Trong bối cảnh ô nhiễm môi trường đang là vấn đề cấp thiết, tỉnh Yên Bái đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (BVMT) đến năm 2030, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, thân thiện với hệ sinh thái địa phương.

Tỉnh Yên Bái đã triển khai xử lý rác thải sinh hoạt bằng men vi sinh. Ảnh: Thanh Ngà.
Thực hiện Quyết định số 1639/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Yên Bái đặt mục tiêu ứng dụng mạnh mẽ công nghệ sinh học vào công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn. Việc triển khai Đề án sẽ góp phần kiểm soát ô nhiễm, nâng cao chất lượng môi trường sống, đồng thời tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Theo kế hoạch, tỉnh ưu tiên phát triển các giải pháp sinh học xử lý chất thải nông nghiệp, y tế, công nghiệp và sinh hoạt. Đặc biệt, việc ứng dụng các chế phẩm vi sinh trong xử lý rác thải chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản quy mô nhỏ đến công nghiệp sẽ được chú trọng. Ngoài ra, tỉnh cũng hướng tới phục hồi hệ sinh thái tự nhiên thông qua công nghệ sinh học như: cải tạo đất, xử lý nguồn nước và bảo vệ đa dạng sinh học.
Một trong những mục tiêu quan trọng được nêu rõ, phấn đấu đến năm 2030, tăng tối thiểu 10% số doanh nghiệp sản xuất các chế phẩm sinh học ứng dụng trong xử lý chất thải. Song song đó, tỉnh sẽ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho lĩnh vực này, thông qua các chương trình đào tạo chuyên sâu, tập huấn ngắn hạn và hợp tác quốc tế.
Cùng với đó, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm công nghệ sinh học cũng sẽ được đầu tư đồng bộ. Tỉnh sẽ thúc đẩy hoạt động liên kết giữa viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp để chuyển giao công nghệ hiệu quả, phù hợp với thực tiễn địa phương.
Về chính sách, Yên Bái sẽ xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý nhằm khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong bảo vệ môi trường. Tỉnh cũng đặt trọng tâm vào thu hút đầu tư từ cả trong và ngoài nước, nhất là các dự án có tính khả thi cao, ứng dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường.
Hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng cũng sẽ được đẩy mạnh. Các mô hình ứng dụng công nghệ sinh học tiêu biểu sẽ được phổ biến rộng rãi để người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận và áp dụng trong thực tiễn sản xuất, sinh hoạt.
Việc triển khai kế hoạch được phân công rõ ràng cho các sở, ngành, địa phương, trong đó Sở Nông nghiệp và Môi trường đóng vai trò thường trực, theo dõi, tổng hợp và báo cáo định kỳ kết quả thực hiện. Các huyện, thị xã, thành phố sẽ chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.