| Hotline: 0983.970.780

Xuất hiện cơn bão số 2 trên Biển Đông

Thứ Ba 02/07/2019 , 10:35 (GMT+7)

Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão ngoài Biển Đông, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai tổ chức họp chỉ đạo công tác ứng phó sáng 2/7.

Bản đồ dự báo đường di chuyển của cơn bão số 2.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, hiện áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông tiếp tục di chuyển về phía quần đảo Hoàng Sa. Sáng sớm 2/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 18,2 độ Vĩ Bắc; 113,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 190km về phía Bắc Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 80km tính từ tâm vùng áp thấp nhiệt đới.

Trong ngày hôm nay, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km và có khả năng mạnh lên thành bão, trở thành cơn bão số 2 hoạt động trên Biển Đông trong năm 2019. Áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông được dự báo mạnh lên thành bão số 2 trong ngày hôm nay.

Đến 1h ngày 3/7, vị trí  tâm bão ở khoảng 19,5 độ Vĩ Bắc; 110,8 độ Kinh Đông, ngay trên bờ biển phía Đông đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 11. Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 17,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 109,0 độ Kinh Đông.

Ảnh vệ tinh vùng áp thấp nhiệt đới nguy cơ thành cơn bão số 2 trên Biển Đông.

Theo dự báo xa, bão số 2 sẽ tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và tiếp tục có khả năng mạnh thêm. Đáng nói, bão số 2 được dự báo có khả năng đi vào vùng biển các tỉnh từ Quảng Nam đến Nam Định trong ngày 4/7.

Do vậy, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, với việc hình thành, phát triển ngay trên Biển Đông trong thời gian ngắn và kết hợp các yếu tố như nhiệt độ bề mặt nước biển cao, tương tác với các hệ thống thời tiết ở lục địa nên diễn biến của áp thấp nhiệt đới sẽ rất phức tạp, có khả năng thành bão rất lớn và di chuyển về phía đất liền nước ta, ảnh hưởng trực tiếp gây gió mạnh ở vùng ven biển, mưa rất lớn, lũ quét, sạt lở đất trên khu vực Bắc bộ, Bắc Trung Bộ trong khoảng ngày 3-4/7.

Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai cảnh báo mưa lớn, lũ quét ở miền Trung và miền núi phía Bắc. Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp đi qua khu vực Bắc bộ kết hợp với rìa phía Tây của áp thấp nhiệt đới nên trong ngày hôm nay, 2/7, Bắc bộ và các tỉnh Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa, riêng khu vực Nam đồng bằng Bắc bộ và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có giông (lượng mưa phổ biến 30-70mm/12 giờ, có nơi trên 100mm/12 giờ). Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Đặc biệt, sau thời gian dài nắng nóng, đất bị khô nứt, đặc tính của đất bị phá vỡ và cháy rừng đã xảy ra ở khu vực Bắc miền Trung, bề mặt thảm phủ bị suy giảm, mưa lớn trên diện rộng gây nguy cơ cao xảy ra lũ quét, lũ do nghẽn dòng, lũ bùn, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng các tỉnh vùng núi phía Bắc, từ Thanh Hóa đến Quảng Bình; đặc biệt là các tỉnh Lai Châu, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Thanh Hóa đến Quảng Bình.

Nguy cơ mưa, bão, lốc tại khu vực Hà Nội trong ngày 2-3/7.

Ngày 3-4/7, vùng núi Bắc bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to (lượng mưa phổ biến 50-150mm/đợt, có nơi trên 200mm/đợt); từ đêm nay đến ngày 3/7, các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam có mưa vừa, mưa to (lượng mưa phổ biến 50-100mm/đợt).

Trên các sông suối khu vực Bắc bộ, từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 2-5m. Mực nước đỉnh lũ trên sông Thao có khả năng đạt báo động 1, các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh còn dưới báo động 1.

Tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài – Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết trước diễn biến phức tạp của áp thấp nhiệt đới, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã có công điện số 05/CĐ-TW ngày 01/7/2019 chỉ đạo Bộ ngành địa phương ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lớn, tổ chức các đoàn kiểm tra công tác phòng chống thiên tai Cao Bằng, Lạng Sơn (27-28/6), Hà Giang, Tuyên Quang (1-3/7), ông Trần Quang Hoài yêu cầu tăng cường công tác thông tin tới chính quyền và người dân đặc biệt khu vực miền núi, khu vực vùng sâu vùng xa, khu du lịch, biển và hải đảo. Trong ngày 2/7, Tổng cục Phòng chống thiên tai sẽ cử đoàn công tác kiểm tra hệ thống đê biển đê sông tại Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu kết luận tại cuộc họp.

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương không được chủ quan, thực hiện nghiêm công điện số 05/CĐ-TW của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT, tăng cường công tác trực ban theo dõi diễn biến tình hình để có ứng phó kịp thời; Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo chính xác về diễn biến bão và thông tin dự báo cảnh báo tới các địa phương, đặc biệt đối với khu vực miền núi phía Bắc có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất cần có các thông tin cảnh báo 72h, 48h, 24h tới cấp huyện; Đảm bảo công tác an toàn tàu thuyền, lồng bè đặc biệt tại khu vực neo đậu, tránh trú an toàn, khu nuôi trồng thủy hải sản, các khu du lịch; có phương án đảm bảo công tác tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp trong trường hợp mưa lớn cực đoan; có giải pháp kiểm tra đảm bảo an toàn hồ chứa, hệ thống đê điều và công trình thủy lợi đặc biệt các công trình đang thi công; Bộ Ngoại giao chủ động liên hệ với các nước trong khu vực hỗ trợ cho ngư dân tránh trú an toàn trong tình huống khẩn cấp.

Theo báo cáo của các đại biểu tham dự cuộc họp, các Bộ ngành thường xuyên theo dõi tình hình diễn biến và có công điện chỉ đạo ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lớn.

Tại các tỉnh, thành phố trong vùng có khả năng ảnh hưởng cũng đã có công điện để ứng phó với áp thấp nhiệt đới.

Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng đã phối hợp với địa phương tổ chức kiểm đếm, thông báo hướng dẫn cho các chủ tàu thuyền để chủ động phòng tránh; có 7.886 tàu/39.738 người đang hoạt động trên biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh; 20.755 tàu/63.529 người neo đậu tại các bến; 3.526 lồng bè, lều, chòi canh/4.654 người.

Tổng cục Thủy lợi rà soát đảm bảo an toàn hệ thống hồ chứa và công trình thủy lợi đặc biệt các công trình đang thi công. Tổng cục Phòng chống thiên tai rà soát kiểm tra đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Yên Bái: Cảnh tan hoang những ngôi nhà bị mưa đá, giông lốc tàn phá

Ngày 28/3, tại tỉnh Yên Bái đã xảy ra mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nhiều nhà ở và cây cối hoa màu các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên và Văn Chấn.

Bình luận mới nhất