| Hotline: 0983.970.780

Cao su Đông Bắc đồng loạt chết giấc: Bài học đắt giá cho sự nôn nóng

Thứ Năm 24/03/2011 , 06:00 (GMT+7)

NNVN đã có nhiều bài nhấn mạnh cảnh báo cần phải có những bước đi thận trọng. Việc hàng loạt cánh rừng cao su ở phía Bắc bị rét đậm, rét hại tàn phá tiếp tục là một cảnh báo đắt giá cho sự nôn nóng, duy ý chí ở một số địa phương.

Liên quan đến việc phát triển cây cao su ở các tỉnh miền núi phía Bắc, ngay những ngày đầu tiên thực hiện trồng thí điểm, NNVN đã có nhiều bài nhấn mạnh cảnh báo cần phải có những bước đi thận trọng. Thời điểm này, hàng loạt cánh rừng cao su ở phía Bắc bị rét đậm, rét hại tàn phá tiếp tục là một cảnh báo đắt giá cho sự nôn nóng, duy ý chí ở một số địa phương.

>> Hà Giang: Trồng cao su, thu hoạch...củi

NNVN hôm qua (23/3) đã có bài phản ánh phần lớn diện tích trong hơn một nghìn hecta cao su ở Hà Giang đã bị đợt rét đậm, rét hại đốn hạ. Hà Giang không phải là tỉnh duy nhất bị đợt rét tàn phá mà ở rất nhiều tỉnh phía Đông và Tây Bắc, những cánh rừng cao su cũng đồng loạt chết giấc, trơ những cành, ngọn khô khốc, khẳng khiu...

Cao su chết ở Hà Giang.

Phát triển cao su ở miền núi phía Bắc (MNPB) là vấn đề mới, chưa có kinh nghiệm cả về khoa học kỹ thuật và tổ chức sản xuất nên Quyết định 750/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch phát triển cao su cả nước đến 2015 và tầm nhìn đến 2020 là “các tỉnh vùng Tây Bắc không phát triển theo phong trào, có bước đi phù hợp. Trên cơ sở đánh giá hiệu quả diện tích cao su đã trồng, các địa phương quyết định mở rộng diện tích ở những địa bàn có đủ điều kiện để đến năm 2020 toàn vùng đạt khoảng 50 nghìn ha”.

Để hạn chế tối thiểu tác hại của thời tiết, đảm bảo phát triển cao su MNPB có hiệu quả cao và bền vững cần tập trung một số giải pháp đối với vùng Tây Bắc, không quy hoạch trồng cao su ở độ cao trên 600m so với mực nước biển. Những vùng có độ cao dưới 600m nhưng thường xuất hiện sương muối hoặc thường xuyên có gió mạnh trong mùa Đông cũng không nên bố trí trồng cao su. Hiện tại vùng Đông Bắc chưa chính thức được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào quy hoạch cao su cả nước, do đó trước mắt các địa phương trong vùng chỉ nên phát triển ở quy mô thử nghiệm để rút kinh nghiệm mở rộng khi được phê duyệt quy hoạch bổ sung...

Để giúp các địa phương triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong phát triển cao su, Bộ NN-PTNT đã ban hành Thông tư số 58 hướng dẫn việc trồng cao su trên đất lâm nghiệp trong đó có quy định về độ cao, độ dốc, nhiệt độ thế nào mới được trồng cao su. Tuy nhiên, nhiều địa phương bị "lóa mắt" bởi giá mủ cao ngất ngưởng đã đồng loạt đâm đơn xin bổ sung quy hoạch, xin sửa Thông tư 58 bởi nó…chặt chẽ quá, chẳng linh hoạt chút nào để trải thảm đỏ đón “cây công nghiệp vua” về với địa phương.

Có 7 tỉnh miền núi phía Bắc đã và đang lập quy hoạch với tổng diện tích cao su đến năm 2015 và đến 2020 như sau: Ba tỉnh vùng Tây Bắc (Sơn La, Điện Biên, Lai Châu) nằm trong quy hoạch theo Quyết định 750/QĐ-TTg, quy hoạch đến 2015 phát triển 57,5 nghìn ha, tăng so với mục tiêu của Chính phủ đến 2020 là 7,5 nghìn ha. Bốn tỉnh vùng Đông Bắc (Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Phú Thọ) chưa nằm trong quy hoạch theo Quyết định 750/QĐ-TTg, quy hoạch đến 2015 phát triển khoảng 20 nghìn ha.

