Đội chủ nhà Lào Cai xuất sắc giành giải Nhất hội thi
Họ không chỉ giỏi về chuyên môn, giỏi thuyết phục người dân, mà khi bước lên sân khấu cũng không kém phần hóm hỉnh, tài năng.
Cuối tuần qua, tại tỉnh Lào Cai, Trung tâm KNQG phối hợp cùng Trung tâm Khuyến nông Lào Cai tổ chức hội thi thao giảng "Khuyến nông phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp năm 2016". 6 đội thi đại diện cho 6 tỉnh tham dự, đến từ Trung tâm Khuyến nông các tỉnh, TP: Hà Nội, Hà Nam, Bắc Giang, Hưng Yên, Thái Nguyên và Lào Cai.
Phát biểu khai mạc, TS. Trần Văn Khởi, Q.GĐ Trung tâm KNQG khẳng định, từ khi hình thành tới nay, lực lượng khuyến nông Việt Nam không ngừng lớn mạnh. Trong suốt chặng đường ấy, dấu chân người cán bộ khuyến nông có ở khắp mọi nơi. Họ đã, đang và luôn đồng hành cùng nông dân, góp phần thiết thực vào công tác xóa đói giảm nghèo và xây dựng NTM.
Theo ông Khởi, đây là cơ hội giúp các cán bộ khuyến nông nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ. Đồng thời cũng là dịp giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm giữa những người làm công tác khuyến nông các tỉnh, thành. Từ đó góp phần nâng cao công tác đào tạo, huấn luyện khuyến nông và chuyển giao TBKT cho người nông dân. Ngoài kiến thức, hội thi cũng sẽ làm dịp thể hiện tài năng văn hóa, văn nghệ thông qua những tác phẩm tự biên, tự diễn mang đậm bản sắc đời sống nông nghiệp, nông thôn.
Chia sẻ tại hội thi, ông Tô Mạnh Tiến, PGĐ Sở NN-PTNT Lào Cai cho biết, ngành nông của tỉnh nhà những năm qua vẫn phát triển dù còn lắm khó khăn, thách thức. Diện tích đất SXNN chỉ chiếm 13% trên tổng diện tích đất tự nhiên. 3 năm qua, Lào Cai đã đẩy mạnh đề án tái cơ cấu nông nghiệp. Trong đó, tập trung phát triển vào một số loại cây chủ lực, cũng là thế mạnh của địa phương như rau màu, chè, dược liệu…
Sau 3 năm, SXNN của Lào Cai vẫn giữ vững mức tăng trưởng 6%/năm. Giá trị kinh tế trên 1ha đất nông nghiệp đạt 51,42 triệu đồng. Mức độ che phủ rừng đến nay đạt 53,3%. Tỷ lệ hộ nghèo tuy còn cao, nhưng đã giảm xuống ở mức 13,8%.
Ông Tiến mong muốn và tin tưởng, đội ngũ khuyến nông không ngừng trau dồi chuyên môn, kỹ thuật, tiếp nhận những TBKT mới nhất để đưa về với người nông dân. Họ là lực lượng nòng cốt, bám sát địa bàn, là động lực mạnh mẽ giúp đời sống kinh tế của người dân đi lên, đặc biệt những vùng sâu, xa, khó khăn.
Trong một ngày diễn ra hội thao, 6 đội đã trải qua nhiều phần thi từ sân khấu hóa, kiến thức cho tới thực hành thao giảng đầy ngẫu hứng nhưng không kém phần kịch tính. Đội thi Hà Nam mang đến tiểu phẩm tự biên, tự diễn mang tên “Gậy ông đập lưng ông”. Câu chuyện về một người nông dân luôn có tư tưởng “rau ăn – rau bán”. Rau ăn thì không dùng thuốc BVTV. Rau bán thì phun “đã” tay, phun hôm trước, hôm sau đem ra chợ bán.
Rốt cục, ông và vợ con ăn phải mớ rau do chính ông phun thuốc. Cả gia đình phải nhập viện. Một câu chuyện giản dị, hài hước nhưng cũng không kém phần thực tế. Tuy không thể đánh đồng, nhưng đây là một tư tưởng chung của đại đa số những người SX có tầm nhìn hạn hẹp, thiếu đạo đức.
Đội tuyển chủ nhà đem đến hội thi tiểu phẩm mang đậm bản sắc vùng cao Tây Bắc. Một tay cả ngày chỉ biết uống rượu, vợ con chẳng màng huống gì lũ trâu bò thả rông trên đồi, dù cán bộ khuyến nông tuyên truyền ra rả. Đến khi rét đậm, rét hại, trâu bò chết liểng xiểng, gã mới của đau con xót mà thức tỉnh.
Nhờ có cán bộ khuyến nông, thôn bản, gã mua được con giống mới. Cũng từ đó, gã bỏ rượu, chăm chỉ làm ăn và trở thành cộng tác viên khuyến nông đắc lực. Từ một kẻ lấy rượu làm thú vui, gã đã biết đi khuyên bảo, hướng dẫn bà con cách làm chuồng trại, đốt lửa, mặc áo tránh rét cho trâu bò. Câu chuyện gửi gắm mong ước của những cán bộ khuyến nông. Nếu như ai cũng chịu thay đổi như gã say kia, cuộc sống của chính họ và những người xung quanh sẽ vơi bớt khó khăn.
Những đội tuyển khác, điển hình như Hưng Yên, Thái Nguyên cũng đem đến hội thi những tiết mục độc đáo, dí dỏm, nhiều tiếng cười như “Ngọc Hoàng và các Táo”, “Khuyến nông lên đường”. Chung cuộc, Ban giám khảo đã trao 3 giải Ba cho các đội Bắc Giang, Hưng Yên, Thái Nguyên. Hai đội đạt giải Nhì là Hà Nam, Hà Nội. Đội chủ nhà Lào Cai xuất sắc giành giải Nhất.
Theo TS Trần Văn Khởi, qua hội thi, có thể thấy lực lượng khuyến nông không chỉ giỏi về chuyên môn nghiệp vụ mà còn rất tài năng, hài hước. Hội thi đã giúp những người làm khuyến nông nâng cao kỹ năng, giảng dạy tập huấn. Trên hết, đây là dịp gặp gỡ, chia sẻ, giao lưu học hỏi lẫn nhau. Thông qua hội thi, tự mỗi cán bộ khuyến nông phải nhìn nhận, đánh giá lại bản thân. Điều gì đã làm được thì duy trì, phát huy. Mặt hạn chế, phải tự thay đổi, trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng, xứng đáng là những người bạn của nông dân. |