| Hotline: 0983.970.780

Khởi nghiệp phải mang lại lợi ích chô xã hội

Thứ Tư 14/02/2018 , 08:01 (GMT+7)

TS Trần Hữu Lộc hiện là giảng viên ĐH Nông Lâm TP.HCM, đồng thời là Giám đốc Phòng Nghiên cứu bệnh học thủy sản Shrimpvet. Còn trẻ, nhưng từ nhiều năm nay, Lộc đã được dân nuôi tôm biết tới và gọi anh một cách thân mật là “Tiến sỹ tôm”.

Anh là người đã tìm ra nguyên nhân gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm nuôi.

09-07-20_bi-tet-mu-tut-ts-trn-huu-loc
TS Trần Hữu Lộc

Với Shrimpvet, Lộc đang là một gương mặt đáng chú ý trong ngành thủy sản Việt Nam về khởi nghiệp (startup) bằng việc xây dựng và điều hành một phòng thí nghiệm với các trang thiết bị hiện đại, chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn, chẩn đoán phòng bệnh thủy sản và các dịch vụ khác.

Shrimpvet đang là một mô hình rất thành công về nghiên cứu bệnh thủy sản trong nước. Ý tưởng khởi nghiệp với Shrimpvet nảy sinh trong Lộc từ khi nào?

Khi du học ở Mỹ, tôi đã có may mắn được các thầy của mình ở Mỹ giúp kết nối với nền công nghiệp tôm thế giới. Khi về nước, nghiên cứu về bệnh tôm, tôi lại được tiếp xúc, hợp tác làm việc với nhiều DN tôm hàng đầu ở Việt Nam. Rồi nhờ tích cực tham gia các hội nghị, hội thảo, diễn đàn về tôm, tôi lại được nhiều người biết tới.

Khi ấy, tôi đã suy nghĩ nhiều tới việc phải xây dựng được một trung tâm nghiên cứu về con tôm ở Việt Nam. Bởi Mỹ không phải là nước nuôi tôm lớn, mà các thầy của mình vẫn có được một trung tâm nghiên cứu hàng đầu về tôm, còn Việt Nam là nước nuôi tôm lớn, tại sao lại không? Nếu có một trung tâm như vậy, sẽ phục vụ trực tiếp và hiệu quả cho sản xuất tôm nước ta.

Thế là Lộc bắt tay làm Shrimpvet từ đó?

Vâng. Năm 2014, tôi tiến hành xây dựng Shrimpvet. Nhờ vượt được sức ì ngay từ đầu, nên Shrimpvet đã đi khá nhanh. Shrimpvet đã sớm nhận được sự quan tâm từ các công ty, nhất là những công ty nước ngoài đang muốn nghiên cứu, xâm nhập, tham gia vào ngành thủy sản Việt Nam, muốn tiếp cận, giúp đỡ nông dân nuôi tôm, cá.

Họ rất cần có những đội, nhóm, công ty vừa giúp họ về mặt nghiên cứu, vừa giúp họ tiếp cận với nông dân. Những nghiên cứu của Shrimpvet đã giúp được các công ty đó khá nhiều, và ngược lại, các công ty cũng hỗ trợ không nhỏ cho sự phát triển của Shrimpvet. Ngay từ đầu, Shrimpvet đã định hướng là hỗ trợ không chỉ cho người nuôi tôm, nuôi thủy sản ở Việt Nam, mà cả trên toàn cầu, nên chúng tôi sớm có được tiếng nói chung với các công ty nước ngoài.

Trung tâm mới thành lập được 3 năm nay, nhưng đã hợp tác, làm việc với các tổ chức, DN đến từ 40 quốc gia. Hầu như không sót một nước lớn nào về nuôi trồng thủy sản. Qua đó, thu hút được nhiều trí lực, tài lực, vật lực, nhân lực ...

Hiện nay, Shrimpvet đang làm 30 - 40 dự án khác nhau với các nước. Đã đến lúc, Shrimpvet không đủ về không gian, cơ sở vật chất, con người… để đáp ứng với nhu cầu hợp tác quốc tế. Vì vậy Shrimpvet đã làm việc với Khu Công nghệ cao TP.HCM và được họ ủng hộ về việc xây dựng ở đây một Trung tâm nghiên cứu về thủy sản quy mô thế giới.

Lộc thường xuyên tiếp xúc với các bạn trẻ thông qua các buổi giảng dạy, tuyển dụng nhân sự. Nhiều bạn trẻ đang mang khát vọng khởi nghiệp. Theo Lộc, những hạn chế lớn của các bạn trẻ hiện nay là gì?

Một mẫu số chung của các bạn trẻ là chưa đặt ra được mục tiêu của cuộc đời mình là gì. Nhiều bạn trẻ thường lấy thước đo cho sự thành công là vật chất và sự hào nhoáng. Như có những bạn cứ muốn phải học xong tiến sỹ, nhưng hỏi học tiến sỹ để làm gì thì không trả lời được.

