| Hotline: 0983.970.780

Quyết tâm vay tiền hồi sinh vùng đất ‘chó ăn đá gà ăn sỏi’

Thứ Năm 27/03/2025 , 12:44 (GMT+7)

Hà Tĩnh Từ một vùng đất không đường, không điện chiếu sáng, lau lách bao phủ, sau hơn 3 thập kỷ, trang trại tổng hợp hộ ông Lê Văn Bình thu về 50 tỷ đồng/năm.

Người đầu tiên vay 100 triệu đồng làm trang trại

Đến mảnh đất huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh nhắc tên ông Lê Văn Bình, Giám đốc HTX Nga Hải, xã Xuân Mỹ phải đến tám chín phần dân số biết về tấm gương làm giàu trên mảnh đất quê hương của người đàn ông hết mình vì công việc.

Ông Lê Văn Bình, chủ trang trại tổng hợp điển hình của tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Thanh Nga.

Ông Lê Văn Bình, chủ trang trại tổng hợp điển hình của tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Thanh Nga.

Ông Bình sinh ra, lớn lên trong gia đình giàu truyền thống cách mạng. Năm 1986 sau khi xuất ngũ về quê ông được dân bầu, xã cử làm cán bộ thôn, cán bộ đoàn thể của xã Xuân Mỹ. Trong thời gian này, ấp ủ hoài bão thoát cảnh “ăn đong” từng bữa, ông mạnh dạn thuê 100 ha đất đồi núi, hoang hóa của xã để xây dựng trang trại.

“Năm 1993 khi đề đạt ý tưởng thuê đất làm trang trại chỉ duy nhất Bí thư đảng ủy xã Xuân Mỹ ủng hộ, còn lại ai cũng bảo tôi “khùng”. Bởi, mảnh đất tôi thuê là nơi “rừng thiêng nước độc”, “chó ăn đá gà ăn sỏi”, không đường, không điện chiếu sáng, lau lách bao phủ”, ông Bình nhớ lại.

Vấn đề thuê đất được giải quyết nhưng “tay không bắt giặc” là điều viễn tưởng. Ông Bình đặt vấn đề với Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) huyện Nghi Xuân xin vay 100 triệu đồng để “hồi sinh” đất “chết”. Lúc bấy giờ, Giám đốc Agribank Chi nhánh Nghi Xuân (thuộc Agribank Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh) là ông Nguyễn Sỹ Hàn trực tiếp thẩm định hồ sơ.

Quá trình thẩm định, ông Hàn bảo, vì niềm tin vào một chiến sĩ cộng sản mà “liều” cho vay vốn tín chấp, bởi ông Bình không có tài sản thế chấp.

“Lúc đó mệnh giá tiền cao nhất là 5.000đ. Tôi đem chiếc xe đạp Viha chở 2 bao tải tiền về làm trang trại trước sự ngỡ ngàng của cán bộ cho vay vốn và những người thân bên cạnh. Chính “bà đỡ” Agribank đã giúp tôi có được thành công hôm nay”, ông Bình bày tỏ lời cảm ơn đến ngân hàng luôn đồng hành với người nông dân, đồng thời cho biết, mỗi một giai đoạn phát triển của cá nhân ông và HTX đều nhận được “trợ lực” rất lớn từ Agribank.

Sau nhiều biến cố, từ nguồn vốn vay của Agribank chi nhánh Nghi Xuân, HTX Nga Hải đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng chục lao động địa phương. Ảnh: Thanh Nga.

Sau nhiều biến cố, từ nguồn vốn vay của Agribank chi nhánh Nghi Xuân, HTX Nga Hải đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng chục lao động địa phương. Ảnh: Thanh Nga.

Hiện dư nợ của ông Lê Văn Bình tại Agribank chi nhánh huyện Nghi Xuân thường xuyên giao động trên dưới 7 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay của ngân hàng, đến nay ông Bình và 30 thành viên HTX Nga Hải không chỉ có của ăn của để mà còn liên kết làm giàu trên chính mảnh đất từng cằn cỗi, bạc màu.

