Những tháng đầu năm, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp vừa và nhỏ nói chung có dấu hiệu phục hồi nhưng chưa thực sự khả quan.
Báo cáo tình hình doanh nghiệp quý I/2025 của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho thấy, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp khó khăn về tài chính. Cụ thể, có tới 39% doanh nghiệp đang thiếu vốn kinh doanh, gây ảnh hưởng lớn đến khả năng duy trì và mở rộng hoạt động.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là chi phí đầu vào gia tăng, bao gồm giá nguyên vật liệu và nhân công.
“Mặc dù 69,5% số doanh nghiệp ghi nhận doanh thu bán hàng tăng, nhưng 39% trong số đó lại có lợi nhuận sụt giảm do áp lực chi phí. Điều này làm suy giảm niềm tin của doanh nghiệp và đặt ra thách thức lớn về dòng tiền để duy trì hoạt động sản xuất”, báo cáo nêu rõ.

Nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM vẫn khó khăn do thiếu vốn.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, 59,8% doanh nghiệp đề nghị được hỗ trợ vốn tín dụng và giảm lãi suất để có thêm nguồn lực đầu tư vào máy móc, thiết bị hiện đại, mở rộng nhà xưởng, nghiên cứu phát triển (R&D), cũng như chuyển đổi xanh và số hóa. Đây là những yếu tố quan trọng nhằm duy trì năng lực cạnh tranh và đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Thời gian qua mặc dù Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, như chỉ thị 10/CT-TTg về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, hay Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại nợ và giảm lãi suất, nhưng hiệu quả chưa thực sự cao. Nguyên nhân là do điều kiện hưởng hỗ trợ còn khắt khe và thủ tục phức tạp, khiến số doanh nghiệp tiếp cận được vẫn còn hạn chế.
Trước thực trạng này, HUBA kiến nghị ngân hàng tiếp tục thực hiện các chính sách giảm lãi suất, cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-BKHĐT để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trả nợ cũ và bổ sung vốn lưu động.
Bên cạnh đó, HUBA cũng cho rằng Nhà nước cần có cơ chế phát triển và thu hút các nguồn vốn tài chính từ các sản phẩm như quỹ đầu tư bất động sản, quỹ tiết kiệm nhà ở, và chứng khoán hóa bất động sản để hỗ trợ doanh nghiệp.
Một vấn đề đáng chú ý là cần có chính sách cho vay mở rộng, ưu đãi cho doanh nghiệp gia đình, hoặc đơn giản hóa thủ tục vay vốn, điều kiện vay, mục đích vay, tạo điều kiện cho các chủ doanh nghiệp sử dụng tài sản cá nhân để phục vụ đầu tư.
Theo HUBA, mặc dù tỷ giá ngoại tệ trong nước biến động không lớn, chỉ khoảng dưới 2% mỗi năm, nhưng các ngân hàng vẫn giữ mức biên lợi nhuận khá cao, lên đến 4 - 4,5%, trong khi khoản vay ngoại tệ lại có mức lãi suất thấp hơn nhiều, chỉ từ 1,5 - 2,5%. HUBA kiến nghị các ngân hàng hạ mức biên lợi nhuận định mức (NIM) xuống còn 2,5% để đồng hành và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Bên cạnh đó, HUBA cũng mong muốn chính quyền Thành phố đẩy nhanh tiến độ cấp sổ hồng cho các dự án đã hoàn thành. Điều này không chỉ giúp đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, mà còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững.