| Hotline: 0983.970.780

Đồng Nai nỗ lực xây dựng hệ thống phân phối thịt an toàn

Thứ Sáu 29/04/2016 , 13:30 (GMT+7)

Để phòng chống có hiệu quả việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, bên cạnh việc đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, Đồng Nai đang nỗ lực phát triển những mô hình chăn nuôi, kinh doanh thịt sạch ngay trên địa bàn. Trong đó, việc mở chuỗi cửa hàng bán thịt an toàn ở các chợ truyền thống đang mang lại những kết quả tích cực.

Thịt an toàn phủ kín chợ truyền thống

Là tỉnh chăn nuôi lớn nhất cả nước, nên Đồng Nai cũng là một trong những địa phương nóng nhất với tình trạng sử dụng chất cấm trong thời gian qua.

Để phòng chống có hiệu quả việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, bên cạnh việc đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, Đồng Nai đang nỗ lực phát triển những mô hình chăn nuôi, kinh doanh thịt sạch ngay trên địa bàn. Trong đó, việc mở chuỗi cửa hàng bán thịt an toàn ở các chợ truyền thống đang mang lại những kết quả tích cực.

Hàng loạt cửa hàng thịt an toàn

Sau 5 năm triển khai dự án LIFSAP, đến nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã có một nguồn thịt heo không nhỏ đạt tiêu chí an toàn.

Cụ thể, sau khi hoàn thành giai đoạn 1 (2010 - 2015), Dự án đã xây dựng được 3 vùng GAHP tại 3 địa phương trong tỉnh là huyện Thống Nhất, huyện Xuân Lộc và thị xã Long Khánh với tổng cộng 52 nhóm GAHP, 1.031 hộ tham gia, 622 hộ chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAHP nông hộ.

Theo ông Phan Minh Báu, PGĐ Sở NN-PTNT Đồng Nai, với số lượng hộ chăn nuôi và trang trại đã được chứng nhận VietGAHP, mỗi ngày, trên địa bàn tỉnh này có thể giết mổ, tiêu thụ 500 - 700 con heo an toàn.

Bên cạnh đó, Dự án LIFSAP đã hoàn thành xây dựng, đưa vào sử dụng và hỗ trợ kinh phí cho 11 cơ sở giết mổ tập trung và 11 cơ sở giết mổ nhỏ. Các cơ sở giết mổ này khi đi vào hoạt động đã giúp cải thiện các điều kiện vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, 31 chợ trên địa bàn các huyện Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Thống Nhất, Vĩnh Cửu, Định Quán, Tân Phú, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa đã được hoàn thành đầu tư xây dựng, nâng cấp. Qua đó, thực hiện hoàn chỉnh chuỗi kết nối từ chăn nuôi - giết mổ - chợ thực phẩm tươi sống, cung cấp sản phẩm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Trong năm 2016, Dự án LIFSAP tiếp tục phối hợp với các địa phương nâng tổng số nhóm GAHP lên khoảng 100 nhóm/tổ hợp tác/hợp tác xã; thiết lập thí điểm mô hình tổ chức sản xuất mới trong chăn nuôi thông qua việc hình thành Tổ hợp tác và Hợp tác xã GAHP; đánh giá và cấp chứng nhận VietGAHP nông hộ cho cơ sở sản xuất nhiều thành viên (nhóm/tổ hợp tác/hợp tác xã); hỗ trợ 2 cơ sở giết mổ tập trung và 4 cơ sở giết mổ nhỏ; nâng cấp 4 chợ thực phẩm tươi sống.

3143038374
Các nhà chăn nuôi tại Đồng Nai trao đổi kinh nghiệm sản xuất thịt sạch tại một buổi hội thảo ở Biên Hòa, Đồng Nai. (Ảnh: L.K)

Chính từ những kết quả nói trên của Dự án LIFSAP, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đã mạnh dạn đề nghị UBND tỉnh cho phép Hiệp hội tổ chức chuỗi cửa hàng bán thịt heo an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAHP ở ngay các chợ truyền thống.

Việc lựa chọn các chợ truyền thống để mở điểm bán thịt an toàn là nhằm giúp cho những người tiêu dùng vẫn có thói quen đi chợ hơn là vào siêu thị có cơ hội tiếp cận với các sản phẩm thịt an toàn. Mặt khác, lượng thịt heo được tiêu thụ ở các chợ truyền thống vẫn đang chiếm đại đa số trong tổng khối lượng thịt heo được tiêu thụ mỗi ngày.

Vì vậy, khi các điểm bán thịt an toàn được mở ở ngay các chợ truyền thống, cũng sẽ có tác dụng không nhỏ trong việc tuyên truyền ý thức sử dụng thịt an toàn của người tiêu dùng và ý thức chăn nuôi, kinh doanh heo an toàn của nông dân, thương lái.

Trước Tết Bính Thân, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đã khai trương hàng loạt cửa hàng bán thịt heo an toàn ở các chợ Tân Hiệp, Tân Phong, Sặt, Tam Hòa, Long Bình Tân và Biên Hòa (TP Biên Hòa), chợ Quảng Biên (huyện Trảng Bom) và chợ Gia Kiệm (huyện Thống Nhất).

