| Hotline: 0983.970.780

Giao dịch thịt lợn qua sàn sẽ giúp thị trường tự điều chỉnh cung cầu

Thứ Năm 03/04/2025 , 15:00 (GMT+7)

Sàn giao dịch thịt lợn không chỉ giúp thị trường minh bạch và ổn định, mà còn hỗ trợ được tất cả bên liên quan trong chuỗi cung ứng.

Ông Dương Đức Quang, Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), đã chia sẻ với phóng viên Báo Nông nghiệp và Môi trường một số giải pháp nhằm bình ổn thị trường thịt lợn, đồng thời vẫn đảm bảo hài hòa lợi ích cho người chăn nuôi.

Nguồn cung thịt lợn có thể vẫn khan hiếm

Giá thịt lợn thời gian qua tăng mạnh, vượt xa mức trung bình nhiều năm. Ông có thể phân tích các yếu tố đã gây ra những biến động bất thường đối với giá thịt lợn trong thời gian gần đây?

Giá thịt lợn trong nước tăng mạnh thời gian qua là do tác động của nhiều yếu tố. Đầu tiên, cho tới nay, nguồn cung thịt lợn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, như dịch tả lợn Châu Phi (ASF), với rất nhiều địa phương vẫn chưa kiểm soát được dịch hoàn toàn. Điều này buộc nhiều trang trại phải tiêu hủy đàn lợn, khiến tổng lượng cung ứng trên thị trường không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ.

Ông Dương Đức Quang, Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV). Ảnh: Hồng Thắm.

Ông Dương Đức Quang, Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV). Ảnh: Hồng Thắm.

Ngoài ra, sự khan hiếm nguồn cung còn được thúc đẩy bởi việc nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không tái đàn do lo ngại rủi ro dịch bệnh và chi phí cao. Đây cũng là nguyên nhân dẫn việc giá lợn hơi tăng lên mức cao, có lúc đạt mức 83.000 đồng/kg vào ngày 6/3 tại tỉnh Đồng Nai.

Cuối cùng, chi phí đầu vào cũng đóng vai trò quan trọng. Giá lợn giống hiện tại dao động 2,4-3,2 triệu đồng/con, gấp đôi cùng kỳ năm 2024, thậm chí gần gấp 3 lần so với thời điểm giá tốt trong năm 2023. Điều này tạo áp lực lớn lên người chăn nuôi khi muốn mở rộng quy mô sản xuất. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến biến động giá bất thường trong thời gian qua.

Ông dự báo giá thịt lợn trong thời gian tới sẽ có xu hướng như thế nào, đặc biệt là trong các dịp cao điểm như lễ, Tết?

Trong thời gian tới, giá thịt lợn dự kiến sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao và có thể tăng đến mức 80.000 đồng/kg trong các dịp lễ, Tết do nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh.

Trong tháng tới, nguồn cung thịt lợn có thể vẫn khan hiếm do ảnh hưởng của dịch bệnh và khó khăn trong việc tái đàn. Tổng đàn lợn của cả nước tuy đã tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng lớn vào các dịp cao điểm.

Cuối quý II, giá thịt lợn có thể giảm nhờ một số yếu tố. Ảnh: Hồng Thắm.

Cuối quý II, giá thịt lợn có thể giảm nhờ một số yếu tố. Ảnh: Hồng Thắm.

Dịp nghỉ lễ thường là thời điểm nhu cầu tiêu thụ thực phẩm cao trong năm tại Việt Nam. Trong bối cảnh nguồn cung hạn chế và chi phí sản xuất chưa có dấu hiệu giảm, giá thịt lợn khó có khả năng giảm ngay lập tức. Hơn nữa, việc nhập khẩu thịt lợn mặc dù tăng mạnh nhưng vẫn chưa thể bù đắp hoàn toàn nhu cầu nội địa vì nhiều người tiêu dùng vẫn ưu tiên sử dụng thịt lợn trong nước do độ tươi mới, hương vị và chất lượng.

Mặc dù vậy, cuối quý II, giá thịt lợn có thể giảm nhờ một số yếu tố. Hiện tại, các doanh nghiệp lớn đang mở rộng quy mô chăn nuôi để tăng nguồn cung ra thị trường. Nếu việc tái đàn diễn ra thuận lợi và dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, đặc biệt ở những nơi đang bị ảnh hưởng nặng như Long An hay Thanh Hóa, thì nguồn cung sẽ dần ổn định trở lại.

