| Hotline: 0983.970.780

Kỷ niệm 40 năm thành lập Viện Lúa ĐBSCL

Thứ Sáu 13/01/2017 , 08:21 (GMT+7)

Ngày 12/1/2017, Viện Lúa ĐBSCL tổ chức hội nghị cán bộ viên chức người lao động, tổng kết hoạt động năm 2016 và phương hướng năm 2017. 

Cũng trong ngày này, nhân kỷ niệm 40 năm thành lập (31/1/1977 - 31/1/2017), Viện Lúa ĐBSCL tổ chức buổi họp mặt thân mật các thế hệ cán bộ và viên chức nhằm ôn lại truyền thống xây dựng và phát triển trong 40 năm qua.

14-56-38_hop-mt-ky-niem-40-nm-thnh-lp-vien-lu-dbscl-nh-hd
Họp mặt kỷ niệm 40 năm thành lập Viện Lúa

 

Viện lúa ĐBSCL tiền thân là Trung tâm kỹ thuật Nông nghiệp ĐBSCL thành lập ngày 31/1/1977 tại xã Thới Thạnh, huyện Ô Môn, tỉnh Cần Thơ, nay là xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ. Năm 1985 Trung tâm kỹ thuật nông nghiệp ĐBSCL được đổi tên thành Viện lúa ĐBSCL và hiện nay Viện Lúa trực thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam.

Trải qua 40 năm, thành tựu nổi bật của Viện về nghiên cứu di truyền và chọn tạo giống lúa, có tác động hiệu quả đến việc tăng trưởng sản lượng lúa ở ĐBSCL.

Ấn tượng mạnh nhất với dòng lúa OM (Viện lúa Ô Môn) có đặc tính thích nghi cao, dần dần lan rộng trên khắp đồng ruộng vùng ĐBSCL, góp phần đưa năng suất lúa từ 2 - 3 tấn tăng lên 6 - 7 tấn/ha/vụ, đáp ứng được sự mong mỏi của hàng triệu nông dân trong vùng.

Hơn thế nữa, các giống lúa ngắn ngày đã tạo điều kiện thâm canh, tăng vụ, góp phần gia tăng sản lượng lúa ở ĐBSCL từ khoảng 4 triệu tấn/năm (1977) đến nay vượt trên 25 triệu tấn/năm, tăng hơn gấp 6 lần.

Hiện nay Viện đã lưu trữ được hơn 3.000 mẫu giống gồm nhập nội và địa phương. Nguồn vật liệu lúa địa phương được đánh giá kiểu hình, được tư liệu hóa với 2.200 mẫu giống cùng với hàng trăm mẫu giống lúa hoang, tạo cơ sở phục vụ lai tạo giống.

Đến nay Viện đã chọn tạo giống và được công nhận đưa vào SX 166 giống lúa. Đa số các giống lúa do Viện chọn tạo với ký hiệu OM, có thời gian sinh trưởng ngắn từ 90 - 100 ngày. Viện đã chọn tạo được tập đoàn giống lúa dưới 90 ngày, nhóm các giống OMCS đảm bảo năng suất, chất lượng và tính chống chịu sâu bệnh tốt đã giúp nông dân trong vùng có điều kiện thâm canh, tăng vụ, né mặn, tránh lũ.

Nhờ nhóm giống lúa ngắn ngày đã giúp nông dân ĐBSCL làm tăng thêm vụ 3 với trên 800.000ha, mỗi năm sản lượng tăng thêm khoảng 4 triệu tấn lúa. Trong những năm qua thị trường tiêu thụ lúa gạo có xu hướng chuyển đổi, Viện đã nhanh chóng nghiên cứu chọn tạo và đưa vào SX các giống lúa mới cao sản có chất lượng cao, gạo thơm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Theo Trung tâm Khảo Kiểm nghiệm giống cây trồng Trung ương, đến nay Viện Lúa đóng góp 5 giống trong số 10 giống lúa được trồng phổ biến trên cả nước. Riêng ở ĐBSCL Viện có 8 giống trong 10 giống chủ lực được trồng phổ biến nhất, chiếm trên 70% diện tích gieo trồng.

