| Hotline: 0983.970.780

Chiến lược giống: Què quặt và tự "ăn thịt" mình

Ép đẻ non, đẻ vô tội vạ

Thứ Hai 23/03/2015 , 10:45 (GMT+7)

Thiếu chiến lược đúng và một cơ chế khuyến khích nhân tài, nhà nước dù đầu tư nhiều tiền của hơn đi chăng nữa nghiên cứu giống vẫn chỉ như một người tàn tật không thể chạy bằng cả hai chân…

Chỉ thống kê riêng ở lĩnh vực nghiên cứu giống, mỗi năm các nhà khoa học Việt Nam đã cho ra lò hàng trăm chủng loại. Thế nhưng cứ như ông Hà Quang Dũng - Giám đốc Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng quốc gia thì mỗi vụ đơn vị khảo sát hàng trăm giống mà chỉ đánh giá được cỡ 10% có triển vọng, thậm chí có vụ tỷ lệ ấy chỉ được 5-7%.

Thực tế là những giống đang phổ biến trong sản xuất hiện nay nhất là lúa, phần đa đều nhập nội hoặc bản quyền của các công ty, của cá nhân chứ không phải là giống “quốc doanh”.

Vậy cả ngàn nhà khoa học nông nghiệp đang được nhà nước “nuôi” để làm những việc gì? Hãy cùng NNVN đi tìm câu trả lời từ chính những người trong cuộc.

GS Nguyễn Văn Tuất - Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VASS) thông tin: "Mỗi năm chúng tôi có khoảng 180 tỉ đồng cho các kênh đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ… So với số lượng người và số lượng đầu mối của viện, lượng tiền đó cũng không phải là nhiều.

Về nghiên cứu giống lúa, ngô, chủ lực có Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, Viện Nghiên cứu Ngô, Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam. Giai đoạn 2006-2012, VASS có 30 giống được chuyển giao với tổng giá trị 25 tỉ đồng, trong đó Viện Nghiên cứu Ngô bán bản quyền tốt nhất, còn bán giống lúa có nhiều khó khăn hơn".

Còn nhớ, cách đây khoảng 20 năm, cả đất nước khi đó có mỗi một đề tài chọn tạo giống lúa do ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam là chủ nhiệm đề tài với suất đầu tư khoảng 500 triệu/năm.

 Đề tài đó gồm có bốn nhánh: Thứ nhất, chọn tạo giống lúa chống chịu cho vùng khó khăn do ông Vũ Tuyên Hoàng - Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm chủ trì; thứ hai, chọn tạo giống lúa thấp cây, năng suất cao, chất lượng cao phục vụ cho xuất khẩu ở ĐBSCL của ông Bùi Chí Bửu chủ trì; thứ ba, chọn giống lúa đặc sản chất lượng cao do ông Nguyễn Hữu Nghĩa chủ trì.

Nhánh cuối cùng sau này được bổ sung vào là tạo giống lúa lai.

Các tỉnh phía Bắc vốn đất chật, người đông, canh tác một năm ba, bốn vụ không cho đất thở, đang rất cần giống lúa thâm canh, ngắn ngày thì các nhà khoa học lại lao vào nghiên cứu khả năng chống chịu, vào khôi phục các giống cổ truyền.

 Ngay từ cách đặt vấn đề của đề tài và yêu cầu của cuộc sống đã “tréo giò” nhau nên việc nghiên cứu và sản xuất không có sự gặp gỡ. Trong khi đó, các giống lúa năng suất cao, ngắn ngày nghiên cứu riêng cho ĐBSCL lại không thể Bắc tiến được vì không hợp thủy thổ.

 Để trống sân, các giống lúa Trung Quốc ngắn ngày như Khang Dân, Q5 ồ ạt tràn sang.

Năm 2005 bắt đầu có đề tài chọn giống lúa cho đồng bằng sông Hồng theo định hướng giống ngắn ngày với mục đích hạ bệ bằng được Khang Dân, Q5. Các nhà khoa học vội vàng huy động một lượng vật liệu lớn cả nhập nội lẫn lai tạo trong nước đem trồng để đánh giá lại.

Ba, bốn năm sau, một loạt giống mới ra đời. Tuy nhiên do chất lượng không tốt, độ chống chịu chưa cao, mẻ giống này hầu như đã bị chết yểu. Mục tiêu thay thế cho Khang Dân, Q5 không thể thành vì hai giống lúa nhập nội này vô cùng dễ tính, hễ cấy là chắc ăn.

Trước đây chúng ta có hệ thống giống ba cấp gồm Trung ương, tỉnh, huyện. Dưới huyện lại có các HTX. Khi giống của nhà nước ra là đón vào, “chạy” trong hệ thống này rất nhanh, rất trơn tru. Hiện hệ thống giống ba cấp đã bị phá vỡ nên thị trường phụ thuộc hoàn toàn vào các công ty tư nhân, công ty cổ phần.

Ở thời kỳ thịnh vượng Khang Dân, Q5 chiếm đến 70-80% diện tích lúa nhiều vùng ở phía Bắc. Rất nhiều giống mới ra đời đều lăm le muốn đoạt ngôi, soán vị Khang Dân, Q5, đều lấy chúng làm đối tượng so sánh. Thử nghiệm thì vỗ tay rào rào nhưng ra sản xuất đều có chung một kết quả “ôm đầu máu” mà chạy.

