| Hotline: 0983.970.780

Độc đáo gian hàng chợ bò, nghề mua đi bán lại đang có thu nhập khá

Thứ Ba 28/03/2017 , 08:20 (GMT+7)

Xóm Chợ Bò thuộc thôn Mỹ Thạnh Trung 1, xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa (Phú Yên), nằm gần quốc lộ 29 từ Phú Yên đi Đăk Lăk. Chợ bò họp 24/24h, có người mua sa cạ, có người mua “trụm”. Chợ bò hình thành đã trên 20 năm qua, ai cũng mua may bán đắt. Mỗi ngày xóm tiêu thụ 20 xe bò, mỗi xe bò 15 con. Mua bán bò tạo ra nguồn thu nhập khá...

Gian hàng bò

Chúng tôi vào xóm Chợ Bò, đó là một xóm mà mỗi nhà đều có chuồng bò, chuồng bò đó là gian hàng bò. Mỗi gian hàng bò ít nhất 15 con, nhiều lên đến 50 con. Có gian hàng bò nằm chếch bên hông nhà trên, có gian hàng bò nằm cặp vách với chái bếp. Hầu hết “thiết kế” nằm mặt tiền đường bê tông nông thôn. Tuy nhiên, gian hàng bò luôn sạch sẽ, khi bò thải ra, có người túc trực hốt bãi phân bò còn nóng hổi bỏ lên xe rùa đẩy đi đổ chỗ khác.

Mỗi gian hàng bò có bộ bàn ghế nhựa, bình trà để tiếp khách

Ông Trần Văn Nghĩa, một người có gian hàng bò, chia sẻ: Chợ bò ở đây thuận mua vừa bán. Giả sử có người bọc túi tiền 10,2 triệu đồng đi đến xóm bò, đến nơi người bán bò họ dứt giá 10,5 triệu đồng, tiền trong túi không đủ mua đành đi về. Còn xóm Chợ Bò thì đủ loại giá, từ 10,1 triệu đồng rồi 11,7 triệu đồng… đến 15 - 20 triệu đồng/con, người mua giá nào cũng có bò đáp ứng. Có những ngày người mua bò tấp nập đến xóm Chợ Bò đi thiếu điều đụng đầu, xe gắn máy dựng chật hai bên đường.

Gian hàng bò nhà ông Nghĩa đang “trưng bày” 17 con bò, thời điểm người mua nhiều chỉ 3 - 4 ngày bán hết. Thời điểm bán chậm lắm cũng một tuần là sạch chuồng. Tuy nhiên để có bò bán hàng ngày, phải có người lo đầu ra (trực tại chuồng bán), đầu vô (đi mua về). Vì vậy nhà ông cả dâu rể 8 người dồn sức hết vào gian hàng bò, người thì lo cỏ rác, người thì lo đi mua, người thì lo trực tại chuồng bán…

Đi mua bò gần thì ra An Nhơn (Bình Định) lên TX An Khê, vô tận huyện vùng cao Kông Chro (Gia Lai) gom 3 - 4 ngày đủ số lượng bò 14 - 15 con rồi chở xe tải nhỏ về. Còn đi vô Tây Ninh rồi qua tận Campuchia mua bò chở về bằng xe tải 3 chân (3 trục), mỗi lần chở 40 con, thời gian kéo dài 7 ngày.

Nói về nghề đi mua bò, ông Nguyễn Đình Long, người có thâm niên mua bò trên 10 năm ở xóm Chợ Bò, xởi lởi: "Đi mua bò cũng có “mánh”. Giả sử như 3 người trong xóm rủ ra An Nhơn mua bò, đến nơi rảo quanh xóm, có người kêu bán con bò nghé cao 1m, họ “thách” 13 triệu đồng, mình trả 10,3 triệu đồng, họ lắc đầu. Trước khi rời khỏi chuồng mình hỏi xin số điện thoại chủ nhà rồi “nhá” số điện thoại mình qua, kèm theo lời nói: Giá đó là cao rồi. Nếu có ai đến trả cao giá hơn thì bán còn không thì gọi điện thoại, tôi đến chồng tiền.

Sau đó, mình liên lạc với người thứ 2 đi cùng đến trả 9,8 triệu đồng, họ cũng không bán, người thứ ba ém thêm chỉ trả 9,5 triệu đồng, thấy 2 người mua bò đều trả thấp giá thì họ gọi điện thoại cho mình".

Chợ bò bán bò lai mẫu mã đẹp, đủ màu: mốc lam, đen đỏ

“Tuy nhiên buôn bán phải có đức, có trường hợp gia đình họ có người cấp cứu bệnh viện hoặc con đi học xa gọi điện thoại về xin tiền, họ cần bán bò gấp để có tiền trang trải, có người mua thất đức, biết gia đình người ta đang ngặt nghèo đến ép giá, mua giá quá thấp “ăn xiết họng”. Còn mình đến trả, giá cả phải chăng, trước mua dùm, sau kiếm ít đồng tiền lời”, ông Long nói.
 

Mua bán “gối đầu”

Chợ bò tại gia nên “họp” 24/24 giờ, ai cần mua hồi nào bán hồi nấy. Có lúc lái bò từ các nơi xa đến nửa đêm mua bò rồi gà gáy chở đi, nếu bán lái thì có người mua sa cạ 3 - 4 con, có người mua “trụm” lùa ra cả bầy.

