| Hotline: 0983.970.780

EUDR tạo áp lực lên cao su nhập khẩu và tiểu điền

Chủ Nhật 19/05/2024 , 16:00 (GMT+7)

Ngành cao su đang khẩn trương đáp ứng các quy định của EUDR về truy xuất nguồn gốc từ cao su đại điền tới cao su tiểu điền và cao su nhập khẩu.

80% diện tích cao su ở Việt Nam của VRG đã có chứng nhận quản lý rừng bền vững. Ảnh: Thanh Sơn.

80% diện tích cao su ở Việt Nam của VRG đã có chứng nhận quản lý rừng bền vững. Ảnh: Thanh Sơn.

Chia sẻ tại Hội thảo “Thực trạng chuỗi cung ngành cao su Việt Nam: Chuẩn bị để đáp ứng quy định chống phá rừng châu Âu”, do Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) và Forest Trends tổ chức mới đây, đại diện của Casumina cho biết, nhiều năm nay, công ty đã xuất khẩu lốp xe sang châu Âu. Cách đây vài tháng, một số nhà nhập khẩu châu Âu đã gửi email cho Casumina, lưu ý công ty về việc phải chuẩn bị để đáp ứng các quy định của EUDR đối với các sản phẩm lốp xe và sản phẩm có nguồn gốc từ cao su thiên nhiên xuất khẩu vào thị trường EU.

Thông tin từ Casumina cho thấy dù còn hơn nửa năm nữa EUDR mới chính thức được áp dụng đối với các doanh nghiệp lớn, nhưng các nhà nhập khẩu châu Âu đã rất quan tâm tới quy định này.

Theo ông Võ Hoàng An, Tổng thư ký VRA, EU là thị trường xuất khẩu các mặt hàng cao su lớn thứ 3 của Việt Nam. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng cao su của Việt Nam vào EU đạt 469 triệu USD, tương đương 6,5% tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng cao su của cả ngành (cao su nguyên liệu, sản phẩm cao su).

Với kim ngạch xuất khẩu như trên, có thể thấy, EU là một thị trường quan trọng của ngành cao su Việt Nam.

Không những thế, cao su Việt Nam hiện đang chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc và là nguồn cung lớn thứ 2 cho thị trường này. Là nước nhập khẩu cao su nguyên liệu và chế biến các mặt hàng cao su thành phẩm hàng đầu thế giới, Trung Quốc đang là nguồn cung lớn về các mặt hàng cao su cho EU. Vì vậy, có thể một lượng cao su thiên nhiên từ Việt Nam được đưa vào chế biến tại Trung Quốc và sau đó xuất khẩu ở dạng sản phẩm cuối cùng vào EU.

Khi các sản phẩm cao su thành phẩm từ Trung Quốc xuất khẩu sang EU phải tuân thủ EUDR, chắc chắn các thương nhân Trung Quốc cũng đòi hỏi các nhà xuất khẩu cao su nguyên liệu Việt Nam phải đáp ứng quy định này khi bán hàng cho họ.

Trong việc tuân thủ EUDR, trong khi đã có thể yên tâm về cao su đại điền, thì nỗi lo ngại tập trung vào nguồn cao su thiên nhiên nhập khẩu và cao su tiểu điền.

Một vườn cao su tiểu điền ở Bình Phước. Ảnh: Thanh Sơn.

Một vườn cao su tiểu điền ở Bình Phước. Ảnh: Thanh Sơn.

Cao su thiên nhiên nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu đến từ Campuchia, Lào … Trong năm 2023, Việt Nam đã nhập khẩu gần 1,4 triệu tấn cao su thiên nhiên, với kim ngạch gần 1,4 tỷ USD. Còn cao su tiểu điền hiện chiếm hơn 50% tổng sản lượng cao su thiên nhiên trong nước.

Ông Nguyễn Vinh Quang, chuyên gia phân tích chính sách của Forest Trends, cho biết, với nguồn cao su thiên nhiên nhập khẩu từ Campuchia và Lào, các thông tin hiện tại không cho phép việc thực hiện truy xuất nguồn gốc. Thông tin về chuỗi cung từ hai nguồn này vào Việt Nam là rất ít.

Với cao su tiểu điền, việc truy xuất nguồn gốc là rất khó, bởi chuỗi cung rất phức tạp. Khâu thu mua cao su tiểu điền chủ yếu do thương lái hay công ty thương mại đảm nhiệm ở nhiều cấp (thôn, xã, huyện, tỉnh), mang tính tự phát, nhiều cấp trung gian mua đi bán lại. Có nhiều nông dân vừa trồng cao su, vừa làm đại lý thu mua mủ cao su của các hộ khác. Việc ghi chép hoạt động mua bán lại không được thực hiện đầy đủ. Bên cạnh đó là tình trạng thiếu thông tin về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với cao su tiểu điền. Thậm chí một số diện tích chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc còn có tranh chấp, bị chồng lấn.

Trước thực trạng đó, Forest Trends khuyến nghị các công ty cao su cần đánh giá lại toàn bộ các nguồn cung, thực hiện nghiêm việc truy xuất nguồn gốc với nguồn cung trong nước. Đồng thời có các cơ chế, chính sách, khuyến khích và hỗ trợ các bên tham gia chuỗi cung cao su tiểu điền tập huấn thúc đẩy tuân thủ đảm bảo truy xuất nguồn gốc, phát triển và ứng dụng phần mềm, số hóa... Bên cạnh đó, cần thu thập thông tin và minh bạch về nguồn cung nhập khẩu, tách riêng nguồn cung nhập khẩu chưa rõ nguồn gốc với nguồn trong nước có nguồn gốc rõ ràng.

Mủ cao su sản xuất tại một nhà máy ở Campuchia của VRG. Ảnh: Thanh Sơn.

Mủ cao su sản xuất tại một nhà máy ở Campuchia của VRG. Ảnh: Thanh Sơn.

Là một đơn vị có nguồn cao su nguyên liệu đưa từ nước ngoài về và thu mua nhiều cao su tiểu điền, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đang quan tâm thực hiện những vấn đề này.

Ông Trương Minh Trung, Phó Tổng Giám đốc VRG, cho biết, Tập đoàn hiện có nhiều công ty thành viên đang trồng cao su tại Campuchia và Lào. Do Campuchia và Lào chưa có hệ thống quản lý chứng chỉ rừng bền vững như ở Việt Nam, VRG đã chủ động xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm mủ cao su và gỗ cao su trên những vườn cao su của Tập đoàn ở 2 nước này.

Mỗi năm, các công ty thành viên của VRG đang mua khoảng 100 nghìn tấn mủ cao su tiểu điền. VRG đã có kế hoạch hỗ trợ các hộ trồng cao su tiểu điền xây dựng bản đồ số theo yêu cầu của EUDR để truy xuất nguồn gốc.

Còn với diện tích cao su ở Việt Nam do VRG quản lý, đến nay khoảng 80% đã có chứng nhận quản lý rừng bền vững VFCS/PEFC-FM, qua đó giúp Tập đoàn cơ bản đáp ứng được yêu cầu của EUDR về truy xuất nguồn gốc. VRG đang phấn đấu đến 2025, toàn bộ diện tích ở Việt Nam có chứng nhận này.

Xem thêm
AgroViet 2024 - Cầu nối mở rộng thương mại nông sản

Ngày 20/11, Hội chợ triển lãm Nông nghiệp Quốc tế lần thứ 24 - AgroViet 2024 được khai mạc tại Trung tâm xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Hà Nội).

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.