Doanh thu 50 tỷ đồng/năm

Trên diện tích 100 ha, đến nay chủ trại Lê Văn Bình đã đầu tư hơn 30 tỷ đồng liên kết với Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam chăn nuôi 2.500 con lợn thương phẩm/lứa; liên kết Công ty Japfa Comfeed nuôi 3 vạn gà/lứa; thả nuôi 8 ha cá nước ngọt; đầu tư 8.000m2 nhà màng sản xuất dưa lưới, trồng nho; trồng rừng nguyên liệu trên diện tích 80ha…

“Doanh thu bình quân mỗi năm đạt khoảng 50 tỷ. Tuy nhiên, do lĩnh vực chăn nuôi làm gia công nên lợi nhuận thu về ước đạt trên 1 tỷ đồng/năm”, ông Bình khiêm tốn nhẩm tính.

Chia sẻ về khó khăn quá trình phát triển trang trại, Giám đốc HTX Nga Hải bảo, có 4 cột mốc ông không thể quên, đó là vào các năm 1995, 1998, 2010 và 2020. Thiên tai, bão lũ, dịch bệnh không ít lần “xóa sổ” cả trang trại. Đơn cử, năm 1998, đàn dê bách thảo 100 con đang phát triển tốt bỗng nhiên hỏng cả 2 mắt, chết hàng loạt; năm 2010 trận đại hồng thủy cuốn phăng 23 nóc nhà trong trang trại, gà vịt, hoa màu, cây ăn quả đều bị “hà bá” nuốt chửng, thiệt hại nhiều tỷ đồng.

Ngoài ông Lê Văn Bình, 37 năm qua, Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh đã đồng hành với hơn 300.000 khách hàng phát triển kinh tế. Ảnh: Thanh Nga.

Ngoài ông Lê Văn Bình, 37 năm qua, Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh đã đồng hành với hơn 300.000 khách hàng phát triển kinh tế. Ảnh: Thanh Nga.

“Những cột mốc thiệt hại đó nếu không có ngân hàng khoanh nợ, giảm lãi, cho vay vốn khôi phục thì chắc chắn sẽ không có trang trại đồ sộ như bây giờ. Và sở dĩ tôi tin tưởng lựa chọn Agirbank là bởi họ thấu hiểu nông dân, đồng cam cộng khổ với tầng lớp yếu thế nên dễ tìm được tiếng nói chung”, ông Bình nhấn mạnh.

Theo ông Trần Văn Tài, Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh, năm 1993, khi ông Bình vay vốn làm trang trại đồng tiền đang rất có giá trị. Ông Bình là người đầu tiên vay vốn 100 triệu đồng để đầu tư vào nông nghiệp và đây cũng là món vay lớn nhất mà Agribank cho hộ cá nhân vay phát triển kinh tế thời điểm đó.

“Quan điểm xuyên suốt của Agirank là phát huy vai trò tiên phong phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Chúng tôi đối trọng với nông dân là đối trọng với chính mình để đôi bên cùng có lợi”, ông Tài chia sẻ.

Ngoài ông Lê Văn Bình, 37 năm qua, Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh đã đồng hành với hơn 300.000 khách hàng từ các huyện miền núi Hương Sơn, Vũ Quang đến vùng đồng bằng, ven biển huyện Lộc Hà, Đức Thọ, Can Lộc, Nghi Xuân, thị xã Hồng Lĩnh… phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, từng bước xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Theo báo cáo của Agribank Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh, tổng nguồn vốn đến thời điểm này đạt hơn 24.100 tỷ đồng; tổng dư nợ hơn 17.400 tỷ, trong đó cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm 90%.

Những năm gần đây, Agribank Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh đẩy mạnh chuyển đổi số, đem đến nhiều tiện ích cho khách hàng trong việc thanh toán không dùng tiền mặt theo đề án của Thủ tướng chính phủ.

Đặc biệt, công tác an sinh xã hội trên địa bàn luôn được đơn vị quan tâm hàng đầu. Riêng năm 2024, Agribank đã dành hơn 26 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động an sinh xã hội.

Xem thêm
Hướng dẫn ASEAN về chuyển đổi nông nghiệp sinh thái

Hướng dẫn cung cấp lộ trình giúp các quốc gia ASEAN thúc đẩy nông nghiệp sinh thái như một phương thức chuyển đổi hướng tới nền nông nghiệp và hệ thống lương thực bền vững.

Hòa Phong về đích xã nông thôn mới kiểu mẫu

PHÚ YÊN Sau nhiều năm nỗ lực, xã Hòa Phong đã về đích nông thôn mới kiểu mẫu, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao.

Tây Ninh chính thức có sản phẩm OCOP 5 sao đầu tiên

Sản phẩm bánh tráng siêu mỏng Tân Nhiên vừa chính thức được công nhận là sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia đầu tiên của tỉnh Tây Ninh.