| Hotline: 0983.970.780

Hải Phòng đặt mục tiêu 'tổ hợp' cảng biển lớn nhất nhì Việt Nam và khu vực

Thứ Sáu 26/04/2024 , 06:00 (GMT+7)

Những năm gần đây, thành phố Hải Phòng đã phát huy lợi thế về cảng biển, logicstics để phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên còn nhiều việc phải bàn.

Nhiều lợi thế nhưng chưa đồng bộ

Hải Phòng có nhiều lợi thế vượt trội về cảng biển để phát triển ngành dịch vụ logistics khi hội tụ đủ các loại hình giao thông: đường biển, đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường hàng không. Về cảng biển, Hải Phòng có nhiều bến cảng với hệ thống thiết bị hiện đại, có tiềm năng cho sự phát triển của ngành dịch vụ logistics như: lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn nhất phía Bắc.

Trong những năm gần đây, nắm bắt xu hướng dịch chuyển trong vận chuyển hàng hóa bằng container, các bến cảng chuyên dụng đối với hàng container được hình thành ngày càng nhiều, đưa Hải Phòng trở thành điểm trung chuyển container lớn thứ 2 cả nước.

Hải Phòng có nhiều cảng biển hiện đại.

Hải Phòng có nhiều cảng biển hiện đại.

Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng logistics có khả năng kết nối cao giữa các phương thức vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển và đường hàng không, từ đó rất thuận tiện để kết nối vận tải đa phương thức.

Tuy vậy, sự kết nối đồng bộ trong các phương thức vận tải chưa cao. Hải Phòng có đủ năm phương thức vận chuyển, thế nhưng có tới hơn 80% sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển đều tiếp tục được lưu chuyển bằng đường bộ. Trong khi đó, vận tải thủy nội địa với nhiều ưu điểm, đặc biệt giúp giảm chi phí 20 - 25%, còn rất nhiều tiềm năng so vận tải đường bộ, lại chưa được phát huy.

Hải Phòng có hơn 50 bến cảng, tất cả đều có thể tiếp nhận được phương tiện thủy vào xếp, dỡ hàng hóa, nhưng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển bằng phương tiện thủy rất thấp. Nguyên nhân do tuyến luồng từ Hải Phòng đi các tỉnh phía Bắc độ sâu hạn chế, nhiều cầu bắc qua sông thấp, không phù hợp cho các phương tiện thủy chở container đi qua.

Còn hệ thống vận tải hàng hóa container bằng đường sắt cũng đã rất lạc hậu, chưa kết nối tới hệ thống cảng mới Đình Vũ - Lạch Huyện, mới chỉ giải quyết được khoảng 3% sản lượng hàng hóa các cảng tại đây.

Theo ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, hiện nay Hải Phòng chủ yếu sở hữu các doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ, năng lực cạnh tranh trên thị trường dịch vụ quốc tế và trong nước còn chưa cao.

Khởi công Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp và Khu phi thuế quan Xuân Cầu với tổng mức đầu tư là 11.100 tỷ đồng.

Khởi công Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp và Khu phi thuế quan Xuân Cầu với tổng mức đầu tư là 11.100 tỷ đồng.

Để thúc đẩy phát triển logistics xứng với các lợi thế vượt trội, theo các chuyên gia, Hải Phòng cần sớm lập quy hoạch đồng bộ giữa các phương thức vận tải. Phát triển sàn giao dịch vận tải nhằm kết nối tốt nhất các chủ hàng và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, tạo cơ sở cho doanh nghiệp logistics Việt Nam tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng.

Mặt khác, cần phải nâng cao năng lực của hệ thống kho bãi đáp ứng yêu cầu của các cảng biển cầu nối quan trọng của hoạt động logistics toàn cầu; kho bãi tập kết hàng hóa phải được thành phố ưu tiên phát triển; triển khai mạnh mẽ cơ chế một cửa quốc gia, cải cách thủ tục hành chính.

Hải Phòng hiện tại có hơn 50 bến cảng, những năm gần đây, Hải Phòng đã vươn lên trở thành trung tâm logistics cảng biển lớn nhất miền bắc, dịch vụ logistics đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 20-23%/năm, đóng góp vào sự tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố từ 13-15%/năm.

Từng bước nâng tầm

Hải Phòng đặt ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ trở thành trọng điểm kinh tế biển của cả nước, trung tâm dịch vụ logistics quốc gia, với hàng hóa thông qua cảng ước đạt 300 triệu tấn, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019 - 2025 đạt 15,1%/năm.

Đến năm 2030, trở thành trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao. Hàng hóa thông qua cảng ước đạt 600 triệu tấn.

Còn đến năm 2045, tiếp tục gia tăng tỷ trọng đóng góp của dịch vụ phục vụ hoạt động cảng biển, dịch vụ logistics vào GRDP góp phần đưa Hải Phòng trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.