Mức độ phát triển diện tích cây cao su ở MNPB phình to nhanh như hiện tượng phát triển phi thường của đứa trẻ. Có điều đứa bé đó lớn xác nhưng trẻ người non dạ, đã bị bà mẹ thiên nhiên uốn nắn bằng cách quất cho những đòn roi chí tử. Đòn roi ấy mang tên rét đậm, rét hại 2010-2011. Nhiều nhà khoa học bảo, cũng may là bà mẹ thiên nhiên “dạy con từ thủa còn thơ”, quất roi khi diện tích cao su vùng này chưa phủ kín những giống kém chịu lạnh, nếu không thì không biết hậu quả còn đến đâu. Hậu quả của đợt rét đậm, rét hại năm 2010 – 2011, vùng Tây Bắc có cường độ rét thấp hơn, đồng thời nhiều diện tích cao su đã trồng từ các năm trước nên mức thiệt hại ít. Bình quân toàn vùng diện tích bị hại khoảng 5,1% trong đó Sơn La bị hại 76 ha, Điện Biên bị hại 522 ha và Lai Châu bị hại là 153,9 ha.

Nỗi buồn của ông Phó giám đốc Cty cao su Hà Giang.

Khác hẳn với Tây Bắc, vùng Đông Bắc có cường độ rét đậm, rét hại cao hơn, đồng thời phần lớn cao su mới trồng, tiến độ trồng bị đẩy quá nhanh, khảo sát và quy hoạch chưa kỹ nên mức độ thiệt hại vượt xa trí tưởng tượng, bình quân khoảng 80,7%. Hà Giang bị thiệt hại nặng nhất với tổng diện tích là 1.159 ha (97% diện tích) trong đó có 883 ha (76% diện tích) bị chết trên 2/3 số cây, 235 ha có bị chết từ 40% đến 70% số cây. Yên Bái bị thiệt hại  360 ha (60% diện tích), chủ yếu cây bị chết đỉnh sinh trưởng. Phú Thọ toàn bộ diện tích 110 ha đều bị ảnh hưởng nặng của rét, trong đó 78 ha (70,8%) cây rụng lá có khả năng phục hồi, trên 4 ha (3,9%) cây chết nửa thân, 28 ha (25,3% diện tích) chết hoàn toàn. Lào Cai bị thiệt hại 25 ha (19% diện tích) trong đó 5 ha có 100% cây bị chết, 20 ha có 80% số cây bị chết thân.

Theo Cục Trồng trọt, vấn đề sử dụng giống cao su chịu lạnh cho MNPB là giải pháp cơ bản kể cả trước mắt và lâu dài. Chất lượng cây giống cũng là điều đáng quan tâm bởi thời gian qua phần lớn giống cao su trồng ở MNPB được sản xuất và chuyển từ phía Nam ra, một phần nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc Lào về bằng tum trần. Quá trình vận chuyển xa cùng với khí hậu khắc nghiệt ảnh hưởng lớn đến chất lượng.

“Khám nghiệm” cây cao su MNPB, các nhà khoa học quy kết mấy yếu tố: Phần lớn các giống cao su chiếm tỷ lệ chủ lực trong cơ cấu giống đang sử dụng ở MNPB hiện nay như GT1, RRIM600, PB260 là những giống đại trà ở miền Nam, năng suất cao nhưng chịu rét yếu, đặc biệt giống PB260. Một số giống cao su đang trồng thử nghiệm như IAN873, VN 77- 2 và VN 77- 4 có khả năng chịu lạnh tốt nhưng diện tích trồng còn rất ít. Về độ cao địa hình, ở địa hình thấp, vị trí khuất gió mức độ thiệt hại thấp hơn ở địa hình cao, đặc biệt ở độ cao trên 600m và những vùng có gió mạnh. Về tuổi cây và chất lượng cây giống ở vườn cây mới trồng, hệ rễ chưa phát triển, thân chưa hóa gỗ, khả năng chống chịu kém hơn...

16.000 ha cao su đã trồng trong 4 năm qua ở MNPB thì có đến 2 năm dính rét đậm, rét hại kéo dài, đặc biệt đợt rét năm 2010- 2011 xảy ra khi cao su ở MNPB đã trồng ở quy mô lớn, địa bàn rộng, trên nhiều tiểu vùng sinh thái, nhiều loại giống. Cục Trồng trọt vừa đi kiểm tra ở huyện Vị Xuyên (Hà Giang) nơi cây cao su vừa dính “nốc ao” nặng nhất. “Ảnh hưởng của rét với cây cao su là rõ ràng nhưng mức độ tùy vào từng giống, từng địa bàn. Ngay trong một vùng, những địa hình cao trên 600m, biên độ ngày đêm, đông hè lớn, có sương muối, tỷ lệ cây chết rét cũng cao hơn. Chúng ta hiện không đặt vấn đề dừng phát triển cao su ở miền núi phía Bắc mà quan trọng cần rà soát lại quy hoạch, nhất là ở Đông Bắc”- một thành viên tham gia đoàn công tác của Cục Trồng trọt khẳng định.

Xem thêm
Bãi nhiệm chức vụ loạt nhân sự cấp cao ở tỉnh Vĩnh Phúc

Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã bãi nhiệm nhiều chức vụ của các cán bộ đã bị bắt tạm giam hoặc đã bị kỷ luật.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm