| Hotline: 0983.970.780

2014, xuất khẩu lao động lên 90.000 chỉ tiêu

Thứ Sáu 06/12/2013 , 09:31 (GMT+7)

Năm 2014, dự kiến có nhiều ngành nghề, lĩnh vực phải thu hẹp quy mô SX. Thế nhưng lĩnh vực XK lao động lại tăng lên gần 90.000 chỉ tiêu, chủ yếu nhóm ngành nghề chế tạo điện cơ, dệt, nuôi trồng thủy sản.

Năm 2014, dự kiến có nhiều ngành nghề, lĩnh vực phải thu hẹp quy mô SX. Thế nhưng lĩnh vực XK lao động lại tăng lên gần 90.000 chỉ tiêu, chủ yếu nhóm ngành nghề chế tạo điện cơ, dệt, nuôi trồng thủy sản. Ông Đào Công Hải (ảnh), Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH đã chia sẻ với NNVN vấn đề này.

Mở thêm thị trường xuất khẩu lao động

Là cơ quan quản lý cao nhất về lĩnh vực xuất khẩu lao động, ông có nhận định thế nào về thị trường xuất khẩu lao động năm 2014?

Nếu như năm 2013, chúng tôi chỉ xin Chính phủ cấp 85.000 chỉ tiêu thì năm 2014 này, đã lên gần 90.000 chỉ tiêu, trong đó dẫn đầu là thị trường Đài Loan trên 30.000 chỉ tiêu; Nhật Bản từ 8.000-10.000 chỉ tiêu; Hàn Quốc trên 10.000 chỉ tiêu...

Ngành nghề thu hút đông lao động nhất vẫn là nhóm lao động phổ thông có tay nghề cao trong sản xuất chế tạo điện cơ, điện lạnh, may, dệt, lắp ráp điện tử. Riêng nghề nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, vận tải biển, đánh bắt cá vẫn đang có nhu cầu cao tại hai thị trường là Hàn Quốc và Đài Loan.

Ngoài ra, hai thị trường mới là Angola và Thái Lan, trong năm nay chúng tôi cũng xúc tiến để hai bên ký Biên bản ghi nhớ về tuyển dụng lao động giữa hai nước. Đây sẽ là văn bản pháp lý cao nhất khẳng định cam kết của hai Chính phủ về việc tiếp tục duy trì mối quan hệ hợp tác lao động giữa hai nước. Và cũng là “tấm thẻ” bảo vệ mọi quyền lợi hợp pháp của người lao động khi làm việc ở nước ngoài.

Thị trường Đài Loan luôn dẫn đầu về số lượng lao động đi xuất khẩu. Ông nói sao về thị trường hấp dẫn này?

Thị trường này dễ tìm kiếm việc làm, điều kiện sống gần giống Việt Nam, chi phí sang không quá cao, ngoài 1.000 USD tiền ký quỹ thì chỉ phải đóng 4.500 USD đối với nghề sản xuất chế tạo, 3.800 USD đối với nghề giúp việc gia đình.

Tuy nhiên, tôi cũng biết, người lao động không bao giờ chạm được mức đóng thấp như thế bởi phải trả nhiều khoản phí dành cho “môi giới”.

Nhằm chấn chỉnh hiện tượng này, hiện nay, Cục đang phối hợp với nhiều cơ quan chức năng kiểm tra doanh nghiệp khiến người lao động trả chi phí cao khi đi xuất khẩu Đài Loan để có hình thức xử phạt hành chính. Mới nhất, Cục đã xử phạt 10 doanh nghiệp có vi phạm như vừa trao đổi với nhà báo, yêu cầu trong thời gian 15 ngày phải có giải trình và nộp phạt theo quy định.

Siết chặt chế tài

Ông có cho rằng, chính vì mức phạt quá thấp khiến các doanh nghiệp “nhờn”?

Đúng vậy, bởi chỉ mức phạt từ 30-50 triệu đồng thì doanh nghiệp vẫn chấp nhận được để rồi tái phạm. Vì vậy, chúng tôi vừa có cuộc họp bàn với nhiều bộ, ngành liên quan ở những nước mà người lao động sẽ sang làm việc để ký biên bản làm việc đặc biệt, trong đó sẽ siết chặt hơn các quy định xử phạt này.

Tăng lượng lao động XK, vậy cần thiết phải siết chặt chế tài thế nào để giảm thiểu lao động bỏ trốn?

Với tinh thần cương quyết giảm tỷ lệ lao động bỏ trốn, mới đây ngành đã ban hành hai văn bản mang tính chất chế tài mạnh: đó là Nghị định 95 (có hiệu lực từ ngày 1/10/2013) về vấn đề xử phạt các lao động làm việc trong nước, trong đó, sẽ phạt từ 80-100 triệu đồng nếu có 1 trong 3 hành vi sau: trốn ngay sau khi xuống sân bay Hàn Quốc; phá hợp đồng trong quá trình làm việc và hết hạn hợp đồng nhưng không chịu về nước. Theo Thông tư hướng dẫn, mức phạt này chính thức áp dụng sau ngày 10/1/2014.

Văn bản thứ 2 là Quyết định 1465 của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm đối với lao động VN trước khi đi làm việc ở Hàn Quốc phải ký quỹ 100 triệu đồng. Vừa qua Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Tài chính đã ký Thông tư liên tịch hướng dẫn để thực hiện từ ngày 28/12/2013. Như vậy từ nay trở đi, lao động xuất khẩu lần đầu tiên hay tái xuất khẩu cũng đều phải đóng khoản tiền này.