Cảng Tân Vũ đón tàu lớn.

Cảng Tân Vũ đón tàu lớn.

Hiện thực hóa điều này, những năm qua, thành phố Hải Phòng dành nguồn lực lớn để tiếp tục đầu tư hoàn thiện đồng bộ, hiện đại hệ thống cảng biển và hệ thống kết nối liên vùng với hàng loạt các bến cảng đang được đầu tư xây dựng để từng bước đưa Hải Phòng trở thành “tổ hợp” cảng biển lớn nhất nhì cả nước và khu vực.

Mới đây, Hải Phòng khởi công dự án Khu phi thuế quan Xuân Cầu hơn 11 nghìn tỷ đồng. Việc hình thành KCN và khu phi thuế quan Xuân Cầu cùng hệ thống các cầu cảng nước sâu của Cảng quốc tế Lạch Huyện sẽ góp phần tạo nên cấu trúc ngày càng hoàn thiện về hạ tầng kỹ thuật, phát huy tối đa chuỗi giá trị của Cảng quốc tế Lạch Huyện cũng như khu phi thuế quan - logistics và công nghiệp ở khu vực này.

Hiện tại, Hải Phòng đang gấp rút hoàn thiện 4 bến cảng (3, 4, 5, 6), tại Lạch Huyện, sau khi hoàn thiện sẽ có thêm 2 bến nữa (bến số 7, 8) được khởi công xây dựng.

Theo ông Nguyễn Tường Anh - Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Hải Phòng, trong tương lai, dự án cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện của Cảng Hải Phòng sẽ được gấp rút triển khai.

Dự kiến khi đưa vào hoạt động khai thác trong Quý IV/2024, bến container số 3 và số 4 Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng sẽ góp phần nâng cao năng lực khai thác của Cảng Hải Phòng nói riêng và toàn bộ hệ thống cảng biển khu vực Hải Phòng nói chung, đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hoá vận chuyển bằng đường biển ngày càng tăng của các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.

Đón mã hàng đầu năm 2024 tại Công ty CP Cảng Hải Phòng.

Đón mã hàng đầu năm 2024 tại Công ty CP Cảng Hải Phòng.

Cùng với cảng Tân Vũ là cảng Container Quốc tế Tân cảng Hải Phòng (TC-HICT), là cảng nước sâu hiện đại, lớn nhất khu vực miền Bắc, có khả năng tiếp nhận và giải phóng các tàu container trọng tải lớn đi thẳng đến Hoa Kỳ và châu Âu.

Sau khi đi vào khai thác, hoạt động, cảng TC-HICT đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào công tác quản lý, khai thác cảng như, TOPOVN, thanh toán qua mạng (E-port) và lệnh giao hàng điện tử (EDO).

Để đáp ứng với sự phát triển nhanh chóng của cảng biển Hải Phòng tại Lạch Huyện, một tuyến đường sau cảng cũng sẽ được hình thành, kết nối với trục Tân Vũ - Lạch Huyện, giúp toàn bộ lượng hàng hóa ra vào các cảng thuận lợi, an toàn.

Có thể nói, Hải Phòng đang rất quyết tâm để tháo gỡ những khó khăn, hạn chế đang gặp phải để từng bước nâng tầm hệ thống cảng biển, phát huy tốt lợi thế hiếm có này. Nhìn lại 5 năm gần đây, có thể nói Hải Phòng đã và sẽ thay đổi từng ngày, tạo nên sức sống và tầm vóc mới.

Năm 2023, chỉ tính riêng khối cảng biển Hải Phòng đạt tổng lượng hàng hóa thông qua lên đến 97 triệu tấn, cao nhất từ trước tới nay. Trong đó, lượng hàng hóa chở bằng container đến cảng biển Hải Phòng cũng tăng cao, khi chi nhánh cảng Tân Vũ (Cảng Hải Phòng) và Cảng container quốc tế Tân Cảng Hải Phòng đều đạt trên 1 triệu teus container. Tới đây, lượng hàng hóa qua cảng biển Hải Phòng sẽ có sự tăng trưởng đột biến thông qua việc có thêm 4 bến cảng mới tại Lạch Huyện.

Xem thêm
Yêu cầu giới hạn định lượng thuốc nhuộm Sudan cho ớt xuất khẩu Đài Loan

Cùng với Trung Quốc, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, doanh nghiệp Việt Nam phải cung cấp báo cáo thử nghiệm về thuốc nhuộm Sudan, kèm ghi chú phương pháp thử, đơn vị thử nghiệm.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Bức tranh 'Chiến dịch Điện Biên Phủ' nhiều kỷ lục đến với người dân Thủ đô

Đây là bức tranh toàn cảnh đầu tiên tại Việt Nam, có quy mô lớn nhất Đông Nam Á với 4 trường đoạn tái hiện lịch sử hào hùng, bi tráng của dân tộc.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.