| Hotline: 0983.970.780

“Đại gia thủy sản” lấy hàng nghìn tỷ ngân hàng như thế nào?

Thứ Sáu 04/07/2014 , 08:18 (GMT+7)

Dù kinh doanh liên tục lỗ lớn nhưng Cty Phương Nam vẫn lấy được hàng nghìn tỷ đồng của 8 ngân hàng.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C48) vừa có kết luận điều tra “Vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vi phạm quy định về cho vay… tại Cty Cổ phần Chế biến Thực phẩm Phương Nam và một số ngân hàng trên địa bàn các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang”.

Theo đó, dù kinh doanh liên tục lỗ lớn nhưng Cty Phương Nam vẫn lấy được hàng nghìn tỷ đồng của 8 ngân hàng.

Cty Phương Nam lỗ liên tục từ năm 2008, năm thấp nhất hơn 15 tỷ đồng, năm cao nhất hơn 342 tỷ. Tổng cộng lỗ đến hết năm 2012, theo giám định tài chính của Sở Tài chính tỉnh Sóc Trăng là hơn 996 tỷ.

Điều tra cho biết, từ năm 2007, Cty đã nợ 793 tỷ đồng, nợ liên tục tăng, đến ngày vợ chồng ông chủ Lâm Ngọc Khuân bỏ trốn sang Mỹ (30/11/2011) để lại nợ ở 8 ngân hàng hơn 1.679 tỷ, trong khi tài sản thế chấp chỉ hơn 639 tỷ.

Cty Phương Nam chuyên chế biến tôm xuất khẩu ở tỉnh Sóc Trăng, đăng ký kinh doanh lần đầu vào ngày 8/1/1998. Vốn điều lệ 295 tỷ đồng, do vợ chồng và con cháu của ông Lâm Ngọc Khuân góp. Ông Khuân làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc. Kinh doanh lỗ mà vẫn vay được số tiền rất lớn vì Cty lập báo cáo tài chính khống và kê khống kho hàng.

Ngân hàng liên doanh Việt Thái, kết luận điều tra cho biết dư nợ ở Cty Phương Nam 2,4 triệu USD nhưng không đề cập trong xem xét xử lý.

Theo điều tra, Cty đã lập khống 19 báo cáo tài chính, cho rằng hàng năm có lãi (từ năm 2008 đến 2010 lãi gần 41 tỷ đồng). Kho tôm đông lạnh giá trị 123 tỷ đồng, nâng lên hơn 747 tỷ để thế chấp vay tiền của nhiều ngân hàng. Sau khi vợ chồng ông Khuân bỏ trốn, các ngân hàng bán kho hàng chỉ được hơn 41 tỷ.

Gian dối kéo dài, các ngân hàng không phát hiện được vì khi cho vay, không kiểm tra thực tế, chỉ căn cứ báo cáo của Cty. Nhiều hợp đồng cho vay còn căn cứ các biên bản khống được lập từ nhiều tháng trước (đã cho vay hợp đồng khác), cũng không kiểm tra dòng tiền sau khi cho vay.

Ngân hàng Ngoại thương chi nhánh Sóc Trăng cho vay mua nguyên liệu chế biến xuất khẩu, nhưng hồ sơ vay không có hợp đồng, hóa đơn, chứng từ mua hàng, chỉ có bảng kê của Cty.

Tiền giải ngân, Cty chuyển vào tài khoản tại ngân hàng vay, sau đó dùng ủy nhiệm chi chuyển về nhiều tài khoản trung gian ở các ngân hàng khác để sử dụng. Giám định tài chính của Sở Tài chính tỉnh Sóc Trăng, tổng số tiền Cty vay 8 ngân hàng hơn 16.054 tỷ đồng.

Trong đó, sử dụng sai mục đích 9.789 tỷ (gần 61%) gồm trả nợ vay tức đảo nợ hơn 9.594 tỷ và kinh doanh khác, chiếm dụng cá nhân. Ông Khuân xây tòa lâu đài ở Sóc Trăng (khoảng 40 tỷ đồng), dùng mẫu hợp đồng thi công văn phòng Cty để 5 cán bộ của Cty ký 81 chứng từ lấy hơn 28 tỷ của Cty.

Điều tra xác định số tiền bị thiệt hại ở các Ngân hàng: Phát triển VN hơn 343 tỷ đồng, Bưu điện Liên Việt gần 259 tỷ, Sài Gòn Thương Tín hơn 132 tỷ, Ngoại thương hơn 88 tỷ, An Bình hơn 39 tỷ.

Điều tra xác định số tiền gây thiệt hại cho các ngân hàng là hơn 1.072 tỷ đồng (lấy tổng dư nợ trừ tài sản thế chấp; thời điểm khởi tố vụ án cuối năm 2012). Con số đó có thể chưa chính xác do các ngân hàng cho vay theo báo cáo khống quá phức tạp và việc định giá tài sản cũng có vấn đề.

Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh Sóc Trăng có số dư cho vay gần 535 tỷ (nợ gốc hơn 498 tỷ và lãi), tài sản thế chấp được điều tra xác định chỉ hơn 386 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi nhận thế chấp, chi nhánh Ngân hàng có thuê công ty tư vấn thẩm định giá, xác định giá trị tài sản thế chấp hơn 800 tỷ.

Ngân hàng Công thương chi nhánh Sóc Trăng dư nợ 24,6 tỷ đồng, khi ông Khuân bỏ trốn đã lấy một căn nhà phát mại, còn dư nợ gần 10 tỷ, cũng chưa rõ ràng. Nên cơ quan điều tra tách tài liệu về hai ngân hàng này để “điều tra xử lý sau”.

Có 5 ngân hàng đã được điều tra xác định thiệt hại, đề nghị Viện KSNDTC (Vụ 1B) truy tố 25 quan chức ở 5 ngân hàng tội “vi phạm các quy định về cho vay…”.

Trong đó, đông nhất là Ngân hàng Bưu điện Liên Việt - Sở giao dịch Hậu Giang có 8 người. Số tiền lừa đảo chiếm đoạt, điều tra xác định hơn 470 tỷ đồng và 2 nguyên lãnh đạo của Cty Phương Nam bị đề nghị truy tố tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Cha con ông Lâm Ngọc Khuân và Lâm Ngọc Hân “là người chịu trách nhiệm chính về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản” nhưng đang truy nã quốc tế, nên tạm đình chỉ điều tra bị can, khi nào bắt được “sẽ phục hồi điều tra để xử lý sau”.

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm