| Hotline: 0983.970.780

Yên Bái giảm hộ nghèo thần kỳ

Thứ Ba 28/12/2021 , 14:32 (GMT+7)

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Yên Bái đã giảm được 50.002 hộ, đây là một việc làm thần kỳ chưa từng thấy…

Ngôi nhà của gia đình chị Hoàng Thị Tâm, thôn Khuôn La, xã Tân Hương, huyện Yên Bình sau khi thực hiện Chương trình xóa nhà dột nát. Ảnh: Thái Sinh.

Ngôi nhà của gia đình chị Hoàng Thị Tâm, thôn Khuôn La, xã Tân Hương, huyện Yên Bình sau khi thực hiện Chương trình xóa nhà dột nát. Ảnh: Thái Sinh.

Tỉnh Yên Bái vừa tổng kết đánh giá kết quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 và đề ra kế hoạch giảm nghèo giai đoạn 2022- 2025.

Là một tỉnh miền núi, kinh tế Yên Bái chậm phát triển, thống kê năm 2015 theo Quyết định 59/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì Yên Bái có 65.374 hộ nghèo trên tổng số 202.949 hộ, chiếm 32,21%, hộ cận nghèo 15.640 hộ, chiếm 7,71%. Trong đó hai huyện vùng cao Mù Cang Chải và Trạm Tấu tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 75%.

Để giảm hộ nghèo một cách bền vững, trong 5 năm qua tỉnh Yên Bái đã huy động mọi nguồn lực đầu tư cho Chương trình 19.649,8 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương 1.261,2 tỷ đồng; kinh phí lồng ghép các dự án, đề án, Chương trình giảm nghèo 18.388,6 tỷ đồng, bao gồm các nguồn vốn: Ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, vốn ODA, NGO, vốn đóng góp của cộng đồng, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân…

Với nguồn vốn đó thực hiện các chương trình 30a hỗ trợ đầu tư cho các huyện nghèo xây dựng 99 công trình thủy lợi, giao thông, nước sinh hoạt, 182 dự án phát triển SX, với 97.042 lượt hộ tham gia chăm sóc bảo vệ 221.035,7 ha rừng, tổng kinh phí 106,77 tỷ đồng.

Chương trình 135 đã đầu tư 769,93 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển 564 tỷ đồng để xây dựng 714 công trình giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường học…; hỗ trợ 19.787 lượt hộ mua 5.115 con trâu bò, 10.070 con lợn, 423.441 con gia cầm; hỗ trợ 1.086 hộ làm chuồng trại, 7.386 máy móc, 9.475 lượt hộ giống cây ăn quả, giống cỏ chăn nuôi…

Ngoài hỗ trợ trực tiếp, tỉnh Yên Bái còn ban hành nhiều chính sách giản nghèo, trong đó có chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi. Giai đoạn 2016-2020, Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay ưu đãi 3.809,7 tỷ đồng cho 190.654 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn. Năm 2021, Ngân hàng Chính sách cho 80.000 lượt hộ vay trên 3.600 tỷ đồng, trong đó có 2.324 lượt hộ nghèo.

Ông Giàng A Di, dân tộc Mông thôn Tàng Ghênh, xã Pá Lau, huyện Trạm Tấu cho biết: Gia đình tôi vay Ngân hàng Chính sách 50 triệu đồng cộng với tiền của gia đình đã mua 4 ha đất trồng quế và mua trâu bò để phát triển sản xuất. Nhờ đó, gia đình tôi hiện có 10.000 cây quế, 3.000m2 ruộng và đàn trâu 3 con. Sau 4 năm thì trả nợ hết ngân hàng, năm ngoái được công nhận thoát nghèo, năm nay gia đình tôi xây được ngôi nhà trị giá 200 triệu đồng.

Đàn lợn của gia đình anh Lò Văn Tân vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội. Ảnh: Thái Sinh.

Đàn lợn của gia đình anh Lò Văn Tân vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội. Ảnh: Thái Sinh.

