| Hotline: 0983.970.780

Tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2024 dưới 6%, thiếu động lực từ doanh nghiệp

Thứ Bảy 18/05/2024 , 08:50 (GMT+7)

Nền kinh tế tăng trưởng được hay không phải nhìn vào khu vực doanh nghiệp, nhưng tình hình doanh nghiệp 4 tháng đầu năm đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức...

Đây là thông tin được nhóm chuyên gia của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tại tọa đàm Đối thoại chính sách và công bố Báo cáo Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024, ngày 17/5.

Nhìn lại kinh tế Việt Nam 4 tháng đầu năm, theo báo cáo của VEPR, nền kinh tế đang chứng kiến sự phục hồi của xuất nhập khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong đó, Việt Nam duy trì thặng dư thương mại 8 năm liên tiếp, với kim ngạch xuất khẩu đạt 238,88 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước, nền kinh tế duy trì xuất siêu 8,4 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm.

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 4 tháng đầu năm khá tích cực. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam 4 tháng đầu năm, bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 9,27 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, tiếp nối đà tăng trưởng năm 2023, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 4 tháng qua ước đạt 6.28 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước.

Nguồn: VEPR

Nguồn: VEPR

"Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu trong 5 năm qua. Từ những số liệu trên có thể thấy, thu hút FDI chính là một trong các điểm sáng đóng góp vào kết quả tích cực của kinh tế 4 tháng đầu năm, tạo khởi đầu thuận lợi cho năm 2024", nhóm nghiên cứu của VEPR đánh giá.

Tuy nhiên, bên cạnh điểm sáng về xuất khẩu, thu hút FDI, báo cáo của VEPR cũng chỉ ra những yếu tố khiến sự phục hồi kinh tế của Việt Nam năm 2024 chưa thực sự bền vững.

Trong đó, quý I/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 8,2%, tuy nhiên so với quý IV/2023, thì lại trên đà giảm.

Đồng thời, các doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn, với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao gấp 1,5 lần số doanh nghiệp thành lập mới. Đặc biệt là, vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới đang có xu hướng nhỏ lại.

TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng VEPR cho rằng, doanh nghiệp càng khó khăn, quy mô vốn càng nhỏ thì các yếu tố vĩ mô khác càng khó đạt được. Cùng với đó, tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong 10 năm qua, cho thấy cần tiếp tục có các biện pháp mạnh mẽ để hỗ trợ doanh nghiệp.

"Ghìm cương" tỷ giá và giá vàng

Chuyên gia của VEPR cũng bày tỏ quan ngại về những rủi ro cho ổn định kinh tế vĩ mô liên quan đến áp lực tỷ giá và giá vàng, khi hai yếu tố này liên tục đạt đỉnh đầu năm 2024. Mặc dù lạm phát vẫn nằm trong tầm kiểm soát dưới ngưỡng mục tiêu, song có thể gia tăng trong thời gian tới.

"Ngoài các yếu tố bong bóng tài sản và tỷ giá có thể dẫn đến thay đổi mặt bằng lãi suất thì lạm phát chi phí đẩy là yếu tố đáng quan tâm trong giai đoạn nửa cuối 2024", ông Nguyễn Quốc Việt nêu quan điểm.

TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng VEPR chia sẻ tại buổi tọa đàm.

TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng VEPR chia sẻ tại buổi tọa đàm.

Bên cạnh đó, VEPR cho rằng, kinh tế Việt Nam sẽ phải đối diện với các thách thức như trì hoãn cắt giảm lãi suất của Fed làm giảm xuất khẩu và đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam; xung đột địa chính trị trên thế giới diễn biến phức tạp và kéo dài, ảnh hưởng đến xuất, nhập khẩu và sản xuất của cả nước.

Đồng thời, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về thị trường, về nhân lực, công nghệ và vốn; biến đổi khí hậu, hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn; áp lực lạm phát tăng do xu hướng lạm phát trên thế giới vẫn cao.

Trước những khó khăn này, VEPR cho rằng nếu như không có những yếu tố bất ngờ thì hầu như kết quả tăng trưởng cuối năm nay ở mức trung bình thấp từ các dự báo tăng trưởng của các tổ chức quốc tế lớn, tức khoảng 5,5 – 6%.

Nguồn VEPR

Nguồn VEPR

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trên, thời gian tới cũng cần phải có những giải pháp tổng thể để kích cầu tăng trưởng. Trong đó, các chuyên gia khuyến nghị cần tăng cường giải ngân vốn đầu tư công; Tháo gỡ khó khăn, giảm gánh nặng cho doanh nghiệp.

Thêm vào đó, do động lực tiêu dùng nội địa còn yếu, các chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục giảm thuế VAT trong năm 2024 và cân nhắc mở rộng thêm đối tượng áp dụng.

Ngoài ra, cần có thêm chương trình và chính sách kích cầu tiêu dùng cụ thể theo hướng hỗ trợ trực tiếp người tiêu dùng thanh toán chi phí mua sản phẩm/dịch vụ, nhất là để định hướng tiêu dùng theo các xu hướng tiêu dùng xanh, sạch, bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện cam kết Net Zero vào năm 2050.

Tỷ giá ảnh hưởng như thế nào đến xuất khẩu?

Theo VEPR, về lý thuyết, khi đồng VND mất giá sẽ giúp thúc đảy xuất khẩu vì giá bán bằng USD sẽ giảm. Ví dụ 1 kg tôm tại Việt Nam có giá 500.000đ/kg, quy ra USD theo tỷ giá 24.500đ/USD thì có giá 20,4USD/kg. Khi đồng VND mất giá 4%, tức tăng lên 25.500đ/USD thì cũng 1kg tôm đó sẽ có giá là 18,5USD/kg.

Giá giảm có thể làm tăng sức cạnh tranh và nhu cầu với nông sản xuất khẩu nói chung và thủy sản nói riêng của Việt Nam. Tuy nhiên theo một nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế Luật TP.HCM, tỷ giá mặc dù có ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản nhưng về mức độ, tác động chỉ đứng ở vị trí thứ 3.

Theo đó, yếu tố ảnh hưởng nổi trội và lớn nhất tới xuất khẩu thủy sản là sản lượng, tức năng lực đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy sản của Việt Nam. Thứ đến là nhu càu tiêu thụ tại thị trường xuất khẩu như thị trường Mỹ và Nhật Bản. Một minh chứng là xuất khẩu tôm sang Mỹ trong năm 2023 đã giảm 12% dù đồng VND năm 2022 và 2023 đều mất giá nhanh hơn hẳn các năm trước đó.

Xem thêm
Xuất khẩu tới hơn 100 quốc gia, chè Việt Nam vẫn cần lưu ý điều gì?

Nhìn chung các thị trường đều yêu cầu ngày càng cao đối với an toàn thực phẩm, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc, theo Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường.

Xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y

Bộ NN-PTNT thông báo xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y thuộc Bộ, như sau:

Yến Sào Khánh Hòa lần thứ 4 liên tiếp đạt Thương hiệu Quốc gia

Công ty Yến Sào Khánh Hòa vinh dự lần thứ 4 liên tiếp đạt Thương hiệu Quốc gia và là doanh nghiệp duy nhất của Khánh Hòa đạt được kết quả này trong năm 2024.

Dự án căn hộ duy nhất ở Tây Nam Linh Đàm đang được săn đón

Không ngạc nhiên khi dự án căn hộ duy nhất đang triển khai tại Tây Nam Linh Đàm, thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội là Hanoi Melody Residences đang được thị trường săn đón...