| Hotline: 0983.970.780

Cần nhân rộng các mô hình nông nghiệp theo chuỗi giá trị

Thứ Năm 25/02/2016 , 06:05 (GMT+7)

Đó là ý kiến của bà Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội trong chuyến thăm và làm việc với huyện Chương Mỹ...

13-56-34_img_9536
Bà Ngô Thị Thanh Hằng làm việc với Huyện ủy, UBND huyện Chương Mỹ

Đó là ý kiến của bà Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội trong chuyến thăm và làm việc với huyện Chương Mỹ về Chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM), từng bước nâng cao đời sống nông dân mới đây.

Nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân

Theo báo cáo của Chủ tịch UBND huyện Đinh Mạnh Hùng, thời gian qua, cơ cấu kinh tế nông nghiệp của huyện Chương Mỹ chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng chăn nuôi trong ngành nông nghiệp (tốc độ tăng bình quân 5 năm đạt 5,2%).

Năm 2015, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 3.320 tỷ đồng, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt 1.920 tỷ đồng (tăng 8,6% so với cùng kỳ), chiếm 66,7% tỷ trọng trong ngành nông nghiệp. Tổng diện tích gieo trồng toàn huyện đạt 26.168 ha.

Diện tích đã thực hiện dồn điền đổi thửa (DĐĐT) giao ruộng cho người dân là 10.394 ha, đạt 96,5% kế hoạch và đạt 99,5% kế hoạch thành phố giao. Sau DĐĐT đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi được 1.294 ha.

Toàn huyện đã xây dựng được 425 trang trại doanh thu đạt từ 600 triệu đến 2 tỷ đồng/năm và trên 600 gia trại cho thu nhập cao, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân.

Đáng chú ý, Chương Mỹ đã chuyển đổi và mở rộng những vùng sản xuất lúa, hoa màu kém hiệu quả sang mô hình kinh tế trang trại, trồng cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản, với diện tích trên 388,5 ha, với 51 mô hình trong đó có 27 trại lợn, 23 trại gà, 1 trang trại tổng hợp.

Chương Mỹ đã có nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, như mô hình sản xuất lúa hữu cơ chất lượng và giá trị kinh tế cao tại Đồng Phú, mô hình trồng cây ăn quả bao sinh học tại thị trấn Xuân Mai, mô hình hoa lan, ly tại xã Thụy Hương; mô hình chăn nuôi tập trung tại xã Hữu Văn, Lam Điền, Đại Yên, mô hình cây ăn quả ở xã Trần Phú, Nam Phương Tiến…

13-56-34_img_9367
Bà Ngô Thị Thanh Hằng thăm Công ty Cổ phần Tiên Viên (xã Đại Yên)

Đẩy mạnh thực hiện ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất thâm canh, đặc biệt là cơ cấu giống, các loại giống lúa năng suất cao, giống lúa mới được đưa vào sản xuất trên địa bàn Chương Mỹ như lúa lai, lúa thuần Thiên Ưu 8, lúa thơm dần được thay thế các giống lúa Q5, Khang Dân.

Huyện còn đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, đến nay toàn huyện Chương Mỹ có 675 máy làm đất các loại, 95 máy gặt liên hoàn, 5 máy cấy…

Ông Đinh Mạnh Hùng kiến nghị, Thành ủy, UBND TP Hà Nội hỗ trợ kinh phí đo đạc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) đất sau DĐĐT. Đồng thời quan tâm hỗ trợ kinh phí hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất giáo dục và cải tạo, nâng cấp tuyến Quốc lộ 6…

Thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, hết năm 2015 huyện Chương Mỹ đã có 10 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Năm 2016, huyện phấn đấu có 7 xã đăng ký đạt chuẩn NTM. Đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện và nâng cao.

Nhân rộng các mô hình theo chuỗi giá trị

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng biểu dương những kết quả tích cực của huyện Chương Mỹ đã đạt được trong thực hiện Chương trình 02 suốt 5 năm qua.

Đồng thời nhấn mạnh, Chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân tiếp tục được Thành ủy lựa chọn là một trong 8 chương trình trọng tâm của nhiệm kỳ 2015-2020. Đề nghị, huyện Chương Mỹ tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong toàn hệ thống chính trị.

Bà Ngô Thị Thanh Hằng cho rằng, bên cạnh những tiềm năng, lợi thế huyện còn nhiều khó khăn, đó là cơ bản các xã vẫn dựa vào phát triển nông nghiệp là chính; là huyện có diện tích rộng, địa hình phức tạp hay xảy ra lũ lụt...

Vì thế, bà cũng yêu cầu huyện cần chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng nông thôn mới và tổ chức lại sản xuất sau DĐĐT cho nhân dân. Tập trung duy trì và nâng cao hơn nữa các tiêu chí tại 10 xã đã đạt chuẩn.

Trong thời gian tới tới, Chương Mỹ cần ưu tiên đầu tư xây dựng các đề án, chương trình đã được phê duyệt, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư, đảm bảo công khai minh bạch. Chú trọng hướng dẫn bà con nông dân tuân thủ các yêu cầu sản xuất, phòng trừ sâu bệnh, đảm bảo nông sản sạch an toàn.

Ngoài ra huyện cần có cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển trang trại gia đình, tạo chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân để phát triển sản xuất ổn định. 

Trước đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng và Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt đã đi thăm một số mô hình sản xuất kinh tế hiệu quả như chuỗi chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm trứng gia cầm Tiên Viên của Công ty CP Tiên Viên (xã Đại Yên); mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả canh tác tại xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Sản phẩm OCOP đặc trưng Huế đến với người tiêu dùng thành phố Hồ Chí Minh

Hơn 60 sản phẩm OCOP như: Gia vị bún bò Huế, nước mắm cá nục truyền thống Thuận An - Huế, Trà cung đình, sản phẩm tinh dầu NeO... đã tiếp cận người tiêu dùng.