Quê tôi giáp biển Tân Thành. Khi chưa có chương trình ngọt hóa Gò Công, sau tết khoảng tầm một tháng, xã nghèo quê tôi năm nào cũng thiếu nước sinh hoạt để dùng. Nhà tôi thì lại không.
Bởi sau tết, mẹ tôi dù có bận rộn thế nào, chiều mát là bà lại vác trên vai hai thùng nước nhỏ ra ao làng để gánh nước về. Thấy mẹ tự làm cực bản thân, tôi đâm ra khó chịu với bà. Bà chỉ cười bảo, thế mùa khô con không định tắm à?
Khi ngọt hóa Gò Công xong, nước tưới cho mấy vườn sơ ri dư dả thành ra người ta cũng cho lấp cái ao làng, nhiều nhà còn lấp luôn mấy ao nhỏ sau nhà, để có dư đất trồng thêm vài luống cải. Nhà tôi thì cũng không chọn lấp ao như nhà người ta. Ba giữ lại cái ao, trồng thêm mấy cây dừa tạo bóng mát, thả vài con cá rô phi, sẵn có dư nước tưới mấy cây mai vào những tháng hạn liền ngay sau tết. Ông còn xây cho mẹ mấy hồ nước tích nước mưa, đặt thêm hai hàng lu chứa nước sau nhà. Có những cái lu gần 30 - 40 tuổi, ngang với tuổi của tôi bây giờ.
Sau mấy mươi năm, đến khi trên thượng nguồn đập thủy điện chằng chịt thành hình. Từ đó, dòng nước mặn từ cửa Tiểu, cửa Đại cũng theo mạch ngầm len lỏi vào trong nội đồng vì mực nước sông thấp hơn mực nước biển vào những tháng khô vì sông mẹ Mekong đem nước về ít hơn xưa. Vậy là, nhà các dì tôi bị thiếu nước, hàng xóm cũng bị thiếu nước. Mẹ tôi phải chia cho mỗi nhà vài thùng nước mưa được tích lũy trong hồ, lu ra từ mùa trước ra cứu trợ.
Mấy nay, lướt báo tôi thấy quê mình tỉnh Tiền Giang, cũng là tỉnh đầu tiên công bố hạn mặn. Tại xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông cách nhà tôi vài cây, xe bồn chở nước từ thiện chạy hết công suất. Người miền Tây nghĩa tình, cần gì thì sẻ chia cái đó.
Mà năm nào cũng vậy. Như hẹn lại lên, cứ hạn là sẽ có nhiều đợt cứu trợ. Người cho máy lọc nước, người cho bồn chứa để dân có đủ nước dùng, đợi chờ hạt nước từ trên trời rơi xuống. Về phía nhà quản lý, cũng xông xáo triển khai các dự án làm bồn chứa tích nước với quy mô nhỏ, hay ống dẫn nước về vùng hạn. Nhưng đó có phải là chiến lược dài hạn?
Năm nào miền Tây chẳng có hạn, chẳng có mặn. Mấy trăm nay vẫn thế đó thôi. Nhưng các dự án thủy điện, các đập chứa ở Trung Quốc, Thái Lan, Lào ngày đếm không xuể. Những dự án đó, cũng đâu phải họ làm một ngày một bữa. Thế mới thấy, cách chúng ta quản lý nước không mang tính căn cơ, lâu dài và thiếu sự chuẩn bị.
Thiếu ở đâu, chúng ta múc nước bù cho chỗ đó. Những giải pháp như vậy cũng chỉ để người dân qua cơn khát. Thiếu nước là thiếu cả một tỉnh, cả một vùng. Những phương diện khác của cuộc sống không lẽ chẳng cần dùng đến nước. Nước mà nhiễm mặn rồi thì lấy gì nuôi cá, có cái gì để tưới cây sầu riêng hay phục vụ phát triển kinh tế.
Năm 2015 đã là một bài học. Nước mặn chạy đuổi tới cầu Mỹ Thuận, tiến thẳng Vàm Cỏ Đông tiêu diệt nhiều ruộng vườn xứ Long An. Rồi đợt hạn mặn lịch sử năm 2016, người ta cho là 100 năm mới lặp lại, 10 trong số 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long phải công bố thiên tai. Chính phủ đã chi 530 tỷ đồng cho 8 tỉnh ứng phó. Thế mà bây giờ, đã 9 năm trôi qua, chúng ta vẫn còn bàn chuyện cứu trợ nước.