Nhập khẩu thịt lợn sẽ tiếp tục gia tăng

Trong bối cảnh giá thịt lợn trong nước liên tục tăng cao, theo ông, xu hướng nhập khẩu thịt lợn trong thời gian tới sẽ diễn biến ra sao? Liệu việc gia tăng mạnh nhập khẩu có thực sự giúp hạ nhiệt giá thịt lợn trong nước, hay còn có những yếu tố khác tác động đến giá cả?

Xu hướng nhập khẩu thịt lợn của Việt Nam trong thời gian tới sẽ tiếp tục gia tăng nhằm giảm áp lực về nguồn cung nội địa. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, lượng nhập khẩu thịt lợn tươi hoặc đông lạnh đã đạt 12.600 tấn trong tháng 1/2025, tăng 105% về lượng so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy các doanh nghiệp đang tích cực tìm kiếm nguồn hàng từ nước ngoài để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng lớn.

Tuy nhiên, việc gia tăng nhập khẩu không hoàn toàn đảm bảo sẽ hạ nhiệt giá thịt lợn trong nước vì một số lý do. Thứ nhất, chi phí vận chuyển và thuế nhập khẩu khiến giá thành sản phẩm ngoại nhập giảm sự cạnh tranh so với hàng nội địa. Thứ hai, tâm lý người tiêu dùng Việt Nam thường ưu tiên sử dụng sản phẩm nội địa hơn do độ tươi mới, chất lượng và độ tin cậy cao hơn.

Ngoài ra, yếu tố dịch bệnh cũng ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát giá cả. ASF vẫn tồn tại ở nhiều địa phương khiến việc tái đàn gặp khó khăn. Điều này làm giảm hiệu quả của các biện pháp nhập khẩu khi nguồn cung nội địa không được cải thiện đáng kể.

Sàn giao dịch sẽ hạn chế được khâu trung gian

Việc giao dịch thịt lợn trên các sàn hàng hóa đã được triển khai ở một số nước. Việt Nam có thể áp dụng mô hình này để giúp thị trường minh bạch và ổn định hơn không?

Theo nghiên cứu của chúng tôi về các sàn giao dịch trên thế giới, giao dịch thịt lợn, hay rộng hơn là giao dịch hàng hóa qua sàn giao dịch, không những giúp thị trường minh bạch và ổn định, mà còn hỗ trợ được tất cả bên liên quan trong chuỗi cung ứng.

Thứ nhất, các hộ chăn nuôi xác định được giá cả và quy mô trước, yên tâm tái đàn. Giao dịch thịt lợn trên sàn là giao dịch tập trung, các chủ thể tham gia - từ bên cung cấp thịt lợn cho đến bên đặt giá mua - đều đặt giá công khai, từ đó minh bạch giá cả và khối lượng. Các hợp đồng tương lai niêm yết trên sàn sẽ giúp người dân định giá luôn giá thịt lợn kể từ khi bắt đầu tái đàn. Đồng thời khối lượng hợp đồng sẽ cho người chăn nuôi tính toán xem quy mô đàn lợn của họ. Đó là bảo hiểm giá thông qua giao dịch trên sàn.

Thứ hai, người chăn nuôi sẽ tự chuẩn hóa chất lượng thịt lợn theo các quy định mà sàn đặt ra. Chúng ta sẽ xây dựng những bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn để đảm bảo thịt lợn đạt chất lượng mới được niêm yết trên sàn giao dịch hàng hóa và từ các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn này sẽ điều chỉnh dần các cơ chế hoạt động hiện hữu trong quá trình chăn nuôi.

Thứ ba, giao dịch trên sàn sẽ hạn chế được khâu trung gian, giúp hạ giá thành thịt lợn. Quy trình lợn đi từ trang trại đến bàn ăn cũng đang phải qua nhiều khâu trung gian, mỗi khâu lại đội lên một giá, khiến giá lợn hơi và lợn thành phẩm tại chợ đang chênh lệch rất lớn.

Ngoài ra, việc niêm yết thịt lợn trên sàn cũng giúp các cơ quan Nhà nước quản lý chặt chẽ hơn về chất lượng sản phẩm, các địa phương tập trung phát triển ngành chăn nuôi theo hướng hàng hóa, phát triển các trang trại nuôi lợn quy mô lớn hơn, tổ chức liên kết theo chuỗi gắn với an toàn thực phẩm và có thể truy xuất được nguồn gốc xuất xứ.

Những phân tích ở trên cũng là phương thức mà một số nước đã triển khai và đã đem lại nhiều lợi ích cho cả cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người nuôi và người tiêu thụ. Thông qua đó, chúng tôi thấy rằng nước ta cần thiết phải sớm niêm yết và giao dịch thịt lợn qua sàn.

