| Hotline: 0983.970.780

Bỏ phiếu công nhận đạt chuẩn NTM ở Hà Tĩnh:

Cần ghi nhận công lao của toàn dân

Chủ Nhật 11/12/2016 , 15:41 (GMT+7)

Ban chỉ đạo (BCĐ) Chương trình xây dựng NTM tỉnh Hà Tĩnh đã họp xét, bỏ phiếu lần 1, công nhận 23/30 xã đạt chuẩn NTM năm 2016.  Tuy nhiên...

Tuy nhiên, hậu bỏ phiếu, vẫn có không ít ý kiến cho rằng, một số xã xứng đáng được công nhận đạt chuẩn lần này nhưng lại “rớt” vì một tiểu tiêu chí không nói lên được nỗ lực bao năm qua của toàn bộ hệ thống chính trị thuộc xã đó.


BCĐ tỉnh bỏ phiếu công nhận các xã đạt chuẩn năm 2016
 

Ngày 24/11/2016 UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định 3362 về việc tổ chức thẩm định mức độ đạt chuẩn các tiêu chí xây dựng NTM năm 2016. Ngay sau đó, từ ngày 1– 8/12 Đoàn Liên ngành tỉnh triển khai thẩm định 30 xã; trong đó 20 xã được UBND tỉnh chấp thuận đăng ký đạt chuẩn năm 2016; 8 xã do cấp huyện, TP đề xuất và 2 xã đăng ký đạt chuẩn năm 2015 (Kỳ Thư – Kỳ Anh và Thường Nga – Can Lộc).

Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn cho rằng, năm 2016 Hà Tĩnh làm NTM trong điều kiện khó khăn nhiều hơn so với các năm trước vì đầu năm rét đậm, rét hại, sự cố môi trường biển, cuối năm lũ lụt; tập trung cho công tác bầu cử Hội đồng nhân dân, UBND các cấp và có sự thay đổi cán bộ; nguồn lực hạn chế...  Song nhờ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị nên kết quả thực hiện đạt khối lượng lớn, mức độ đạt chuẩn nhiều tiêu chí vượt trội, bền vững, đi sâu vào thực chất, chuyển biến từ hộ gia đình, các khu dân cư, phát huy vai trò chủ thể người dân được thể hiện rõ nét hơn. Tỷ lệ hài lòng của người dân với chương trình đạt trên 93%.

“Tất nhiên khi bỏ phiếu, các thành viên BCĐ tỉnh cần bình xét khách quan, công bằng, nghiêm túc, đảm bảo tính chính xác. Việc xây dựng NTM phải làm thật, kết quả thật sự, vì sự phát triển bền vững về đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Đặc biệt, phải xác định được nguồn trả nợ xây dựng cơ bản, tuyệt đối không để nợ đọng”, ông Sơn nhấn mạnh.


Kỳ Châu và Đức La (Đức Thọ) là 2 xã nằm trong nhóm 30 xã bỏ phiếu lần này làm NTM không để nợ xây dựng cơ bản.

Sau khi thống nhất quan điểm, các thành viên BCĐ xây dựng NTM tỉnh đã bỏ phiếu lần 1 và công nhận 23/30 xã đạt chuẩn NTM năm 2016. Tuy nhiên, hậu bỏ phiếu đã có không ít ý kiến cho rằng, một số xã xứng đáng được công nhận đạt chuẩn lần này nhưng lại “rớt” vì một tiểu tiêu chí không nói lên được nỗ lực bao năm qua của toàn bộ hệ thống chính trị thuộc xã đó. Cụ thể là tiểu tiêu chí bằng cấp của cán bộ xã trong tiêu chí Hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh.

