| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 02/03/2017 , 08:49 (GMT+7)

08:49 - 02/03/2017

Y đức của những người quản lý y tế

Chính sách bảo hiểm y tế hiện gặp phải những vấn đề vướng mắc về cơ chế. Đó là trách nhiệm chủ yếu của những người làm công tác quản lý nhà nước về y tế.

Trong phiên Giải trình việc khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế do Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức hôm qua, căn cứ vào số liệu của Hệ thống thông tin giám định y tế điện tử, Thứ trưởng Bộ Tài chính kiêm Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, bà Nguyễn Thị Minh đã nêu ra những con số mà bà cho rằng các vị đại biểu ngồi xung quanh sẽ rất ngạc nhiên vì tính chất không bình thường của nó.

Đó là có 1,2 triệu người đi khám bệnh từ 2 lần trở lên trong 1 tháng. Là 83.000 lượt người khám hàng tuần. Có 3 triệu lượt người khám bệnh trong 1 ngày. Nhiều trường hợp khám để lấy thuốc trên 100 lần trong 8 tháng…

Đó là số lượt khám ở trạm y tế xã bị giảm 14,1% so với năm 2015. Khám ở tuyến huyện tăng 15 triệu lượt so với 2015, tương ứng 27,7%.

Năm 2016, số lượt khám thông tuyến ở tuyến huyện là 18 triệu lượt người, tăng 9,4 triệu lượt người so với 2015. Các cơ sở y tế tư nhân thì tăng 3 lần. Có những bệnh viện cấp tỉnh xin xuống hạng 3, tức là cấp huyện, để được hưởng chính sách thông tuyến cấp huyện. Đúng kiểu chuyện “ngược đời”!

Những con số biết nói. Và nó “nói” rằng, từ khi áp dụng chính sách khám, chữa bệnh thông tuyến cấp huyện (đã được 1 năm), thì các cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên, đã thực sự quá tải do lượng bệnh nhân tăng đột biến, rồi tình trạng lạm dụng, trục lợi bảo hiểm, rồi cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ sở y tế như khuyến mại, tặng quà bệnh nhân (!).

Nguyên nhân là do cơ chế chính sách chậm sửa đổi bổ sung, dẫn đến những vướng mắc khó khăn trong chi phí thanh toán khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Như là Quy chế bệnh viện theo Quyết định 1895 từ năm 1997, phương pháp xác định số ngày điều trị nội trú chưa hợp lý, chưa ban hành được “gói” dịch vụ y tế trong phạm vi được thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế, văn bản chưa đồng bộ và thống nhất với Quy định của Luật Khám chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế, chưa phân loại xếp hạng các bệnh viện tư…

Việc thông tuyến giữa các bệnh viện là một chủ trương rất đúng đắn, và cần phải đẩy nhanh hơn nữa. Điều này đòi hỏi trách nhiệm và quyết tâm cao của những người làm công tác quản lý nhà nước về y tế.

Y đức là khái niệm cần có dành cho những người làm trong ngành y. Vậy y đức  với họ là gì? Thì đúng như lời của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: “Với những người làm quản lý nhà nước ở các cấp về y tế, thì y đức cao nhất là làm hoàn thiện các văn bản quy phạm và công tác chỉ đạo, để các chủ trương được thực hiện tốt nhất”.