Anh Lò Văn Tân ở bản Noong Phai, xã Phúc Sơn huyện Văn Chấn cho biết: "Khi tôi lấy vợ, bố mẹ chia cho mảnh đất để làm nhà ở cùng mấy sào ruộng. Thiếu đói quanh năm, lúc nào hết việc đồng thì tôi đi làm thuê kiếm tiền về mua gạo nuôi vợ con. Khổ quá mà không biết kêu ai.

Vợ chồng tôi bèn bàn nhau vay vốn Ngân hàng Chính sách mua một con trâu mẹ về nuôi, sau một năm thì trâu mẹ đẻ một con, hơn một năm sau thì bán trâu trả nợ ngân hàng, năm sau trâu mẹ lại đẻ thêm một con trâu nữa, bán con trâu đó được 25 triệu lấy vốn làm ăn.

Chúng tôi mua lợn, gà và thức ăn chăn nuôi… Mỗi năm thu nhập từ chăn nuôi cũng được vài chục triệu, từ đó mới có tiền làm nhà, xây dựng chuồng trại. Đến nay nhà tôi có 5 con trâu, 6 con lợn mỗi con 50-60kg, đàn dê 5 con…Ối dô, bây giờ thì không đói nữa rồi, không nghèo nữa…"

Ngoài ra, tỉnh Yên Bái đưa ra một loạt chính sách: Hỗ trợ phát triển sản xuất để phát triển chăm sóc 78.000 ha quế, 6.600 ha măng tre Bát Độ, 10.000 ha sơn tra, 9.754 ha cây ăn quả, 2.280 lồng cá, 130.000 con trâu bò, 220.000 ha rừng trồng… Riêng năm 2021 hỗ trợ 647 cơ sở chăn nuôi theo hướng SX hàng hóa, 17 dự án phát triển liên kết…

Chính sách hỗ trợ nông dân xây dựng các sản phẩm OCOP quảng bá sản phẩm. Ảnh: Thái Sinh.

Chính sách hỗ trợ nông dân xây dựng các sản phẩm OCOP quảng bá sản phẩm. Ảnh: Thái Sinh.

Chính sách hỗ trợ người nghèo về nhà ở, giai đoạn 2016- 2020 đã hỗ trợ 6.365 hộ nghèo xây nhà, với số tiền 224,83 tỷ đồng.

Chính sách hỗ trợ lao động - việc làm đã hỗ trợ 101.309 người được đào tạo nghề, trong đó có 26.874 lao động là bà con dân tộc thiểu số. Riêng năm 2021 giải quyết việc làm cho 19.800 lao động, đào tạo 18.000 người có tay nghề.

Với hàng loạt chương trình đầu tư, hỗ trợ SX, đào tạo nghề… tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Yên Bái từ 32,21% năm 2015 đến năm 2020 chỉ còn 7,04%. Số hộ nghèo còn 15.372 hộ, giảm 50.002 hộ. Tính ra trung bình mỗi năm tỉnh Yên Bái giảm 10.000 hộ nghèo.

Đây là một điều thần kỳ chưa từng thấy trong mấy chục năm qua. Từ đó, nhiều vùng quê đã thay đổi căn bản, những ngôi nhà lá lụp xụp đang ngày càng vắng bóng, thay vào đó là các ngôi nhà xây khang trang xuất hiện ngày càng nhiều ở các vùng rừng hẻo lánh. 

Xem thêm
Hội Hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ kỷ niệm 70 năm quan hệ ngoại giao

TP.HCM Ngày 15/11, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP.HCM, Hội Hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ tổ chức gặp mặt kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước.

Ngành NN-PTNT khu vực ĐBSCL đạt và vượt nhiều chỉ tiêu

ĐBSCL Ngày 14/11, tại cảng Du thuyền TP Mỹ Tho diễn ra hội nghị tổng kết thi đua các khối Sở NN-PTNT vùng ĐBSCL lần thứ VIII năm 2024.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Ghi ở 'thủ phủ' phế liệu Hà Nội [Bài 1]: Khi rác nhựa là nguồn sống

Gần nửa thập kỷ qua, nghề phân loại, tái chế rác nhựa đã biến phân nửa làng nghề hương tăm truyền thống ở Xà Cầu thành 'thủ phủ' phế liệu lớn nhất thủ đô.