Những điểm bán này đang được duy trì và đạt những hiệu quả tích cực khi thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng có nhu cầu sử dụng thịt sạch, với giá bán chỉ ngang với thịt không có chứng nhận an toàn. Nhờ đó, ở điểm bán tại chợ Biên Hòa, trung bình mỗi ngày đang tiêu thụ khoảng 5 - 6 tấn thịt an toàn.

08-56-15_nh-1-dong-ni-chuoi-cu-hng-thit-n-ton
Một trại heo VietGAHP ở xã Quang Trung, huyện Thống Nhất (Ảnh: Bình Nguyên)

Chợ Long Bình Tân bán 3 - 4 tấn thịt heo an toàn/ngày và 1,5 - 2 tấn gà VietGAHP/ngày. Lượng thịt heo an toàn bán ở chợ Tân Hiệp đang khoảng 2 - 3 tấn/ngày. Chợ Sặt mỗi ngày tiêu thụ khoảng trên 1 tấn thịt heo an toàn…

Không chỉ tiêu thụ thịt heo an toàn, ở một số điểm, cũng đã tiêu thụ cả thịt gà an toàn. Như tại điểm bán thịt an toàn trong chợ Sặt, mỗi ngày đang tiêu thụ được khoảng 600 - 700 kg thịt gà an toàn có chứng nhận VietGAHP.

Xây dựng chợ đầu mối thịt an toàn

Không dừng ở việc xây dựng những điểm bán thịt an toàn, Đồng Nai đang đẩy mạnh xây dựng một chợ đầu mối thịt an toàn. Nơi đã được chọn là chợ Tân Biên (TP Biên Hòa), bởi chợ này vẫn đang có một phần bị bỏ hoang, chưa sử dụng.

Chợ Tân Biên có diện tích hơn 3.000m2, hiện đang được khẩn trương cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng để đảm bảo các tiêu chuẩn kinh doanh thực phẩm an toàn. Không chỉ là chợ đầu mối thịt heo an toàn, chợ Tân Biên cũng đang được xây dựng trở thành chợ đầu mối thịt gia cầm và rau an toàn.

Theo đó, các sản phẩm, thịt, rau an toàn từ chợ này sẽ được phân phối đến các chợ truyền thống khác để bán cho người tiêu dùng. Dự kiến chợ sẽ có khoảng 200 gian hàng phân phối sỉ và lẻ thịt an toàn, 60 gian hàng phân phối sỉ và lẻ rau, củ, quả, trái cây an toàn.

Riêng về nguồn cung ứng thịt an toàn cho chợ đầu mối Tân Biên, chính quyền địa phương đã giao cho Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai thực hiện.

Theo đó, Hiệp hội này sẽ chịu trách nhiệm xây dựng hệ thống cung ứng thịt an toàn từ việc lựa chọn các trang trại, hộ chăn nuôi đã có chứng nhận VietGAHP; phối hợo với các cơ quan chức năng giám sát thực hiện giết mổ tại các lò mổ đạt tiêu chuẩn được cấp phép, sau đó cung cấp cho các tiểu thương kinh doanh.

08-56-15_nh-2-dong-ni-chuoi-cu-hng-thit-n-ton
Một trại gà VietGAHP ở huyện Thống Nhất (Ảnh: Bình Nguyên)

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, nhấn mạnh: “Tất cả sản phẩm thịt về chợ Tân Biên đều sẽ được truy xuất nguồn gốc, thịt qua kiểm tra không có các chất độc hại, chất cấm, mới được phân phối cho các sạp”.

Việc hình thành một chợ đầu mối thịt an toàn sẽ giúp sản phẩm thịt an toàn từ các hộ chăn nuôi, trang trại đã có chứng nhận VietGAHP ở Đồng Nai, đến được với các sạp kinh doanh thịt an toàn ở các chợ truyền thống. Người chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP nhờ đó mà thấy yên tâm hơn vì họ biết được sản phẩm an toàn của mình đã đến được tận tay người tiêu dùng có nhu cầu sử dụng thịt an toàn, mà không lo bị trộn lẫn với thịt không an toàn như khi bán cho thương lái.

Đồng thời, chợ đầu mối sẽ giúp cho các tiểu thương muốn kinh doanh thịt an toàn ở các chợ truyền thống tiếp cận nguồn cung cấp thịt an toàn một cách dễ dàng hơn. Bởi lâu nay, để có nguồn thịt an toàn, tiểu thương vẫn phải đến lấy ở các cơ sở giết mổ đã được cơ quan chức năng, ban quản lý chợ kiểm tra, chứng nhận. Nhưng do các cơ sở giết mổ thường nằm phân tán nên việc giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm gặp nhiều khó khăn.

Chính vì vậy, khi có chợ đầu mối, tập trung, phân phối thịt an toàn theo tiêu chuẩn VietGAHP, các tiểu thương sẽ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận nguồn hàng và cũng tin tưởng hơn về chất lượng sản phẩm.

Xem thêm
Hơn 15 tỷ USD sản phẩm nông nghiệp đã được xuất khẩu

Lũy kế tới 15/4, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nghiệp của Việt Nam đã đạt hơn 15 tỷ USD. Trong đó, có 6 mặt hàng đạt giá trị tỷ USD.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên

Chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên 2024 sẽ được tổ chức tại TP Nha Trang từ ngày 23 – 24/5.

Bình luận mới nhất