Trên thế giới không ít mô hình quản lý và giữ nước. Thành phố Suwon, tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc là một ví dụ đáng suy ngẫm. Ngoài đê chắn sóng Hwangseong chống xâm nhập của nước biển và xây hồ tích nước dành cho nông nghiệp được triển khai vào năm 1991. Thành công của Suwon trong việc thu hoạch và sử dụng nước mưa còn được biết đến là nguồn cảm hứng cho các thành phố khác trên toàn thế giới đang tìm kiếm các giải pháp quản lý nước bền vững. Họ khai thác nước mưa cho các nhu cầu đa dạng khác nhau, với nhiều cách tiếp cận khác nhau.
Thứ nhất, về cơ sở hạ tầng thu nước mưa: thành phố đã đầu tư mạnh vào việc xây dựng hệ thống thu nước mưa, bao gồm hệ thống thu gom trên mái nhà, bể chứa ngầm và bể thấm. Các hệ thống này thu giữ và lưu trữ nước mưa cho nhiều mục đích sử dụng khác nhau, giảm sự phụ thuộc vào nước máy đã qua xử lý.
Thứ 2, về tiện ích và cơ sở công cộng: nước mưa được sử dụng trong các cơ sở công cộng như trường học, công viên và trung tâm cộng đồng để xả nước cho nhà vệ sinh, tưới tiêu và các mục đích không uống được khác. Điều này làm giảm áp lực lên nguồn cung cấp nước của thành phố.
Thứ 3, về cảnh quan đô thị: nước mưa được đưa vào thiết kế cảnh quan đô thị, sử dụng vỉa hè thấm nước, cống thoát nước sinh học và vườn mưa để dẫn nước mưa vào lòng đất, bổ sung nguồn dự trữ nước ngầm và giảm thiểu nước mưa chảy tràn.
Thứ 4, về giáo dục và nâng cao nhận thức: Suwon tích cực thúc đẩy việc thu hoạch nước mưa cho người dân thông qua các chương trình giáo dục, hội thảo và khuyến khích. Người dân được khuyến khích lắp đặt hệ thống thu nước mưa trong nhà và cơ sở kinh doanh của họ.
Các phương pháp tiếp cận sáng tạo và cam kết thu hút sự tham gia của công chúng mang lại những bài học quý giá để chuyển đổi hướng tới một tương lai an toàn hơn về nước. Những nỗ lực quản lý nước mưa của Suwon đã mang lại nhiều lợi ích trong việc bảo tồn nước, làm giảm đáng kể sự phụ thuộc của thành phố vào nước máy đã qua xử lý, bảo tồn nguồn tài nguyên quý giá này và giảm hóa đơn tiền nước cho người dân. Nó còn giúp giảm thiểu lũ lụt bằng cách quản lý hiệu quả lượng nước mưa chảy tràn.
Suwon đã giảm thiểu nguy cơ lũ lụt đô thị, bảo vệ tài sản và cơ sở hạ tầng khỏi bị hư hại. Hơn hết, dự án còn giúp bảo vệ môi trường. Nước mưa thấm vào lòng đất bổ sung nguồn dự trữ nước ngầm, cải thiện độ ẩm của đất và hỗ trợ hệ sinh thái khỏe mạnh.
Tính bền vững và khả năng phục hồi cũng cần được kể đến. Các hoạt động quản lý nước mưa của Suwon thể hiện cam kết của họ đối với sự bền vững và khả năng phục hồi môi trường khi đối mặt với biến đổi khí hậu.
Người ta nói miền Tây thiếu nước? Có phải vậy? Hàng năm nước thượng nguồn chảy về 300 tỷ - 400 tỷ mét khối nước. Con số ấy không nhỏ. Cái nhỏ là trong chiến lược. Những tháng nước về chúng ta cứ cho nó trôi hết ra biển. Cần có một kế hoạch lâu dài để thuận thiên mà sống. Những con đập Ba Lai ở Bến Tre, đập Cái Lớn chỉ có thể là giải pháp ngăn mặn, chúng ta cần kế hoạch để dành và trữ nước cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đã tới lúc những tỉnh ven biển như Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang phải có chiến lược lớn, cụ thể và thiết thực hơn để giữ lại nước.
Để bảo vệ Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa cả nước chúng ta cần một giải pháp, căn cơ và đồng bộ. Không phải chỉ manh mún thiếu đâu lắp đó mà là chiến lược lớn của cả vùng.
Hôm qua, mẹ gọi tôi rồi khoe bảo mấy chục năm nay dì mày vẫn cứ tới mùa khô là xuống nhà xin nước ngọt về để dành pha cà phê bán cho buổi chợ sáng. Tự nhiên, tôi thấy buồn ngang ơ câu chuyện quê mình.