Riêng năm 2014, ngoài 2 văn bản trên, Cục sẽ tăng cường giáo dục, tuyên truyền cho doanh nghiệp, người lao động nhiều hơn nữa. Ngoài ra, Cục cũng kết hợp với Hiệp hội xuất khẩu lao động đánh giá, chấm điểm các doanh nghiệp theo bộ Quy tắc ứng xử. Qua đó tìm ra những mặt còn hạn chế để nhanh chóng khắc phục.

Bỏ trốn nhiều, không cấp chỉ tiêu

Mới đây Cục liên tiếp tổ chức nhiều buổi hội thảo, tọa đàm để tuyên truyền cho người dân hiểu biết về cái được - cái mất nếu như con em họ bỏ trốn khi đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc. Phản ứng của địa phương như thế nào, thưa ông?

Sau khi tổ chức Hội nghị ở khoảng 30 địa phương, gặp gỡ các Ban chỉ đạo XKLĐ và gia đình có con em đang lao động bất hợp pháp ở Hàn Quốc chưa về nước thì tỷ lệ lao động bỏ trốn đã giảm từ 55% xuống còn 45,9%. Tuy nhiên, tỷ lệ giảm vẫn còn quá nhỏ so với yêu cầu của nước bạn.


Người lao đông nộp hồ sơ đăng ký dự thi tiếng Hàn tại Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội

Nhiều địa phương nói rằng, lý do người lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc bởi muốn thêm thu nhập. Ngoài ra, chính những ưu việt như có thể tự học tiếng một cách dễ dàng; chi phí thấp (khoảng 1.200 USD/người), rồi những chế tài rất “mở” như không phải ký quỹ, không phải đặt cọc, chỉ cần viết bản cam kết sẽ về nước đúng hạn... cũng là lý do khiến cho nhiều lao động lựa chọn thị trường này.

Đối với những địa phương đang nằm trong danh sách “đỏ” bởi tỷ lệ lớn lao động bỏ trốn ở Hàn Quốc, năm nay Cục có chính sách gì không?

Cả nước hiện có 178 doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu lao động và tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký tuân thủ theo bộ Quy tắc ứng xử ngày càng gia tăng. Năm 2012 có 20 doanh nghiệp, năm 2013 có 30 doanh nghiệp.

Trong văn bản yêu cầu người lao động phải ký quỹ trước khi đi xuất khẩu lao động nói rõ: lao động của địa phương nào bỏ trốn thì tiền ký quỹ đó sẽ được sung vào Quỹ phát triển việc làm địa phương đó.

Ngoài ra, Nghị định 95 cũng có nhiều điều khoản nhằm hạn chế tình trạng bỏ trốn của lao động. Hy vọng đây là 2 văn bản đủ sức răn đe có thể giảm thiểu tỷ lệ lao động bỏ trốn như hiện nay. Nếu địa phương nào vẫn có tỷ lệ người lao động bỏ trốn tăng cao thì Cục sẽ tạm ngưng cấp chỉ tiêu đi làm việc ở nước ngoài ở nhiều thị trường khác nhau.

Dư luận lo ngại trước một số thông tin nói rằng, cuộc sống bên Nhật Bản không đúng như những gì mà họ ký kết với chủ xuất khẩu. Lo lắng này liệu có cơ sở không, thưa ông?

Hiện nay, cả nước có khoảng 80 doanh nghiệp được cấp phép đưa lao động VN sang Nhật Bản dưới hình thức tu nghiệp sinh. Song, tôi cũng nhận được nhiều nguồn tin cho hay, nhiều cháu mượn danh du học rồi sang đó kiếm tiền.

Trong khi theo quy định của Nhật Bản, du học sinh được phép đi làm trong khoảng thời gian nhất định. Nếu vượt thời gian đó sẽ bị coi như người lao động bình thường và bị phạt rất nặng. Lúc đó, sự an toàn tính mạng, rủi ro trong nghề nghiệp sẽ không được chính phủ Nhật Bản quan tâm và chịu trách nhiệm.

Xin cảm ơn ông! 

Tính đến hết tháng 11/2013, đã có 78.664 lao động được đi xuất khẩu (đạt 92,5% chỉ tiêu kế hoạch năm 2013), trong đó dẫn đầu là thị trường Đài Loan: 4.319 lao động (1.796 lao động nữ); Nhật Bản: 989 lao động (425 lao động nữ); Hàn Quốc: 697 lao động (155 lao động nữ); Malaysia: 654 lao động (215 lao động nữ); Liên bang Nga: 23 lao động (7 lao động nữ); UAE: 582 lao động (14 lao động nữ); Lào: 208 lao động (56 lao động nữ); Campuchia: 179 lao động (52 lao động nữ); Macao: 271 lao động (262 lao động nữ); Belarusia: 63 lao động (0 lao động nữ); Singapore: 56 lao động và các thị trường khác...

Xem thêm
Hơn 15 tỷ USD sản phẩm nông nghiệp đã được xuất khẩu

Lũy kế tới 15/4, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nghiệp của Việt Nam đã đạt hơn 15 tỷ USD. Trong đó, có 6 mặt hàng đạt giá trị tỷ USD.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên

Chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên 2024 sẽ được tổ chức tại TP Nha Trang từ ngày 23 – 24/5.

Bình luận mới nhất