| Hotline: 0983.970.780

Khởi sắc làng quê nông thôn mới

Thứ Ba 05/09/2017 , 08:59 (GMT+7)

Xóm làng đổi mới, giao thông đi lại thuận tiện, sản xuất phát triển, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng cao...

08-38-56_1_cuoc_song_ngy_cng_khoi_sc_o_cc_x_ntm_gio_thong_di_li_thun_tien_sn_xut_pht_trien_doi_song_vt_cht_v_tinh_thn_duoc_nng_co
Cuộc sống ngày càng khởi sắc ở các xã NTM, giao thông đi lại thuận tiện, sản xuất phát triển, đời sống vật chất và tinh thần được nâng cao

Đó là cảm nhận của những cư dân nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, khi mà họ đang được hưởng thành quả mà chính mình đã đóng góp xây dựng.

Trong không khí phấn khởi của những ngày Cách mạng tháng Tám lịch sử và Quốc khánh 2/9, tôi có dịp về thăm lại huyện NTM Tân Hiệp, đơn vị cấp huyện đầu tiên của tỉnh Kiên Giang vinh dự về đích cách đây 2 năm.

Làng quê Tân Hiệp thanh bình nằm cặp theo những con kênh hiền hòa chở nặng phù sa của mùa nước nổi về bồi đắp cho đồng ruộng. Những cánh đồng lúa thu đông đang thì con gái phơi phới một màu xanh tít tắp. Năm nay lũ đẹp nên lúa càng xanh tốt, nông dân phấn khởi chờ đón sẽ có thêm vụ lúa 3 bội thu.

Anh Bùi Quốc Khánh, cư dân ấp Tân An, xã Tân An đang chăm sóc 3ha lúa sau nhà vui vẻ cho biết, ở xã NTM, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, áp dụng cơ giới hóa nên nông dân bây giờ không còn cảnh chân lấm tay bùn hì hục cầm cày theo đuôi con trâu như trước nữa. Thay vào đó là máy móc. Làm đất gieo sạ bằng máy, bơm tưới bằng mô tơ điện, phun xịt thuốc, sạ phân cũng đều bằng máy.

Thu hoạch lúa ngày xưa là khâu cực nhất nhưng giờ lại sướng nhất, cứ hẹn ngày là có máy gặt đập liên hợp đến làm dịch vụ, nông dân chỉ việc ngồi nhà đón xe chở lúa về, cân bán cho thương lái, thu tiền, tính toán lời lãi là xong. Tất cả thay đổi một cách nhanh chóng mà dăm mười năm trước có nằm mơ cũng không ai dám nghĩ đến.

Tân Hiệp nằm mình trải bên dòng sông Cái Sắn lấy nước từ sông Hậu đổ về. Kênh rạch được quy hoạch đào múc vuông vức bàn cờ, liền canh liền cư nên rất thuận tiện cho khâu canh tác. Giao thông thẳng tắp nằm cặp theo hai bên bờ kênh, mỗi dịp lễ, tết luôn rực rỡ cờ, hoa. Đi vào các kênh phần lớn vẫn phải “lụy đò” nhưng là những chiếc phà lớn, xe ô tô qua lại dễ dàng.

08-38-56_2_o_x_ntm_co_so_h_tng_duoc_du_tu_dong_bo_p_dung_co_gioi_ho_nen_nong_dn_duoc_gii_phong_suc_lo_dong
Ở xã NTM, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, áp dụng cơ giới hóa nên nông dân được giải phóng sức lao động
Ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG tỉnh Kiên Giang khẳng định: “Xây dựng NTM tỉnh Kiên Giang có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng nâng cao; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; hệ thống chính trị ở nông thôn được tăng cường”.

Qua bến phà kênh Tư là gặp UBND xã Tân Hiệp A, xã đầu tiên của huyện, cũng là xã sớm nhất tỉnh Kiên Giang hoàn thành mục tiêu NTM. Thấm thoắt đã 4 năm trôi qua từ ngày xã vinh dự được công nhận đạt chuẩn NTM, sang năm 2018 sẽ tái thẩm định lại.

Ông Hà Trường Giang, Chủ tịch UBND xã NTM Tân Hiệp A cho biết, chính quyền và người dân luôn xác định đạt chuẩn NTM chỉ là thành quả bước đầu, nên không thể tự mãn, mà phải tiếp tục phấn đấu, nâng chất các tiêu chí ngày càng cao hơn. Xã luôn quyết tâm và có các giải pháp cụ thể để giữ vững thành quả NTM đã dày công xây dựng.

Tân Hiệp đạt chuẩn huyện NTM vào cuối năm 2015 và chính thức được UBND tỉnh Kiên Giang ký quyết định công nhận năm 2016.

Tại lễ công nhận, Tân Hiệp đã được Trung ương trao phần thưởng công trình trị giá 10 tỷ để tiếp tục góp phần nâng chất các tiêu chí NTM. Trong quá trình thực hiện, huyện đã huy động được 944,6 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp 695 tỷ đồng để xây dựng NTM.

Huyên đã mở rộng, nâng cấp và bê tông hóa được 170km đường giao thông nông thôn; xây dựng nâng cấp 12.218 mương thủy lợi nội đồng, kiên cố hóa 120 cống, đập bơm… phục vụ phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa. Trong xây dựng NTM, huyện đã cụ thể hóa 19 tiêu chí NTM bằng 16 phần việc của xã, 12 phần việc của ấp, tổ người dân tự quản và 15 phần việc của hộ gia đình cần làm, xem đây là giải pháp hữu hiệu nhất đẩy nhanh quá trình thực hiện.

Ông Lê Văn Mạnh, Trưởng phòng NN-PTNT Tân Hiệp cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, Tân Hiệp dự kiến huy động nguồn lực 360 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 175 tỷ đồng, đồng thời tập trung chỉ đạo, hỗ trợ các địa phương nâng chất các tiêu chí, quyết tâm đưa 100% xã đạt chuẩn NTM theo quy định hiện hành.

Riêng thị trấn Tân Hiệp phấn đấu đến năm 2020 xây dựng đạt tiêu chuẩn đô thị loại 4, vùng ngoại ô đạt chuẩn NTM. Đến nay, Tân Hiệp đã có 9/10 xã được công nhận, hiện chỉ còn xã Thạnh Trị đang phấn đấu sớm được công nhận.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

'Nông dân số' ở làng cổ Đường Lâm

Từ mục đích lưu giữ kỷ niệm trên Tiktok, anh Chế 'Ba Vì' dần chuyển đổi những nội dung trên kênh sang giới thiệu nông sản, bán hàng để tăng thu nhập cho gia đình.

Chương trình OCOP là 'cú hích' phát triển kinh tế vùng nông thôn

HẢI PHÒNG Chương trình OCOP và những sự hỗ trợ xung quanh như là một cú hích cực kỳ quan trọng để giúp cho nông dân nâng tầm giá trị sản phẩm của mình làm ra.