Riêng 4 giống lúa chủ lực OM 5451, OM 6976, OM 4218, OM 4900 chiếm 40 - 60% diện tích trồng lúa ở ĐBSCL. Hơn nữa, một số giống lúa OM được trồng thử nghiệm và chứng tỏ khả năng thích nghi tốt ở nhiều nước như: Campuchia, Lào, Brunei, các nước Nam Á và châu Phi.

Bên cạnh đó trong quá trình nghiên cứu khoa học Viện lúa đã xây dựng 16 quy trình kỹ thuật được công nhận ở cấp quốc gia, 42 quy trình kỹ thuật cấp cơ sở; đồng thời phối hợp cùng với các cơ quan nghiên cứu đưa ra các giải pháp kỹ thuật ứng dụng hiệu quả rất lớn như gói kỹ thuật thâm canh tổng hợp “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”; sử dụng công cụ và máy gieo lúa bằng kỹ thuật sạ hàng; nghiên cứu đưa ra biện pháp phòng trừ sinh học, SX thuốc trừ sâu sinh học Ometar/Biovip - hai loài nấm có ích là nấm trắng và nấm xanh, giúp nông dân phòng trừ sâu, rầy hại lúa rất hiệu quả về kinh tế và bảo vệ môi trường.

14-56-38_vien-lu-dbscl-nh-hd
Viện Lúa ĐBSCL
 

Thành tựu phát triển của Viện Lúa đạt được như hôm nay nhờ sự vun đắp công sức của các lãnh đạo tiền nhiệm qua các thời kỳ rất tâm huyết phát triển Viện Lúa như: Thầy Trần Như Nguyện - nguyên Giám đốc Trung tâm kỹ thuật Nông nghiệp ĐBSCL, GS.TS AHLĐ Nguyễn Văn Luật - nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, GS Nguyễn Thơ, PGS.TS Bùi Bá Bổng - nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, GS.TS Bùi Chí Bửu - nguyên Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Viện trưởng Viện KHKTNN Miền Nam, TS Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp và PTNT, TS Nguyễn Xuân Lai - Viện trưởng Viện Nông hóa Thổ nhưỡng, TS Nguyễn Trí Hoàn - Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, TS Phạm Văn Dư - nguyên Cục phó Cục Trồng trọt, TS Lê Văn Bảnh - Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại Nông lâm thủy sản và nghề muối… cùng với sự đoàn kết một lòng của nhiều thế hệ CBVC từ khắp mọi miền đất nước.

Hiện nay đội ngũ cán bộ nghiên cứu của Viện được đào tạo từ các nước có nền nông nghiệp hiện đại như Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Úc và Viện nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI), với tổng số 219 cán bộ trong đó có 2 GS - PGS, 25 tiến sỹ, 64 thạc sỹ, 86 kỹ sư và cán bộ kỹ thuật.

Xem thêm
Những thực phẩm hàng đầu Hà Nội tham gia hội chợ Foodservice Australia 2024

Sở NN-PTNT Hà Nội phối hợp với Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Australia sẽ tổ chức đoàn xúc tiến thương mại tham gia hội chợ Foodservice Australia 2024 tại Sydney.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Hỗ trợ sinh kế và 12.000 vịt giống giúp nông dân thoát nghèo

THANH HÓA Ngày 16/5, tại Thường Xuân, Tập đoàn Mavin phối hợp với tổ chức World Vision trao tặng 12.000 vịt giống trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ sinh kế giai đoạn 2022 - 2024.

Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sẽ khởi sắc

KHÁNH HÒA Tháo gỡ khó khăn về mặt thể chế sẽ là điều kiện thuận lợi để triển khai phát triển bất động sản, trong đó có bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.