẽ của các cấp từ cơ sở đến trung ương. Ngoài nhà trường, thì huyện có phòng giáo dục, tỉnh có sở giáo dục, trung ương có bộ giáo dục. Từng ấy cơ quan, với hàng vạn con mắt, vẫn chưa “xiết” các nhà giáo đến nghẹt thở ư, còn “quản” thêm cái gì nữa ?
Nói phải cấp chứng chỉ cho các nhà giáo để tránh tình trạng người giỏi thì không có việc làm, người dốt lại có ư? Lại càng hoang đường hơn. Ai cũng nhận thấy đúng là trong xã hội hiện đang có tình trạng đó. Nhưng cái chứng chỉ thì giải quyết được gì? Tất cả đều phụ thuộc vào tiền. Có tiền chạy việc thì dốt vẫn có việc làm, và ngược lại. Không một ai thoát khỏi việc đó. Đó là một tình trạng mà dù chưa bao giờ bắt được tận tay, day được tận trán, đang khiến các cơ quan chức năng đau đầu, nhưng ai cũng thấy, cũng biết. Một giáo viên chỉ xin chuyển từ tỉnh này về tỉnh khác thôi, đã mất vài ba trăm triệu rồi, nói gì đến người mới ra trường đến xin việc ?
Vả lại, tình trạng người giỏi không có việc làm, người dốt lại có việc, đâu chỉ xẩy ra với ngành giáo dục. Hơn ba trăm ngàn bằng tốt nghiệp đại học chính quy bị bỏ xó, vì chủ của chúng thất nghiệp, trong khi hàng ngàn kẻ sử dụng bằng giả vẫn chễm chệ trong các cơ quan kia, chính là câu trả lời hùng hồn nhất.
Xin các ông, nếu rỗi việc thì hãy pha cà phê mà uống, đừng làm khổ các nhà giáo thêm nữa. Họ đã quá khổ rồi.