| Hotline: 0983.970.780

Xử phạt người vi phạm Chỉ thị 16 số tiền 841 triệu đồng

Thứ Bảy 10/07/2021 , 21:37 (GMT+7)

TP.HCM Trong 2 ngày thực hiện Chỉ thị 16, TP.HCM đã xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp vi phạm tổng số tiền 841 triệu đồng.

Chốt chặn ra vào TP.HCM. Ảnh: Trần Trung.

Chốt chặn ra vào TP.HCM. Ảnh: Trần Trung.

Tại buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM chiều 10/7, ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết, từ 0h ngày 9/7 đến 17h hôm nay (10/7), UBND 22 quận, huyện và Thành phố Thủ Đức đã xử phạt hành chính 841 triệu đồng đối với người vi phạm quy định phòng, chống dịch theo Chỉ thị 16.

Theo ông Từ Lương, các lỗi vi phạm chủ yếu là hành vi ra khỏi nhà khi không cần thiết; mở cửa kinh doanh mặt hàng phải tạm dừng và tập trung đông người nơi công cộng.

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, cho biết Thành phố đã thiết lập 266 chốt kiểm soát tại các quận, huyện, TP.

Về xử lý các trường hợp vi phạm, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM khẳng định, chỉ xử phạt người cố tình vi phạm. Với các trường hợp vô tình vi phạm như những người không quen biết nhau tập trung, dồn ứ tại một điểm, lực lượng chức năng chỉ nhắc nhở.

“Những trường hợp cố tình, lực lượng chức năng nhắc nhở, không chấp hành mới xử phạt, còn vô tình nhưng bị dồn ứ hoặc tụ tập do một sự kiện gì đó thì chỉ bị nhắc nhở”, Thượng tá Lê Mạnh Hà nói.

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM. Ảnh: T.N.

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM. Ảnh: T.N.

Cũng theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, trên địa bàn TP.HCM đã thiết lập 12 trạm chốt chặn kiểm soát cấp thành phố và cấp quận huyện, triển khai 266 chốt. Số chốt kiểm soát tăng lên dần để kiểm soát thực hiện nghiêm Chỉ thị 16. 

Theo thống kê, tính đến 12h trưa nay, tại các chốt kiểm soát đã có 51.890 lượt phương tiện lưu thông, bao gồm ô tô, mô tô, xe tải và 33.624 người.

Công an TP.HCM cùng các lực lượng đã kiểm tra và nhắc nhở 863 trường hợp và lập biên bản xử phạt 203 trường hợp về các lỗi gồm không đeo khẩu trang, ra đường không có lý do chính đáng, mở cửa kinh doanh hàng hóa không thiết yếu.

Thượng tá Nguyễn Văn Bình, Phó Trưởng phòng PC08. Ảnh: T.N.

Thượng tá Nguyễn Văn Bình, Phó Trưởng phòng PC08. Ảnh: T.N.

"Tại các chốt kiểm soát, đa số người lái xe chấp hành nghiêm quy định về y tế, khẩu trang, có giấy xét nghiệm âm tính. Những trường hợp không có giấy xét nghiệm bắt buộc phải quay đầu lại. Trong hai ngày đã có 782 trường hợp xe bắt buộc phải quay đầu", Thượng tá Nguyễn Văn Bình, Phó trưởng phòng PC08, Công an TP.HCM thông tin thêm.

Thượng tá Nguyễn Văn Bình cũng lưu ý, người dân khi qua các chốt kiểm dịch phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, khai báo y tế khi ra khỏi nhà. Đồng thời, khi đi qua các chốt kiểm soát, bắt buộc phải mang theo giấy tờ tùy thân, giấy tờ liên quan đến phương tiện, các giấy tờ để xác nhận công tác, tuân thủ nguyên tắc 5K.

Trước đó, ngày 8/7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã ký Công văn 2279 về việc áp dụng Chỉ thị 16 trên toàn thành phố kể từ 0h ngày 9/7, trong vòng 15 ngày.

Theo đó, các loại phương tiện công cộng, xe hợp đồng, xe ôm, xe hai bánh vận chuyển hành khách có sử dụng công nghệ đều tạm dừng hoạt động.

Các dịch vụ bán đồ ăn mang về cũng phải tạm ngưng. TP.HCM đã chuẩn bị đủ hàng hóa để cung ứng cho người dân, kể cả thực phẩm chế biến sẵn. Chính quyền TP.HCM cũng khuyến cáo người dân không tích trữ lương thực, thực phẩm, gây tập trung đông người tại các điểm mua, bán nhu yếu phẩm.

“Luồng xanh” cho phương tiện vận chuyển hàng hóa, chuyên gia, công nhân

Ngày 8/7, UBND TP.HCM có văn bản số 2288 hướng dẫn tạo thuận lợi "luồng xanh" cho phương tiện vận chuyển hàng hóa và vận chuyển chuyên gia, công nhân trong thời gian TP.HCM thực hiện Chỉ thị số 16.

Theo đó, UBND TP.HCM đề nghị UBND các tỉnh thuộc vùng Đông Nam bộ, Tây Nam bộ chỉ đạo Sở GT-VT tổng hợp, cung cấp danh sách xe vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh, hàng hóa thiết yếu, hàng hóa đến các cảng biển, đầu mối ...; danh sách xe chở công nhân, chuyên gia cùng với thông tin các phương tiện giao thông đi qua địa bàn TP.HCM cho Sở GT-VT TP.HCM để thực hiện cấp Giấy nhận diện cho phương tiện, tạo "luồng xanh" cho các phương tiện vận chuyển được ưu tiên.

Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở GT-VT.TP.HCM Võ Khánh Hưng, hiện nay nhiều người dân còn chưa nắm rõ việc phân "luồng xanh" và việc cấp giấy nhận diện với biểu mẫu có gắn QR code để qua các chốt.

Mục đích của việc cấp mã QR code với các xe chở hàng hóa và chở các chuyên gia từ ngoài tỉnh và TP.HCM để qua các chốt không bị ùn ứ. Đồng thời, ở một số chốt sẽ có "làn xanh" ưu tiên để lưu thông khi thực hiện nhiệm vụ.

Giấy nhận diện này cũng sẽ hỗ trợ các phương tiện lưu thông vào giờ cấm để kịp thời cung ứng hàng hóa và thi hành nhiệm vụ.

Theo ông Hưng, hiện nay có một số chốt có mặt bằng không đủ điều kiện để lập làn xanh như QL22 giáp Củ Chi, Tây Ninh; QL13 giáp Bình Dương… Do đó, đối với xe chỉ chạy trong TP.HCM thì không cần xin phép, ngoại trừ muốn chạy vào giờ cấm.

Từ ngày 9/7 đến nay, Sở GT-VT TP.HCM đã cấp hơn 8.100 giấy phép cho các đơn vị được phép. 

Xem thêm
Tổng Bí thư tiếp Đại sứ Úc Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt

Chiều 23/12, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt, kết thúc nhiệm kỳ công tác.

Xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD, kỳ vọng vào 2025

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tổ chức Lễ mừng xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD năm 2024, kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn trong năm 2025.

Muốn khôi phục sản xuất cần giãn nợ, mở rộng chính sách bảo hiểm nông nghiệp

Khoanh nợ, giãn nợ, bổ sung gói vay mới, mở rộng chính sách bảo hiểm trong nông nghiệp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất bền vững.