Kiểm tra, đánh giá tình hình sụt lún, sạt trượt
Theo báo cáo kết quả kiểm tra thực tế của UBND huyện Lâm Hà về tình hình sụt lún, sạt trượt tại khu vực thi công hồ chứa nước Đông Thanh, đến ngày 28/7, cơ quan chức năng xác định xuất hiện thêm nhiều vết nứt mới trong khu vực đất của 3 hộ dân, chiều rộng của các vết nứt phát triển rộng đến 50cm và vết nứt đã lan rộng đến phạm vi thiết kế đường tránh ngập của dự án; theo chiều dọc của các vết nứt đã xảy ra sụt lún đất, vị trí sụt lún đất lớn nhất là 1,5m.
Trước đó, vào rạng sáng ngày 1/7, cơ quan chức năng phát hiện tại khu vực sườn đổi vai phải đập nằm ngoài và sát với khu vực thi công xây dựng gói thầu số 13, hồ chứa nước Đông Thanh xuất hiện một số vết nứt có chiều rộng từ 20 - 30cm ngang qua khu vực sản xuất và sinh sống của 3 hộ dân.
Đến ngày 5/8, tại khu vực sạt trượt không phát sinh thêm các vết nứt mới, tuy nhiên, tình trạng sụt lún đất theo các vết nứt cũ vẫn tiếp diễn. Chiều rộng của vết nứt rộng nhất là 1m, chiều sâu sụt lún đất lớn nhất là 3m.
Từ ngày 6/8 đến nay, do thời tiết khu vực sạt trượt nắng ráo nên tình trạng sạt trượt và sụt lún đất có xu hướng chậm lại, các vết nứt không phát triển thêm.
Đến nay, đã có 9 hộ dân với hơn 53,8 nghìn m2 đất sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng. Trong đó, có 4 hộ dân bị ảnh hưởng về nhà ở và đã được bố trí nơi ở tạm thời.
Ngoài ra, cụm công trình đầu mối của dự án hồ chứa nước Đông Thanh cũng bị ảnh hưởng. Báo cáo ngày 15/8 của UBND huyện Lâm Hà cho biết, hạng mục tràn xả lũ xuất hiện vết nứt giữa tường cánh thượng lưu bên phải và ngưỡng tràn từ trên đỉnh xuống mặt sân trước tràn, chiều rộng vết nứt lên đến 1cm; vết nứt đáy giao giữa dốc nước số 1 và dốc nước số 2 phát triển rộng đến 5 cm; cống tiêu nước mặt bị xoắn biến dạng…
Triển khai giải pháp thực hiện xử lý sụt lún, sạt trượt
Để khẩn trương xử lý sự cố sụt lún, sạt trượt đất tại khu vực thi công hồ chứa nước Đông Thanh, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo UBND huyện Lâm Hà và các đơn vị có liên quan đưa ra các giải pháp kỹ thuật và tổ chức thực hiện để hạn chế ảnh hưởng của sự cố đến an toàn của công trình.
Giải pháp xử lý trước mắt được đưa ra bao gồm: Khơi thông rãnh thoát nước mặt và dẫn nước tập trung về cống tiêu nếu bị bồi lấp; tạo mới các rãnh thoát nước mặt dẫn nước về phía hạ lưu công trình; đắp đất tạo mái taluy tường tràn phía vai trái đập nhằm tăng tính ổn định cho tràn xả lũ; xem xét thêm giải pháp đắp đất vào trong lòng tràn nhằm tăng trọng lượng tràn, chống đẩy nổi tràn do áp lực từ khối đất sạt trượt gây nên.
Về giải pháp xử lý lâu dài, để xác định chính xác nguyên nhân và đề xuất phương án xử lý đối với khu vực sạt trượt, hiện đơn vị tư vấn thiết kế (Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng Thủy lợi 3) đã thực hiện xong công việc khảo sát địa hình; đo địa vật lý bằng phương pháp ảnh khu vực sạt trượt, đã khoan xong 12 hố/21 hố khoan cần phải thực hiện để đảm bảo đủ số liệu địa chất khi xây dựng phương án xử lý. Dự kiến đến ngày 30/8 sẽ có kết quả thí nghiệm địa chất của tất cả các hố khoan và đề xuất phương án xử lý.
Tuy nhiên đối với giải pháp đắp đất vào trong lòng tràn, Sở NN-PTNT kiến nghị các đơn vị thực hiện cần phải tính toán khả năng tháo lũ của tràn để không ảnh hưởng đến an toàn của công trình đầu mối. Bên cạnh đó, chuẩn bị các phương án, nhân lực, máy móc, phương tiện để xử lý khối đất đắp này nếu có tình huống xuất hiện lũ xảy ra, chỉ thực hiện phương án này nếu có đầy đủ cơ sở khoa học, đảm bảo tuyệt đối an toàn, chịu trách nhiệm toàn diện nếu để xảy ra sự cố.
Đồng thời, khẩn trương xem xét giải pháp hạ thấp mực nước ngầm để giảm áp lực của khối trượt tác động đến cụm công trình đầu mối, thiết kế xong kết cấu rãnh thoát nước để triển khai thực hiện ngay.
Trong quá trình thực hiện các nội dung nêu trên, Sở NN-PTNT cũng đề nghị đơn vị tư vấn thiết kế phải có thiết kế, tính toán cụ thể và lấy ý kiến các chuyên gia thống nhất trước khi triển khai thực hiện, đảm bảo tuyệt đối an toàn về người và phương tiện.
Sở NN-PTNT cũng kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chấp thuận cho thành lập Tổ chuyên gia tổ chức đánh giá và đưa ra giải pháp xử lý đối với sạt trượt nằm trong và ngoài phạm vi hồ chứa nước Đông Thanh để đảm bảo an toàn, ổn định cho công trình trước khi tích nước và trong quá trình vận hành.