| Hotline: 0983.970.780

49 cán bộ Sở giao thông vận tải TP.HCM có nguy cơ mất việc trái pháp luật?

Thứ Năm 30/11/2017 , 13:42 (GMT+7)

49 cán bộ nhân viên của Phòng Quản lý sát hạch và cấp giấy phép lái xe (Sở GTVT - TP.Hồ Chí Minh) đang có nguy cơ mất việc vì bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động có dấu hiệu không minh bạch, khuất tất.

Sở GTVT – TP.HCM nơi có 49 người lao động đang có nguy cơ bị mất việc một cách khuất tất

Nhiều cán bộ Phòng Quản lý sát hạch và cấp giấy phép lái xe (gọi tắt là Phòng QLSHGPLX) vừa tới Báo NNVN tại TP.HCM phản ánh bức xúc vì có nguy cơ bị cho nghỉ việc trái pháp luật.

Chị V.V bức xúc: Tôi đã làm việc ở đây được hơn 10 năm rồi mà bị cắt ngang hợp đồng. Tôi và 48 anh, chị trong diện này đều bị sốc nặng vì cách làm có đầy uẩn khúc của lãnh đạo sở GTVT. Mong mỏi các cơ quan chức năng sớm vào cuộc xem xét một cách khách quan vụ việc để chúng tôi tiếp tục được làm việc theo đúng quy định của pháp luật.

Điều đáng nói, trong số những người bị Sở GTVT TP.HCM đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động lần này có hơn 50% lao động đã phục vụ cho Sở GTVT TP.HCM trên 15 năm, một số trường hợp đã phục vụ trên 20 năm.

Theo tìm hiểu của NNVN, trước đó ngày 10/11/2017 tại cuộc họp giữa Sở GTVT – TP.HCM và người lao động, lãnh đạo Sở GTVT cho biết: Căn cứ vào công văn 2843 ngày 29/7/2014 của Bộ Nội vụ về thực hiện đúng quy định của pháp luật về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; trong đó yêu cầu “Không thực hiện việc ký kết hợp đồng để làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong các cơ quan, tổ chức đơn vị hành chính” và Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 “Về tinh giảm biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức” để đưa ra phương án chấm dứt hợp đồng lao động với 49 nhân viên đang làm việc tại Phòng QLSHGPLX.

Sở GTVT-TP.HCM cũng chỉ đạo lãnh đạo Phòng QLSHGPLX làm việc với Hiệu trưởng Trường Cao đẳng GTVT TP.HCM tiếp nhận, ký hợp đồng với số nhân viên mà sở đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Sau đó, Sở GTVT ký hợp đồng với Trường Cao đẳng GTVT TP.HCM cung ứng lại số lao động trên làm công việc cũ cho sở.

Tại cuộc đối thoại, nhiều người lao động đã tỏ ra vô cùng bức xúc với cách giải quyết không thấu tình hợp lý mà sở đưa ra. Theo họ, sở giải quyết như vậy là trái luật (!?). Giải pháp chấm dứt hợp đồng lao động, chuyển 49 lao động Phòng QLSHGPLX sang Trường Cao đẳng GTVT TP.HCM lẽ ra phải được thay thế bằng giải pháp xét tuyển đặc cách những người lao động hiện có vào biên chế theo quy định tại điểm a, khoản i điều 14 Nghị định số 29/2012/NĐ/CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ. Ngoài ra, xét ở góc độ pháp luật lao động, việc áp dụng điều 44 Bộ luật Lao động 2012 để “cắt giảm nhân sự” khi mà thực chất người sử dụng lao động vẫn còn nhu cầu sử dụng là không phù hợp.

Ông C. một nhân viên làm việc đã hơn 15 năm bức xúc: Sở GTVT TP.HCM không thể cứng nhắc thực hiện theo công văn của Bộ Nội vụ. Vì đến nay, việc cấp đổi giấy phép lái xe đã chuyển từ hình thức thẻ giấy sang thẻ PET (thẻ nhựa). Sở GTVT cũng đã rà soát, cải tiến, hợp lý hoá các quy trình làm việc tại Phòng QLSHGPLX, nhưng do khối lượng đăng ký dự sát hạch và cấp, đổi giấy phép lái xe của người dân thành phố ngày càng cao, nên Sở GTVT vẫn cần phải duy trì lao động hợp đồng để thực hiện các công tác sát hạch, cấp, đổi giấy phép lái xe và thu phí, lệ phí tại 8 cơ sở cấp đổi của sở.

Ông C. cho rằng: Lãnh đạo sở GT-VT không thể “lách” theo kiểu chấm dứt hợp đồng rồi tuyển dụng lại và cung ứng lao động qua một đơn vị khác là Trường Cao đẳng GTVT TP.HCM. Vả lại việc cho thuê lại lao động phải được Bộ LĐ-TB-XH cho phép theo NĐ 55/2013 ngày 22/5/2013 của Chính phủ. Chúng tôi cho rằng, lãnh đạo Sở GTVT cần hiểu chính xác nội dung của mục 6 Công văn số 2843 ngàv 29/7/2014 của Bộ Nội vụ: “Không thực hiện việc ký hợp đồng lao động để làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong các tổ chức, đơn vị hành chính”. Như vậy, có phải những ai đang làm việc chuyên môn, nghiệp vụ trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị hành chính bằng hợp đồng lao động đều phải chấm dứt hợp đồng ngay thời điểm đó theo chỉ thị của Bộ Nội vụ nói trên? Nếu đúng như vậy tại sao Sở GTVT không chấp hành mà còn ký hợp đồng thêm 12 trường hợp từ năm 2014 đến nay (?!) Việc chấm dứt dứt hợp đồng và chuyển chúng tôi sang làm việc tại một đơn vị, tổ chức khác khi chưa thỏa thuận và chưa có sự đồng ý của chúng tôi là đơn phương chấm dứt hợp đồng không hợp tình hợp lý.

Theo Sở GTVT TP.HCM, công văn số 2843 ngày 29/7/2014 của Bộ Nội vụ về thực hiện đúng quy định của pháp luật về tuyển dụng và quản lý công chức có yêu cầu: “Không thực hiện việc ký hợp đồng lao động để làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong các cơ quan, tổ chức hành chính”. Vì vậy, sở đã có Công văn số 8997/SGTVT-TC ngày 7/6/2017 gửi Sở Nội vụ xin duy trì lao động hợp đồng đến hết năm 2017 và cơ chế đặt hàng cung ứng nhân sự để phục vụ công tác sát hạch cấp giấy phép lái xe.

Tuy nhiên, người lao động không đồng tình với cách giải quyết này vì họ cho rằng đó là quan hệ cho thuê lại lao động. Trường Cao đẳng GTVT TP.HCM là đơn vị cho thuê lao động, Sở GTVT - TP.HCM là bên thuê lao động và bên cuối cùng là người lao động. Vì vậy, việc thực hiện cho thuê lại lao động là trái luật và không thấu tình đạt lý.

 

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất