Cơ hội thoát nghèo
Trước năm 2018, gia đình bà Kiều Thị Vy (sinh năm 1968) ở khu phố Nhuận An, phường Hoài Hương (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) là hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Chồng bà, ông Trần Văn Quang (sinh năm 1967) trong người mang hàng loạt căn bệnh hiểm nghèo như hở van tim 2 lá, đái tháo đường, dạ dày… chiếm phần lớn thời gian cuộc đời của ông Quang là sống trong bệnh viện.
Vừa lo cho chồng đau bệnh vừa lo cho mẹ già đã ngoài 80 tuổi, trong khi thu nhập hàng ngày của bà Vy chỉ dựa vào gánh bánh tráng bán dạo, cuộc sống của gia đình ngày càng đi vào ngõ cụt. Con trai bà Vy là Trần Thương Tài (sinh năm 1998) ước nguyện được xuất khẩu lao động tại Nhật Bản để làm kiếm tiền phụ giúp cho cha mẹ, nhưng ngặt nỗi nhà không có tiền.
Sau khi được vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách thị xã Hoài Nhơn, bà Vy làm thủ tục cho con trai đi Nhật lao động. Sau gần 5 năm nỗ lực làm việc, anh Tài không chỉ gửi tiền về cho mẹ trả trước hạn nợ vay ngân hàng, mà còn có tiền lo kinh phí mổ tim cho cha, sửa sang lại nhà cửa khang trang. Ngoài ra, anh Tài còn sắm cho mẹ 1 gian hàng buôn bán tại chợ, từ đó cuộc sống của gia đình bà Vy được ổn định, khấm khá dần lên, năm 2021 gia đình bà thoát nghèo.
Cùng cảnh ngộ, hộ ông Hà Văn Tiến (sinh năm 1970) ở thôn Xuân Vinh, xã Hoài Mỹ (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) cũng là hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn không kém gì gia đình bà Vy trước đây. Bệnh suy tim bám riết ông Tiến đã gần 8 năm, nhưng ông không có điều kiện phẫu thuật. Vợ ông là bà Lê Thị Hương (sinh năm 1972) quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” trên đồng ruộng, nuôi thêm đàn gà, con heo nhưng vẫn cứ thiếu trước hụt sau. Chi phí cho con gái út đang theo học đại học ở TP.HCM là gánh nặng “ngàn cân” càng làm oằn vai người phụ nữ nông thôn.
Nhận thấy khó khăn ngày càng chồng chất lên cuộc sống gia đình, năm 2020, chị Hà Thị Nhất Sang (sinh năm 2000), con ông Tiến đành từ giã nhà trường, về quê làm thủ tục vay 70 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Hoài Nhơn làm thủ tục đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. Sau 2 năm đầu làm việc trong ngành chế biến thực phẩm, chị Sang đã gửi tiền về cho ba mẹ trả trước hạn nợ vay ngân hàng, trang trải kinh phí phẫu thuật tim cho ba, sửa sang lại nhà cửa. Năm 2023, gia đình ông Hà Văn Tiến thong dong thoát nghèo.
Theo thống kê, từ năm 2020 đến tháng 6/2023, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách thị xã Hoài Nhơn đã giải ngân vốn vay cho 81 lao động đi làm việc ở nước ngoài với số tiền hơn 6,5 tỷ đồng đồng. Tổng dư nợ đến giữa năm 2023 là gần 3,5 tỷ đồng với 52 lao động còn đang dư nợ. Trong đó, số lao động làm việc tại thị trường Nhật Bản chiếm gần 100%. Đây là con số ấn tượng cho thấy những nỗ lực của thị xã Hoài Nhơn trong công tác tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn xuất khẩu lao động để thoát nghèo, cải thiện kinh tế gia đình.
Nhật Bản là thị trường chủ lực
Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Bình Định, báo cáo của các doanh nghiệp có chức năng đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài tại Bình Định cho thấy, trong năm 2022, Bình Định có 704 lao động tham gia xuất khẩu lao động, đạt 100,6% so với kế hoạch, tăng 34,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tín hiệu vui cho thấy thị trường xuất khẩu lao động đang phục hồi khả quan sau một thời gian ảm đạm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Nhật Bản tiếp tục là thị trường dẫn đầu trong tiếp nhận lao động của Bình Định. Trong 704 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2022 có đến 664 lao động đi làm việc theo hợp đồng tại Nhật Bản, chiếm 94,3%; Hàn Quốc 1 lao động; Đài Loan 26 lao động và các nước khác 13 lao động.
Kết quả tích cực trong năm 2022 đã hứa hẹn năm 2023 xuất khẩu lao động ở Bình Định thêm khởi sắc. Để thúc đẩy, Sở LĐ-TB&XH Bình Định phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các buổi tuyên truyền, tư vấn về đào tạo nghề, giới thiệu việc làm trong và ngoài nước cho quân nhân là người Bình Định đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự xuất ngũ về địa phương.
Theo nhận định của các doanh nghiệp có chức năng đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, bộ đội xuất ngũ là lực lượng lao động chất lượng rất được các thị trường lao động nước ngoài ưa chuộng. Bởi, lực lượng lao động này đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp nước ngoài về tính kỷ luật, sức khỏe, chịu khó, độ tuổi và trình độ.
Việc thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ lao động tham gia xuất khẩu lao động của Bình Định cũng góp phần tạo đà cho xuất khẩu lao động, ví như chính sách hỗ trợ người lao động vay vốn làm thủ tục đi xuất khẩu lao động. Trong năm 2022, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Bình Định đã hỗ trợ 128 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài vay vốn với tổng số tiền là 10,8 tỷ đồng, tăng 9,1 tỷ đồng so với năm 2021.
“Chúng tôi đang phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện quy trình '3-ON' là khai hồ sơ online, phỏng vấn online, đào tạo online để triển khai các đơn hàng tuyển dụng, giúp giảm các chi phí đi lại cho người có nhu cầu xuất khẩu lao động”, ông Đặng Văn Phụng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bình Định cho hay.