| Hotline: 0983.970.780

Hợp tác xã - Việt Nam cần, thế giới cần

Thứ Sáu 15/05/2015 , 09:29 (GMT+7)

TS Nguyễn Xuân Cường - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã trao đổi với NNVN về câu chuyện HTX và những định hướng phát triển của nó…/ HTX, người sống khỏe, kẻ ngắc ngoải: Như 'câu chuyện bó đũa'

Thế giới vẫn rất cần HTX 


TS Nguyễn Xuân Cường

Nền kinh tế thế giới hiện nay còn cần HTX không, thưa ông?

Phải khẳng định là rất cần vì quy luật phát triển của thế giới không đều về kinh tế. Các tập đoàn lớn hiện nay, kể cả tập đoàn đa quốc gia có thể chiếm tới 70-80% GDP của thế giới đi chăng nữa thì vẫn còn 20-30% gồm những đối tượng kém lợi thế nhưng lại quyết định sự ổn định của xã hội loài người.

 HTX sinh ra để “ném” vào khu vực đó, giúp thế giới phát triển công bằng hơn, bền vững hơn.

HTX ra đời đầu tiên ở Hà Lan cách đây hơn 100 năm, hiện ở Nhật Bản, Đài Loan vẫn rất chú ý phát triển, đặc biệt Israel đã nâng HTX lên tầm cao hơn khi gắn với mô hình tổ chức xã hội và đô thị hóa nông thôn.

Vai trò quan trọng thế nhưng tại sao HTX ở Việt Nam cứ đì đẹt?

Trước đây HTX thay vì tư duy của một người bằng tư duy của tập thể, với trình độ quản trị và trình độ hành chính nên đã tạo ra sức mạnh như xã hội Xô Viết những năm đầu.

 Nhưng về sau khi HTX trì trệ ta không chủ động chuyển đổi dù chủ trương có nhưng tổ chức thực hiện không tốt…

HTX rất cần, trong thực tế nó phát huy tác dụng, xuất hiện rất nhiều mô hình như HTX cá giống ở Lai Châu. Với 20 hộ thành viên họ tự gom tiền được 2,5 tỉ san ủi một khu vực để thành lập cơ sở cá giống, liên kết với Viện nghiên cứu thủy sản cung ứng toàn bộ cá giống cho tỉnh, phương thức rất đa dạng.

Bán cá giống mà xây dựng hẳn một kho thóc 100 tấn. Tôi hỏi để làm gì? Bảo bán cá đầu năm cuối năm người ta trả thóc cũng lấy thóc, trả ngô cũng lấy ngô. Làm dịch vụ thế thì tốt quá chứ còn gì? Làm gì có tập đoàn nào làm được như thế?

Tôi kể chuyện một HTX của người Dao để chứng minh rằng dân trí thấp vẫn làm HTX hiệu quả được. Để bảo tồn một số thảo dược cũng như công dụng về bài thuốc nước tắm của đồng bào Dao có ông đã thành lập nên HTX.

Họ quản lý một khu rừng trồng cây thuốc, xây một loạt nhà tắm thuốc, chiết xuất ra các loại dầu dù rất thô sơ để bán làm quà lưu niệm, giới thiệu bản sắc văn hóa Dao.

Ở Lào Cai có mô hình HTX Hoa Đào thành lập cách đây 5 năm do một chị chủ nhiệm cùng với 20 thành viên.

Nói một cách dễ hình dung khi có một hàng rào lỗ mà các thành phần kinh tế khác không chui qua được (tập đoàn, công ty, kinh tế hộ) thì đó là kẽ để cho HTX kiểu mới phát triển.
HTX phát triển nhưng nếu không có chiến lược tốt sẽ bị diệt vong vì các thành phần kinh tế khác lớn lên dần sẽ đè, do đó phải liên minh lại thành lớn hơn, phải liên kết với doanh nghiệp.

Họ vừa tổ chức một phần sản xuất như trồng hoa hồng, rau su su, vừa thu mua sản phẩm cho cả vùng đó. Lúc đầu HTX có 1 ô tô giờ đã có 10 ô tô, có ngày mua hàng trăm tấn rau.

Những HTX kiểu mới này thường có một người “đầu têu” là sáng lập viên có kiến thức, say sưa, rủ được các hộ cùng sở thích vào.

Hai sức ì

Ta đang bị hai sức ì. Sức ì thứ nhất đến từ nỗi ám ảnh về HTX kiểu cũ. Sức ì thứ hai là ý thức vươn lên tìm ra lối thoát của lãnh đạo HTX vừa kém vừa bị động.

Một câu chuyện để chứng minh. HTX Xuân Kiên ở huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định hiện có 205 ha ruộng. Đây là mô hình điển hình của HTX kiểu ngày xưa nhưng từ khi có Luật HTX 2012 cũng chuyển sang làm 8 loại dịch vụ như làm đất, thủy lợi, giống, phân bón, BVTV, thu hoạch... Xã viên chỉ còn mỗi động tác cào cỏ rồi chờ vác tải ra đầu bờ để nhận thóc thôi.


