Theo Chi cục Hải quan tỉnh Tuyên Quang, hiện nay các mặt hàng nông lâm sản xuất khẩu của tỉnh Tuyên Quang có thế mạnh là chè, các sản phẩm đồ gỗ và các mặt hàng được làm từ nguyên liệu gỗ. Trong 10 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu của các mặt hàng nông, lâm sản của tỉnh Tuyên Quang đạt hơn 229 triệu USD, tăng 69% so với cùng kỳ năm ngoái.
Những mặt hàng nông, lâm sản có đóng góp lớn giúp tăng giá trị xuất khẩu gồm bột giấy với tổng giá trị hơn 19 triệu USD, giấy đế hơn 19 triệu USD, gỗ ván dán hơn 64 triệu USD, chè 605 nghìn USD…
Ông Phạm Văn Toàn, Chi cục Phó Chi cục Hải quan Tuyên Quang cho biết, nguyên nhân của việc các mặt hàng nông, lâm sản xuất khẩu tăng cao là sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, các nước đã mở cửa thông thoáng các hoạt động xuất nhập khẩu trở lại. Các đối tác, bạn hàng đã dần bắt nhịp hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại.
Cùng với đó, thị trường đồ gỗ và lâm sản tại một số quốc gia nhu cầu tăng cao cũng khiến cho việc xuất khẩu gặp nhiều thuận lợi. Đặc biệt thời gian gần đây thị trường Trung Quốc thông thoáng các cửa khẩu khiến nhiều mặt hàng lâm sản được tiêu thụ thuận lợi. Trong khi đó, vùng nguyên liệu gỗ của Tuyên Quang được cấp chứng chỉ FSC ngày càng được mở rộng.
Trong các mặt hàng xuất khẩu của tỉnh Tuyên Quang thì ngành hàng xuất khẩu gỗ và những nguyên liệu từ gỗ đang chiếm ưu thế tuyệt đối. Bởi trên thực tế, Tuyên Quang là tỉnh có thế mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp nổi bật. Địa phương này đang hướng đến mục tiêu trở thành cứ điểm của ngành gỗ cả nước.
Phát huy lợi thế về rừng tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều chính sách phát triển kinh tế lâm nghiệp khá hiệu quả. Nổi bật nhất là tỉnh triển khai các cơ chế chính sách thông thoáng để thu hút đầu tư.
Trên địa bàn tỉnh đã có 8 nhà máy chế biến lớn đã đi vào hoạt động, gồm: Nhà máy giấy và bột giấy An Hòa 130.000 tấn/năm; Nhà máy chế biến gỗ Tuyên Quang 5.000 m3/năm; Nhà máy chế biến gỗ xã Thái Bình, huyện Yên Sơn 20.000 m3/năm; Nhà máy sản xuất đũa tre, giấy đế và bột giấy huyện Ha Hang 7.500 tấn sản phẩm/năm... Tổng vốn đầu tư là, của các công trình dự án hơn 1.328 tỷ đồng, dự kiến thời gian hoàn thành giai đoạn 1 và đi vào hoạt động vào tháng 1/2024.
Tại Công ty Cổ phần giấy An Hòa, trong 10 tháng đầu năm công ty đã thực hiện xuất khẩu các mặt hàng như giấy photo copy, giấy in chưa tráng phủ, bật giấy hóa học từ gỗ, bột tẩy trắng với tổng giá trị hơn 25 triệu USD.
Ông Hoàng Minh Sơn, Giám đốc hành chính nhân sự Nhà máy Bột giấy và giấy An Hòa cho biết, hiện nay nguồn nguyên liệu chủ yếu được công ty thu mua là mua dăm. Công ty vẫn giữ nguyên giá là 2,5 triệu/tấn với độ khô 100, với những nguyên liệu vừa chặt xuống có độ khô 50 thì giá thu mua bằng 1/2 mức giá trên.
Công ty luôn bám sát giá của thị trường, đảm bảo người dân không bị bất lợi và vẫn đảm bảo nguồn nguyên liệu cho hoạt động sản xuất của đơn vị. Hiện ngoài việc ưu tiên trong phục vụ nguồn nguyên liệu trong nước, nhiều mặt hàng sản xuất chế biến từ nguyên liệu gỗ của công ty xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện toàn tỉnh Tuyên Quang có 8.588 ha chè, sản lượng trên 71.700 tấn/năm. Tuyên Quang có 3 công ty, nhà máy sản xuất chế biến chè gồm Công ty cổ phần chè Sông Lô, Công ty cổ phần chè Tân Trào và Công ty cổ phần chè Mỹ Lâm. Ngoài ra còn có nhiều HTX, tổ hợp tác sản xuất kinh doanh chè. Những năm gần đây, ngành chè Tuyên Quang đã có nhiều nỗ lực để nâng cao thương hiệu cũng như giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm chè thô chưa qua sơ chế, và chưa vào được các thị trường khó tính.
Ông Lê Quang Chuyền, Giám đốc Công ty chè Mỹ Lâm cho biết, nâng cao giá trị các mặt hàng chè xuất khẩu ngoài sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của EU và Nhật Bản như đã cam kết với Tập đoàn Unilever thì phải thực hiện những yêu cầu mang tính nhân văn của Chương trình phát triển nông nghiệp bền vững.
Theo đó, công ty luôn hướng tới mục tiêu phát triển kinh doanh đi đôi với quan tâm thực hiện tự giác 10 nguyên tắc gồm: Bảo vệ môi trường, bảo tồn hệ sinh thái, bảo vệ động vật hoang dã, bảo tồn nguồn nước, đối xử công bằng và điều kiện làm việc người lao động, sức khỏe nghề nghiệp và an toàn lao động, quan hệ cộng đồng, quản lý sâu bệnh tổng hợp IPM, quản lý và bảo tồn đất và quản lý rác thải tổng hợp.
Nâng cao vị thế và giá trị của nông lâm sản địa phương, tỉnh Tuyên Quang đang hoạch định các chiến lược, chính sách phù hợp nhằm đồng hành cùng với cộng đồng doanh nghiệp xây dựng chiến lược phát triển một cách bài bản. Trong chiến lược này, tỉnh đặc biệt ưu tiên việc ứng dụng công nghệ mới, công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh; tập trung vào chế biến sâu, thiết lập hệ thống số trong các kênh bán hàng để mở rộng kết nối thị trường.