Gần đây xóm chợ bò còn có phong trào mau bán bò “chà”, đó là người trong xóm đến gian hàng bò hỏi mua con bò, sau khi thống nhất giá cả xong (người mua chưa đưa tiền) lùa bò về chuồng mình nhốt rồi kêu người khác bán lại gọi là “sang tay”, lấy tiền bán được về đưa chủ đủ còn lại kiếm tiền lời theo kiểu “mượn đầu heo nấu cháo”. Vì vậy xóm chợ bò lúc trước chỉ 12 nhà có gian hàng bò, nay nhiều người trong xóm mua bò “chà” nên nhân rộng lên đến 20 nhà.

Nhiều người mua bò ở các nơi đến ngồi quanh bàn nhựa như buổi “hội thảo đầu chuồng”

Mỗi gian hang bò có bộ bàn ghế nhựa, bình trà để tiếp khách. Chúng tôi ngồi uống nước trà tại gian hàng bò của ông Nguyễn Hữu Thọ, đây là một trong những lái bò có số bò nhiều nhất xóm Chợ Bò. Nhiều người mua bò ở các nơi đến ngồi quanh bàn nhựa trao đổi mua bò như buổi “hội thảo đầu chuồng”. Chợ bò mua bán bò lai mẫu mã đẹp, đủ màu: mốc lam, đen đỏ, thế nhưng có con thì sừng vạp (sừng cong), có con sừng gốc tre (sừng to), vì vậy có người mua chê sừng gốc tre, nhưng có người lại lựa sừng to.

Ông Thọ cho biết: “Sắm” gian hàng bò từ 200 triệu đến nửa tỉ đồng. Tuy nhiên để có bò mua bán “gối đầu” nhà đơn chiếc nên ông hùn vốn với anh Trần Văn Vụ cùng xóm, thay phiên nhau người thì lo đầu vô, người thì lo đầu ra…

Cũng theo ông Thọ, ở đây bán toàn bò đực để người mua về nuôi vỗ béo lại bán “đứng” (không cân ký). Bán bò cho người mua lẻ về nuôi vỗ béo thì bán chậm, nhưng người mua bò nuôi họ mua nới (cao) giá hơn, mình bán con bò lời 300.000 - 400.000 đồng. Còn bán lái họ mua đi bán lại thì trả treo từng đồng từng cắc. Bán “trụm” xe bò (15 con) lời 5 triệu đồng, một tháng bán 4 xe. Bán lái thì có đồng ra đồng vô liền không bị chôn vốn.

Ông Phạm Duy Định, ở xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa lên xóm Chợ Bò rảo quanh chợ lựa mua bò cho hay: Tôi dự định mua cặp bê đực cao 1m về nuôi vỗ béo. Trước đây vỗ béo bò cỏ thì nuôi đến đâu, bò mướt lông đến đó, tuy nhiên trọng lượng nhỏ, lãi thấp. Còn bò lai bộ xương to, nuôi đúng sức cao 2m trở lên mới bung đùi, đổ thịt bán trên 30 triệu đồng, lãi gần 20 triệu đồng/con.

“Sắm” gian hàng bò từ 200 triệu đến nửa tỉ đồng

Cũng theo ông Định, nuôi vỗ béo bò hiện nay có thuận lợi vì trồng cỏ voi, cỏ tây, người nuôi bỏ ra 30 phút cắt đầy một gánh. Còn trước đây mang giỏ ra bờ ruộng ngồi “nạo” cả buổi mới đầy giỏ cỏ mang về. Phong trào vỗ béo bò lai đang mạnh, chính vì vậy những chòm đất xấu trong gò đồi mấy năm trước bỏ hoang nay bà con khai hoang trồng cỏ voi hết.

“Nuôi vỗ béo bò cũng có “mánh”, người nuôi không chỉ cho bò ăn cỏ, rơm mà còn nấu cháo nuôi bò. Hồi còn nuôi bò thịt nấu cháo bằng rau cám, còn nay nuôi bò lai cho ăn “sang” hơn, mỗi lần nấu, vợ tôi xúc lon gạo cho vào trong nồi cháo. Người dân quê như tôi, bò là nguồn thu nhập chính, có tiền trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học”, ông Định nói.

+ Ông Nguyễn Văn Tiếp, Chủ tịch UBND xã Hòa Phong, cho biết: Xã có 8 thôn nhưng xóm Chợ Bò, thôn Mỹ Thạnh Trung 1 phát triển nhất. Mỗi ngày xóm tiêu thụ 20 xe bò, mỗi xe bò 15 con. Mua bán bò tạo ra nguồn thu nhập khá nên đất đai ở đây 700 - 800 triệu đồng/lô, trong khi tại thôn Mỹ Thạnh Đông không quá 200 triệu đồng/lô. Người dân xóm Chợ Bò không chỉ sắm xe tải chở bò, mà còn mua ô tô con.

+ Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa: Tại xóm Chợ Bò không chỉ người dân trong tỉnh mà ở ngoài tỉnh cũng tìm đến mua bò về nuôi hoặc bán lại. Trước đây xóm Chợ Bò thường bùng phát dịch bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng do người mua chủ quan, không tiêm phòng. Thời gian gần đây, tình trạng này đã được khắc phục.

 

Xem thêm
350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo an tín dụng đạt trên 300 tỷ đồng/năm

ĐBSCL Năm 2023, tổng doanh thu giữa Ngân hàng Agribank - Bảo hiểm Agribank tại khu vực Tây Nam bộ đạt trên 300 tỷ đồng.

Bất động sản nghỉ dưỡng và những dấu hiệu phục hồi

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: Năm 2023 thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn 'bĩ cực' nhất, 2024 sẽ ghi nhận những động thái tích cực hơn.