Ông Nguyễn Thanh Đương, Chủ tịch UBND xã Kỳ Châu, huyện Kỳ Anh nói: “Nếu các thành viên BCĐ chỉ nhìn vào việc tôi chưa có bằng Trung cấp lý luận chính trị mà đánh giá Kỳ Châu chưa đạt chuẩn thì có phần thiệt thòi cho xã. Bởi suốt thời gian hơn 5 năm làm NTM, đặc biệt là năm 2015 – 2016 Kỳ Châu đã đổi thay về mọi mặt, nhiều tiêu chí được các đoàn thẩm tra đánh giá đạt chuẩn và vượt chuẩn theo quy định”.

Ông Đương cho biết, đến thời điểm này Kỳ Châu được đánh giá là một xã nằm trong top giàu của huyện Kỳ Anh, bình quân thu nhập đầu người đạt 29,5 triệu đồng/năm; nhiều tiêu chí như phát triển sản xuất; xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu; cơ sở vật chất văn hóa;... đều đứng trong top đầu của huyện, tỉnh về tính bền vững. Đặc biệt, Kỳ Châu là 1 trong 30 xã được bỏ phiếu công nhận đạt chuẩn lần này không nợ xây dựng cơ bản đồng nào.

“Trong thời gian được điều về Kỳ Châu công tác, ông Đương dồn sức theo việc nên chưa có thời gian đi học Trung cấp lý luận chính trị, nay công việc tạm ổn, huyện đã tạo điều kiện cho ông Đương đi học. Vừa qua bỏ phiếu thẩm định Kỳ Châu bị đánh “rớt” đạt chuẩn vì lý do bằng cấp của ông Đương thì BCĐ chưa thực sự đánh giá đúng nỗ lực của Đảng bộ, nhân dân Kỳ Châu. Chúng tôi hi vọng BCĐ tỉnh sẽ xem xét lại, nhìn vào kết quả tổng quan của cả phong trào để bình xét”, một lãnh đạo huyện Kỳ Anh nói.

Cùng “rớt” chuẩn như Kỳ Châu là xã vùng mỏ sắt Thạch Khê, huyện Thạch Hà. Theo đánh giá của Văn phòng điều phối xây dựng NTM tỉnh, Thạch Khê là xã có nhiều tiêu chí đạt chuẩn và vượt chuẩn so với bộ tiêu chí Trung ương, tỉnh đặt ra. Nhiều mô hình phát triển kinh tế được hình thành, nhân rộng, mang lại thu nhập cao cho người dân; cộng đồng văn hóa thôn đoàn kết; ANTT đảm bảo... Tuy nhiên, một cán bộ xã đang học dở Trung cấp lý luận chính trị, chưa thể hoàn thành trước 31/12/2016 nên các thành viên BCĐ tỉnh cũng bỏ phiếu “chưa công nhận đạt chuẩn”.

Việc bình xét, bỏ phiếu thực hiện chặt chẽ là rất cần thiết nhưng thiết nghĩ, trong điều kiện Chương trình xây dựng NTM gặp khó khăn về mọi mặt như năm 2016 mà các xã trên nỗ lực hoàn thành bền vững tất cả các tiêu chí thì BCĐ tỉnh cũng cần linh hoạt, không máy móc, nhìn vào cái chung tổng quan, tránh cái tiểu tiết để ghi nhận công lao, nỗ lực của toàn dân, như lời Bí thư tỉnh ủy Lê Đình Sơn từng nói: “Làm NTM không hạ chuẩn nhưng cũng không nên quá máy móc, quan trọng là thành quả mà các địa phương đã làm và đạt được như thế nào?!”.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

'Nông dân số' ở làng cổ Đường Lâm

Từ mục đích lưu giữ kỷ niệm trên Tiktok, anh Chế 'Ba Vì' dần chuyển đổi những nội dung trên kênh sang giới thiệu nông sản, bán hàng để tăng thu nhập cho gia đình.

Chương trình OCOP là 'cú hích' phát triển kinh tế vùng nông thôn

HẢI PHÒNG Chương trình OCOP và những sự hỗ trợ xung quanh như là một cú hích cực kỳ quan trọng để giúp cho nông dân nâng tầm giá trị sản phẩm của mình làm ra.