Không đọ được với Khang Dân, Q5 về sự dễ tính, chắc ăn từ 2010 trở lại đây nhóm nghiên cứu lúa cho đồng bằng sông Hồng xoay sang hướng chất lượng với mong muốn thay thế một giống nhập nội khác vô cùng nổi tiếng: Bắc Thơm số 7.

Thế nhưng cho đến thời điểm hiện tại, Bắc Thơm số 7 vẫn là giống chất lượng được ưa chuộng và trồng phổ biến nhất ở miền Bắc dù dễ nhiễm nhiều sâu bệnh. Bắc Thơm số 7 trong các nồi gang, nồi nhôm ở nông thôn, Bắc Thơm số 7 trong các nồi cơm điện, nồi cao tần ở thành phố (nơi mà người ta quen gọi nó là Tám Hải Hậu hay Tám Điện Biên).

Thực tế là các giống lúa nhà nước chiếm diện tích khá khiêm tốn trong sản xuất. Những giống tốt nhất cũng chỉ khoảng 10.000-15.000 ha trong khi BC15 - giống lúa nổi tiếng của một doanh nghiệp có lúc lên tới 300.000-400.000 ha.

17-10-02_dsc_9422
Chưa có chính sách khuyến khích các nhà khoa học

Đem câu hỏi đó trao đổi với Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm Nguyễn Trí Hoàn, ông khẳng định: “Cục đá vào tay doanh nghiệp cũng có thể biến thành cục vàng… Thử hỏi xem có giống lúa nào mà hoàn toàn do các doanh nghiệp tự nghiên cứu thì hãy chỉ cho tôi. Toàn giống của các Viện đấy chứ.

Phải nhìn nhận rõ không các nhà khoa học nản. Khi các công ty mua giống từ Viện về đa số đều đổi tên thành của mình. Trước đây chúng tôi hằng năm đều tổ chức hội nghị mời các doanh nghiệp, các tỉnh đến giới thiệu giống mới. Thế rồi chủ nhật, thứ bảy lại có xe ô tô đến cắt trộm của chúng tôi mấy khóm lúa thì các nhà khoa học giữ bằng cách nào?”.

Những giống nhà nước nghiên cứu có diện tích tốt nhất cũng chỉ đạt 10.000-15.000 ha trong sản xuất nên mục tiêu thay thế Khang Dân, Q5 - các giống nhập nội đã có tuổi thọ vào khoảng trên dưới 20 năm rõ ràng khá mờ mịt.

Cũng theo ông Nguyễn Trí Hoàn, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm là đơn vị đầu tiên bán bản quyền với hàng loạt giống như ĐB5, ĐB6, T10, AC5, GL105, Nếp 100...

Trong khoảng thời gian từ 2010 đến 2014 tổng giá trị chuyển nhượng 8 tỉ, đạt trung bình 1,5-2 tỉ/năm. Đó là các giống lúa thuần, còn về lúa lai Viện cũng đã bán được HYT 100 với giá 3 tỉ (tuy nhiên việc thu tiền về không suôn sẻ do khúc mắc từ phía doanh nghiệp mua).

Liệu số tiền bán bản quyền có nuôi nổi bộ máy của Viện theo hướng tự chủ kiểu 115? Tôi hỏi, bởi biết kinh phí đầu tư cho nghiên cứu của đơn vị mỗi năm vào khoảng 12-13 tỉ chưa kể tiền lương.

Ông Hoàn khảng khái: "Tự chủ mà hiểu thành tự nuôi mình là không đúng. Tự chủ là nhà nước vẫn hỗ trợ tiền nhưng không phải như cách ngày xưa trả lương theo số lượng người sau đó đấu thầu đề tài mà lương phải gắn với công việc với đề tài, ai không làm được sẽ bị đào thải. Các nước họ phải bỏ bao tiền để ủng hộ cho nông nghiệp mới tồn tại được".

Hỏi tiếp chuyện tại sao các nhà nghiên cứu chỉ nhăm nhăm với vật liệu nhập nội mà quên các vật liệu của Việt Nam vốn dễ tạo nên sự khác biệt, ông Hoàn bảo: "Nhập nội là nhập vật liệu, cả mấy ngàn thứ rồi về chọn tạo. Khôn ngoan nhất là thu gom của thế giới, sàng lọc ra, cái nào phù hợp thì giữ lại.

Chúng tôi hợp tác với Viện Nghiên cứu lúa quốc tế- IRRI lấy 1.500-2.000 vật liệu nhưng không phải đem về là ra giống ngay được. Phải thử nghiệm các kiểu khắp nơi, phát hiện được một trong mấy ngàn giống như vậy có khi mất cả chục năm. Thế giới người ta đi trước mình. Chẳng lẽ họ làm máy bay từ lâu nay Việt Nam lại nghiên cứu làm à? Khoa học là phải đứng trên vai nhau mà đi".

Xem thêm
Hơn 15 tỷ USD sản phẩm nông nghiệp đã được xuất khẩu

Lũy kế tới 15/4, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nghiệp của Việt Nam đã đạt hơn 15 tỷ USD. Trong đó, có 6 mặt hàng đạt giá trị tỷ USD.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên

Chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên 2024 sẽ được tổ chức tại TP Nha Trang từ ngày 23 – 24/5.

Bình luận mới nhất