| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 14/12/2016 , 06:35 (GMT+7)

06:35 - 14/12/2016

Giả dối và kinh hoàng với những con số

Trong khuôn khổ hội thảo về vấn đề “Nhân cách người học trong giáo dục”, diễn ra tại TP Hồ Chí Minh mới đây, GS-TSKH Trần Ngọc Thêm đã đưa ra một con số khiến không ít người bị “sốc”:

Trong một cuộc khảo sát với 5.600 người do nhóm nghiên cứu của ông thực hiện, thì bệnh giả dối đứng hàng đầu trong 34 tật xấu của người Việt, chiếm đến 81%.

Còn theo điều tra của Viện nghiên cứu phát triển giáo dục, thì tỷ lệ nói dối cha mẹ của học sinh cấp tiểu học là 22%, cấp THCS là 50%, cấp PTTH là 64% và sinh viên đại học là 80%.

Thật là những con số khiến xã hội kinh hoàng, không thể thờ ơ. Những con số đó nói lên điều gì? Thứ nhất, là tỷ lệ nói dối tăng dần theo độ tuổi, từ nhỏ tới lớn, từ bậc tiểu học lên đến bậc đại học. Một nền đại học sẽ thế nào khi mà có đến 80% sinh viên là những kẻ dối trá? Hỏi, cũng tức là đã trả lời. Nền đại học đó chắc chắn sẽ chỉ cho “ra lò” những cử nhân, những kỹ sư dối trá.

Thứ hai, là “trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”. Những học sinh, sinh viên nói trên, rồi đây sẽ là những chủ nhân tương lai của đất nước. Họ sẽ trở thành những công chức, kỹ sư, công nhân, doanh nhân...

Đã gian dối với cả bậc sinh thành của mình được, thì họ sẽ chẳng ngại ngần gì việc gian dối với người khác, với xã hội.

Là công chức, họ sẽ gian dối bằng cách ăn bớt giờ làm, đục khoét người dân và báo cáo láo về thành tích, rồi nào là học giả bằng thật, học giả bằng giả, mua bằng cấp, và mua quan bán chức... để leo lên những chức vụ cao hơn.

Là kỹ sư, họ sẵn sàng rút ruột công trình hay thiết kế ẩu, thi công ẩu... miễn là có lợi cho mình. Là công nhân, họ cũng sẽ có trăm phương ngàn kế để ăn cắp nguyên vật liệu hay thành phẩm của nhà máy. Còn là doanh nhân, họ sẽ không từ việc buôn gian bán lận hay làm ăn kiểu chụp giật.

Đó chính là cội nguồn của một xã hội giả dối, cấp dưới lừa dối cấp trên, cấp trên che giấu cấp dưới, người nọ lừa dối người kia, miệng nói một đằng nhưng việc làm lại một nẻo. Rồi đến lượt mình, cái xã hội giả dối đó lại trở thành môi trường vô cùng tốt cho tính giả dối phát triển, bởi vì “thật thà ăn cháo, láo nháo ăn cơm”. Tính trung thực, thật thà trở thành của hiếm, trong khi đó mới chính là những đức tính đứng đầu của nhân cách, của phẩm hạnh con người.

Bình luận mới nhất