Ảnh minh họa

Nhìn bề ngoài tưởng rằng đây đích thị là HTX kiểu mới. Phải chăng nó đã hết cơ địa để phát triển? Nhưng đó mới chỉ làm chức năng dịch vụ có tính chất lịch sử bởi 5-10 năm nữa không ai ở đấy trồng lúa nữa.

Thứ nữa, HTX này sinh ra ở mảnh đất quá thuận lợi vì Xuân Kiên là cái nôi của công nghiệp địa phương, rất giàu nên mới có điều kiện cơ giới hóa. Tại sao bây giờ HTX đó không mở rộng dịch vụ bằng cách đem các loại thực phẩm hàng ngày đến tận nhà cho người dân để họ có thời gian đi làm công nghiệp?

Những chức năng dịch vụ đời sống đó hoàn toàn có thể bổ sung thêm vào, ai cấm? Có gì giới hạn đâu?

Tính thụ động cộng với ác cảm, định kiến về mô hình HTX kiểu cũ thành thử ra không sinh ra được nhiều HTX kiểu mới.

Có những HTX không bị cát cứ bởi ranh giới địa lý, hành chính như Quý Hiền (Lào Cai) với thành viên là cả tỉnh chứ không phải phạm vi một xã, một huyện. Ngay trong chính đồng bằng sông Hồng là cái nôi của HTX ngày xưa vẫn là mảnh đất màu mỡ cho HTX kiểu mới phát triển.

Con đường nào cho phát triển

Con đường nào cho sự phát triển HTX hiện nay, thưa ông?

Chúng ta không thể nhân ồ ạt HTX lên thành mô hình như của thế giới được bởi vì xuất phát điểm của kinh tế VN quá nhỏ bé, quá cát cứ.

Thứ nhất phải có lộ trình để chuyển đổi HTX kiểu cũ dù vai trò tác động của nó không nhiều, dù không có nó vẫn có thành phần khác làm dịch vụ cung ứng cho sản xuất. Trên thực tế khoảng 40-50% HTX vẫn đang làm những chức năng tối thiểu của một dạng hình kinh tế cũ không hà cớ gì mà phải xóa đi. Tốt nhất là ở đó nên cấy thêm những dịch vụ, khuyến khích cho số này phát triển đến một giai đoạn “đẻ” ra nhiều HTX chuyên, cái cũ bị lấn át dần và mất đi.

HTX chỉ là một thành tố của nền kinh tế, dù có hà hơi tiếp sức đến mấy cũng không thể thay thế được doanh nghiệp, tập đoàn. HTX không làm triệt tiêu kinh tế hộ mà phải phát huy kinh tế hộ đến mức điển hình. Tùy vào từng khu vực kinh tế, từng dạng vùng mà phát triển HTX lên mức độ nào.

Thứ hai là tổng kết nhanh những mô hình HTX mới đúng nghĩa để nhân rộng. Hai loại hình HTX này sẽ gặp nhau ở một đoạn lịch sử mà ở đó liên kết giữa doanh nghiệp, tập đoàn với HTX lớn mạnh, hòa đồng thành khối kinh tế chung.

Những nút thắt nào cần gỡ?

Dù là mô hình kinh tế tập thể nhưng tôn chỉ, mục đích của HTX không phải duy nhất và cao cấp về kinh tế do đó thua các thành phần kinh tế khác.

Nếu không hiểu hết tính nhân văn, tính ổn định xã hội và phát triển đồng đều, không có bàn tay bà đỡ của nhà nước thì HTX rất khó phát triển. Nhà nước cần bà đỡ về chính sách cho HTX như chính sách cho cơ sở vật chất, thuế, tín dụng, đào tạo nguồn nhân lực…

Có một thực tế hiện nay là các HTX đang rất thiếu vốn trong khi đất đai lại không được coi là tài sản để thế chấp vay ngân hàng?

Thế chấp tài sản là quan điểm rất lạc hậu, sợ trách nhiệm. Phải đổi mới thay thế chấp bằng tín chấp. Nếu anh có ý tưởng, có dự án tốt thì nhân viên phụ trách tín dụng của ngân hàng phải có đủ kiến thức để thẩm định, khi đã tin tưởng là tín chấp luôn…

Tín dụng đang có ba nút thắt. Thứ nhất là thể thức cho vay như vừa nói. Thứ nhì là thời hạn cho vay hiện cứ hoàn toàn ăn đong 5 tháng đến 1 năm. Nếu văn minh ra thời gian cho vay phải theo vòng đời của đối tượng sản xuất và HTX vay cần phải có trợ giá về lãi suất.

Nút thắt thứ ba là thế giới hội nhập thì tỷ lệ lãi phải hội nhập chứ 8-10% thì làm sao sống nổi trong khi đất đai của ta manh mún, công nghệ của ta lạc hậu. Cứ cho là có ý chí kiên cường cũng chỉ khắc phục được yếu tố nào đó chứ chênh lệch 5-10 lần lãi suất làm sao sống được?

Ba nút thắt đó cần phải tháo. Ai tháo? Ngân hàng và nhà nước xúm vào tháo bằng các cơ chế chính sách.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên

Chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên 2024 sẽ được tổ chức tại TP Nha Trang từ ngày 23 – 24/5.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm