Lễ hội sâm và hương liệu, dược liệu quốc tế năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 24-26/5 tại trục đường Lê Lợi, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM. Đây là lần đầu tiên một lễ hội về sâm và hương liệu, dược liệu quy mô quốc tế được tổ chức tại Việt Nam.
Thông tin tại buổi họp báo Lễ hội sâm và hương liệu, dược liệu quốc tế năm 2024 sáng 17/5, ông Lê Trường Duy, Tập sự Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Đối ngoại và Hội nghị quốc tế (FSC) cho biết, ngành sâm và hương liệu, dược liệu là một trong những ngành thế mạnh của Việt Nam. Trong đó, sâm ngọc linh là một trong những dược liệu quý và đặc hữu ở Việt Nam.
"TP.HCM không phải địa phương có vùng trồng dược liệu. Nhưng với vai trò thành viên có trách nhiệm, TP.HCM tiên phong tổ chức lễ hội với mong muốn nhằm quảng bá, bảo tồn, phát triển và lan tỏa ngành sâm và hương liệu, dược liệu Việt Nam, tạo môi trường cho doanh nghiệp Việt Nam giao lưu, hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp trong nước và quốc tế có thế mạnh về sâm và hương dược liệu.
Bên cạnh đó, tạo sân chơi rộng để doanh nghiệp trong và nước ngoài hợp tác với nhau, chia sẻ kinh nghiệm về công nghệ chế biến, truy xuất nguồn gốc, vùng trồng...", ông Lê Trường Duy nói.
Theo ông Lê Trường Duy, khi nhắc đến sâm, nhiều người tiêu dùng trong nước chỉ nghĩ đến sâm Hàn Quốc. Thế nhưng, sâm của Việt Nam được các nhà khoa học đánh giá rất tốt, đặc biệt là sâm Ngọc Linh.
Lễ hội lần này là một trong những cách để nhận diện về thương hiệu sâm, trà, dược liệu của Việt Nam. Từ đó góp phần thay đổi cách nhìn và thói quen tiêu dùng của người tiêu dùng trong nước về sâm, hương liệu, dược liệu của Việt Nam.
Ông Duy thông tin thêm, đến thời điểm hiện nay, đã có 13 đoàn khách quốc tế đăng ký tham dự và 32 doanh nghiệp quốc tế tham gia trưng bày tại Lễ hội sâm, hương liệu, dược liệu quốc tế 2024.
Bà Huỳnh Khánh Thủy Nguyên, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn hỗ trợ nông nghiệp TP.HCM (Sở NN-PTNT TP.HCM) cho biết, lễ hội được chia làm 4 khu vực: Khu không gian triển lãm, trải nghiệm của TP.HCM và các tỉnh thành; Khu gian hàng thương mại; Khu vực đảo trà và gian hàng thương mại quốc tế; Khu không gian ẩm thực trong nước và quốc tế.
Điểm nhấn của lễ hội là khu tái hiện, mô tả lại đặc điểm, không gian sinh trưởng của sâm Ngọc Linh giống như tự nhiên để du khách có thể tham quan, trải nghiệm thực tế.
"Khách tham quan có thể tham gia trải nghiệm dùng thử sâm, ngâm chân với thảo mộc, tư vấn bác sĩ trong suốt những ngày diễn ra lễ hội", bà Nguyên cho hay.
Lễ hội có sự tham gia từ đại diện Bộ, ngành, các địa phương và doanh nghiệp có thế mạnh về sâm và hương liệu, dược liệu như Canada, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, các quốc gia Đông Nam Á, cùng 20 địa phương trong nước và 60 đơn vị doanh nghiệp, hợp tác xã. Trong đó, TP.HCM có 18 doanh nghiệp sản xuất chế biến sâu tham gia trưng bày với hơn 100 sản phẩm liên quan đến sâm và dược liệu.
Với quy mô 32 gian hàng thương mại quốc tế, 25 gian hàng triển lãm địa phương với gần 70 sản phẩm từ sâm tươi và các sản phẩm chế biến từ sâm; gần 40 gian hàng ẩm thực Việt Nam/quốc tế.
Ngoài không gian triển lãm sâm và hương liệu, dược liệu, Lễ hội sâm và hương liệu, dược liệu quốc tế TP.HCM năm 2024 còn có nhiều hoạt động như hội thảo chuyên đề về sâm và hương liệu, dược liệu; chuỗi chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật; chương trình giao lưu món ngon từ sâm và hương liệu.
Lễ hội sâm và hương liệu, dược liệu quốc tế TP.HCM năm 2024 được kỳ vọng là dịp để các địa phương và doanh nghiệp giao lưu, quảng bá những sản phẩm sâm và hương liệu, dược liệu chất lượng, góp phần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch, quảng bá thương hiệu sâm và hương liệu, dược liệu đến với người dân trong nước và bạn bè quốc tế.
Ngày 1/6/2023, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký Quyết định 611/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Mục tiêu đến năm 2030 bảo tồn nguồn gen sâm Việt Nam ngoài tự nhiên gắn với bảo vệ, phát triển rừng và bảo tồn đa dạng sinh học trong hệ sinh thái rừng; mở rộng diện tích trồng sâm Việt Nam đạt khoảng 21.000ha; 100% diện tích trồng sâm Việt Nam được cấp mã số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý; đạt sản lượng khai thác khoảng 300 tấn/năm, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, đạt tiêu chuẩn GACP - WHO (thực hành tốt nuôi trồng và thu hái); đầu tư chế biến, xây dựng các cơ sở sơ chế và chế biến sâu các sản phẩm từ sâm Việt Nam gắn với vùng nguyên liệu, sản xuất theo chuỗi.
Định hướng đến năm 2045, phát triển sâm Việt Nam trở thành ngành mang thương hiệu quốc tế, có giá trị xuất khẩu cao, tạo nguồn thu quan trọng cho các địa phương, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất sâm lớn nhất thế giới.