Nhiều bạn rất thiếu kỹ năng sống, kỹ năng mềm như giao tiếp, ăn nói... Mà những kỹ năng này lại cực kỳ cần thiết cho sự thành công. Chẳng hạn trong việc trang bị kỹ năng về ngoại ngữ. Nhiều bạn chưa có lộ trình học tiếng Anh đến nơi đến chốn để có thể sử dụng thành thạo trong công việc. Mà với sự thay đổi quá nhanh chóng trong quá trình toàn cầu hóa hiện nay, nếu không biết tiếng Anh, sẽ rất dễ bị tụt hậu, bị đánh mất cơ hội.

09-07-20_bi-tet-mu-tut-trn-huu-loc-nh-2
Một số bể nuôi thử nghiệm của Shrimpvet
"Tài sản lớn nhất của startup chính là sự “ngu dốt” của tuổi trẻ. Ngu ở đây là khi mình còn trẻ, có thể bất chấp rủi ro, bất chấp thân thể mà làm những chuyện người khác không dám làm (hoặc không thèm làm). Do đó, phải làm sao phát triển công ty thật nhanh trước khi trở nên "khôn ra", bởi lúc đó sẽ không còn chịu chấp nhận rủi ro nữa. Nếu công ty chưa kịp lớn mà ta đã tính đường an toàn thì xin lỗi, không có sự an toàn nào cả trong thế giới cạnh tranh này. Lúc đó, ta sẽ là miếng mồi ngon cho người khác đè bẹp", TS Trần Hữu Lộc.

Đơn cử như khi ASEAN đã hình thành một cộng đồng kinh tế. Khi ấy người lao động ở các nước trong khu vực sẽ dễ dàng sang Việt Nam để làm việc. Nếu lao động Việt Nam kém tiếng Anh, sẽ khó cạnh tranh được vị trí việc làm với người lao động đến từ các nước khác, nhất là ở những vị trí quan trọng.

Phong trào khởi nghiệp đang tạo cảm hứng cho nhiều người, nhất là các bạn trẻ. Nhưng dường như mọi người chưa có được sự nhìn nhận, đánh giá đúng đắn về khởi nghiệp, khi cho rằng cứ mở ra một doanh nghiệp, một quán ăn đã là khởi nghiệp?

Theo tôi, khởi nghiệp nếu không ấp ủ một công nghệ, kế hoạch tạo ra sự khác biệt thì không phải là khởi nghiệp. Do đó, mở quán cà phê, mở quán phở…, không thể gọi là khởi nghiệp.

Khởi nghiệp không phải là để kiếm tiền cho riêng bản thân mình mà là góp phần làm cho xã hội tốt hơn. Khởi nghiệp là trong xã hội đang có những điểm nghẽn nào thì mình xông vào tham gia giải quyết những điểm nghẽn đó.

Để khởi nghiệp thành công, phải có chiến lược và chiến thuật cụ thể. Chiến lược nghĩa là có định hướng đầu tư lâu dài để đạt được mục tiêu lâu dài. Vì thế, không thể coi là khởi nghiệp khi chỉ tính toán rằng trong vòng 2 năm sẽ kiếm được 2 triệu USD rồi thôi không làm nữa, ôm số tiền đó về sống nhàn nhã cả đời.

Phải có những quyết định, hành động cụ thể trong ngắn hạn. Ngay cả rất nhiều kỹ năng mình phải xây dựng cho bản thân và cho đội, nhóm của mình như kỹ năng về quản lý tài chính, quản lý con người, hiểu biết, pháp luật …

Để khởi nghiệp thành công, đi tới được giai đoạn phát triển ổn định và bền vững, đòi hỏi rất nhiều yếu tố, kể cả sự may mắn như gặp đúng thời điểm mà những quy định về pháp lý, chính sách nhà nước tạo điều kiện phát triển cho mô hình khởi nghiệp của mình.

Nhưng điều đó không có nghĩa là mình hiện mới có 4 yếu tố trong số 10 yếu tố cần thiết, phải chờ cho có đủ 10 yếu tố rồi mới bắt tay vào khởi nghiệp. Phải dám khởi nghiệp ngay khi chưa có đủ các yếu tố. Trong quá trình khởi nghiệp sẽ tạo dựng tiếp những yếu tố còn lại.

Xin cảm ơn anh!

Trong quý I/2018, Shrimpvet xây dựng trung tâm nghiên cứu ở Khu Công nghệ cao TP.HCM, với mức đầu tư 15 - 20 triệu từ nay đến 2025. Với quy mô đó, Shrimpvet sẽ thu hút công nghệ, khoa học, nhân lực, tài chính… từ các nước, để phần lớn những nghiên cứu quan trọng về tôm, cá, sẽ được thực hiện ở Việt Nam, giúp giải quyết các vướng mắc hiện nay, như làm sao để tạo được những dòng tôm có tính kháng bệnh cao, để nông dân không cần sử dụng kháng sinh…

 

Xem thêm
Sầu riêng 'tắc đường' sang Trung Quốc: Khẩn thiết cần 1 đầu mối đứng ra đàm phán

'Chúng tôi chỉ là hiệp hội, không có chức năng quản lý và chưa được hướng dẫn thủ tục cấp giấy kiểm định vàng O', Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nói.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.