Việc niêm yết giá thịt lợn, hay các mặt hàng khác thông qua sàn giao dịch, sẽ tạo động lực để thị trường tự điều tiết cung - cầu, Nhà nước sẽ không cần can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính để điều chỉnh giá, tạo nên một nền kinh tế thị trường.

Cần có các chính sách hỗ trợ giảm chi phí sản xuất

Theo ông, cơ quan quản lý cần có biện pháp gì để bình ổn thị trường thịt lợn mà vẫn đảm bảo lợi ích cho người chăn nuôi?

Tôi nghĩ, việc giao dịch thịt lợn qua sàn giao dịch sẽ giúp thị trường tự điều chỉnh cung cầu và tạo nên một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa.

Người chăn nuôi cũng được đảm bảo lợi ích khi thông qua hợp đồng tương lai để được bảo hiểm giá, hay cụ thể hơn là đảm bảo nguồn tiêu thụ. Khi đó, lo nghĩ của người dân là chăn nuôi cho đạt số lượng và chất lượng, chứ không phải tính toán, cân nhắc về nguồn tiêu thụ như hiện tại.

Việc giao dịch thịt heo qua sàn giao dịch sẽ giúp thị trường tự điều chỉnh cung cầu và tạo nên một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa. Ảnh: Hồng Thắm.

Việc giao dịch thịt heo qua sàn giao dịch sẽ giúp thị trường tự điều chỉnh cung cầu và tạo nên một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa. Ảnh: Hồng Thắm.

Tuy nhiên, đây là một mô hình mới, cần nghiên cứu và thí điểm, rút kinh nghiệm, tức là cần thời gian mới có thể triển khai toàn diện.

Còn trước mắt, chúng ta nên tập trung vào việc kiểm soát ASF vì đây đang là nguyên nhân khiến nông dân hạn chế tái đàn, ảnh hưởng đến nguồn cung trên thị trường. Cơ quan quản lý cần tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, áp dụng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học và xử lý dịch bệnh kịp thời để giảm thiểu rủi ro cho người chăn nuôi.

Bên cạnh đó, cần có các chính sách hỗ trợ giảm chi phí sản xuất để người chăn nuôi có thể duy trì hoạt động trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng. Các biện pháp như miễn giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu hoặc trợ giá thức ăn chăn nuôi sẽ giúp giảm áp lực tài chính lên người sản xuất.

Việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm qua biên giới vào Việt Nam là điều cần thiết.

Tuy nhiên, trong một số thời điểm, để bổ sung nguồn cung và giá cả trong ngắn hạn, tôi cho rằng việc nhập khẩu sản phẩm thịt heo đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý cũng là điều cần thiết. Tất nhiên, trong trường hợp “sốt giá”, cơ quan quản lý cần giám sát chặt chẽ khâu trung gian để tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng hoặc đẩy giá lên cao. Những biện pháp này sẽ góp phần ổn định thị trường và tạo điều kiện thuận lợi cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững.

Xin cảm ơn ông!

(Thực hiện)

Xem thêm
Cùng sinh viên kiến tạo con đường nông nghiệp hạnh phúc

THÁI NGUYÊN Ngày 2/4, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên đã ký kết hợp tác toàn diện với Tập đoàn Tân Long với nhiều nội dung nội dung quan trọng, hỗ trợ sinh viên phát triển.

Petrovietnam và ACV đồng hành, hợp tác vì sự phát triển bền vững

Ngày 2/4, Petrovietnam đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện với Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (ACV).

39% doanh nghiệp vừa và nhỏ tại TP.HCM vẫn ‘khát vốn’

TP.HCM Quý I/2025, có tới 39% doanh nghiệp vừa và nhỏ đang thiếu vốn kinh doanh, gây ảnh hưởng lớn đến khả năng duy trì và mở rộng hoạt động.

5 dự án trọng điểm của TP.HCM sẽ hoàn thành trong năm 2025

Đó là Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, 2 nút giao An Phú, Mỹ Thủy và QL50 mở rộng, tổng mức đầu tư 24.300 tỷ đồng.

Bí kíp 'chốt đơn' 20 lô đất/tháng của nhà môi giới tại Hải Phòng

Bí kíp 'chốt đơn' và cơ duyên đến với nghề môi giới bất động sản của anh Nguyễn Văn Sen khá tình cờ và thú vị trong 'một lần mua đất bị hớ'.

Bình luận mới nhất