Chế biến tôm XK |
Những thông tin tại hội thảo cho thấy nếu không chuẩn bị sớm ngay từ bây giờ, các DN tôm Việt Nam sẽ gặp thêm nhiều khó khăn khi XK tôm sang Mỹ kể từ sau ngày 31/12/2018.
Chương trình giám sát NK thủy sản (SIMP) của Mỹ yêu cầu khai báo và lưu giữ hồ sơ đối với hàng thủy sản NK nhằm ngăn chặn các sản phẩm đánh bắt bất hợp pháp, không được báo cáo và không được kiểm soát hoặc giả mạo xâm nhập thị trường Mỹ. Như vậy, SIMP của Mỹ cũng tương tự như chương trình chống khai thác IUU của EU.
Có 13 loài, nhóm loài thủy sản nằm trong phạm vi điều chỉnh của SIMP thuộc danh mục các loài có nguy cơ cao về khai thác IUU và gian lận thương mại gồm: bào ngư, cá tuyết Đại Tây Dương, cua xanh (Đại Tây Dương), cá nục heo, cá mú, cua hoàng đế (đỏ), cá tuyết Thái Bình Dương, cá hồng, hải sâm, cá mập, tôm, cá kiếm, cá ngừ (vây dài, mắt to, ngừ vằn, vây vàng và vây xanh). Theo danh mục này, các đối tượng bị ảnh hưởng chính ở Việt Nam bao gồm: tôm (gồm cả khai thác và nuôi), cá kiếm, cá ngừ (mắt to, vây vàng, ngừ vằn), ghẹ xanh.
Theo bà Celeste Leroux (Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ - NOAA), sau ngày 31/12/2018, tôm và bào ngư NK vào Mỹ sẽ bắt buộc phải tuân thủ những quy định của SIMP, gồm: cấp phép, báo cáo dữ liệu và lưu giữ hồ sơ. Đến thời điểm này, vẫn chưa biết tôm và bào ngư NK vào Mỹ có được gia hạn thêm thời gian thực hiện SIMP hay không. Vậy nên các DN XK tôm Việt Nam phải chuẩn bị hồ sơ truy xuất nguồn gốc cho các lô hàng tôm sang Mỹ ngay từ bây giờ. Để sau ngày 31/12/2018, khi các lô hàng tôm cập cảng Mỹ, đã có đầy đủ hồ sơ truy xuất nguồn gốc theo quy định của SIMP.
Khi SIMP có hiệu lực, cơ quan chức năng ở Mỹ sẽ làm việc trực tiếp với nhà NK để truy tìm hồ sơ, nguồn gốc lô hàng thủy sản NK. Vì vậy, sau ngày 31/12/2018, để được NK tôm vào Mỹ, các nhà NK buộc phải có Giấy phép Thương mại Thủy sản Quốc tế. Để có giấy phép này, nhà NK phải là thường trú nhân, có địa chỉ doanh nghiệp ở Mỹ. Giấy phép có thời hạn 1 năm và được gia hạn từng năm. Nhà NK có trách nhiệm lưu giữ hồ sơ ghi chép về thu hoạch và chuỗi hành trình của sản phẩm. Để có được tất cả hồ sơ về lô hàng, nhà NK cần được sự cung cấp đầy đủ và kịp thời của nhà XK.
Quy định về nhà NK như trên đang gây ra nỗi lo ngại cho các DN XK tôm Việt Nam. Theo phản ánh của nhiều doanh nhân ngành thủy sản, để XK tôm sang Mỹ, nhiều DN Việt Nam đang thông qua các đại lý NK trung gian để họ làm thủ tục hải quan ở Mỹ. Nhưng những đại lý này lại không làm các thủ tục về SIMP. Mặt khác, rất ít đại lý như vậy lại là thường trú nhân ở Mỹ, nên không đáp ứng quy định của SIMP về nhà NK. Hiện nay, chỉ có rất ít DN tôm Việt Nam đặt văn phòng đại diện hay mở chi nhánh ở Mỹ để làm các thủ tục NK tôm từ công ty tại Việt Nam. Từ nay đến tháng 12 chỉ còn 5 tháng, không kịp để các DN tôm Việt Nam mở chi nhánh hay cơ quan đại diện ở Mỹ để làm các thủ tục NK theo quy định của SIMP.
Trước những nỗi lo ngại đó, bà Celeste Leroux khuyến nghị các nhà XK tôm Việt Nam nên tìm những nhà môi giới NK trung gian là thường trú nhân ở Mỹ, có Giấy phép Thương mại Thủy sản Quốc tế, để làm thủ tục NK tôm theo quy định của SIMP.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, về hồ sơ truy xuất nguồn gốc cho các lô tôm, các DN tôm Việt Nam không e ngại lắm. Bởi để XK tôm được bền vững sang Mỹ hay EU, lâu nay, nhiều DN tôm Việt Nam đã thực hiện theo các tiêu chuẩn như BAP, ASC, mà trong đó đều có yêu cầu về truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, so với 12 loài, nhóm loài thủy sản khác (chủ yếu từ khai thác) trong danh sách của SIMP, thì tôm có đặc thù riêng biệt là tôm nuôi chiếm tỷ lệ cao. Việc NOAA đưa tôm vào danh sách của SIMP có lẽ chủ yếu để ngăn chặn các gian lận trong thương mại tôm hơn là chống IUU. Vì vậy, NOAA cần có những quy định cụ thể, phù hợp hơn đối với con tôm để các nhà XK tôm sang Mỹ có thể thực hiện được. |